Multimedia Đọc Báo in

Chuyện cứu ngư dân của bác sĩ nhà giàn

09:13, 29/03/2024

Các y, bác sĩ nhà giàn DK1 chính là “thiên thần áo trắng” đối với các ngư dân đánh bắt hải sản ngoài vùng biển DK1 trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, nhiều lần tận tình cứu chữa ngư dân thoát khỏi “lưỡi hái tử thần”.

1. Đại úy y sĩ Phạm Văn Bảy hiện đang làm nhiệm vụ tại nhà giàn DK1/12 là một trong 15 y sĩ có tay nghề tốt, nhiệt tình với công việc. Gần 30 năm tuổi quân, 26 năm công tác ở nhà giàn DK1, anh Bảy không nhớ mình đã cứu chữa bao nhiêu ngư dân gặp nạn trên biển.

Anh Bảy kể, trong nhiều vụ cấp cứu ngư dân, nhớ nhất là lần cứu ngư dân ghe cá Bình Thuận đầu năm 2023. Đó là buổi chiều tối đầu năm, biển động, 9 cán bộ, chiến sĩ vừa ăn cơm chiều thì bất ngờ có tiếng gọi kêu cứu từ máy I-com sóng cực ngắn trên kênh 14A: “Tàu cá gọi nhà giàn, tàu cá gọi nhà giàn”. Tiếng tài công (chủ tàu Bth - 2169) khàn đặc nói lớn: “Cứu chúng tôi với, có người gặp nạn”. “Các anh giữ máy nhé. Bình tĩnh, chúng tôi sẽ hỗ trợ cấp cứu ngay” - chiến sĩ báo vụ đáp lại.

Các chiến sĩ đón ngư dân gặp nạn vào đảo Tiên Nữ cấp cứu. Ảnh do Đảo Tiên Nữ cung cấp

Chỉ huy trưởng nhà giàn lệnh “phương án cấp cứu ngư dân nhanh chóng triển khai”. Nhanh như cắt, y sĩ Phạm Văn Bảy vào kho lấy cáng đưa ra sàn công tác, đồng thời lấy các thiết bị y tế cần thiết vô khuẩn, các loại thuốc cấp cứu, trợ lực, chống đông máu, chống đột quỵ chuẩn bị sẵn sàng.

18 giờ 30, trời bắt đầu tối. Tàu cá Bth - 2169 tiến dần về phía nhà giàn. Chỉ huy trưởng lệnh “chuyển cáng xuống tàu cá, kết hợp đưa người bệnh lên giàn”. Y sĩ Phạm Văn Bảy móc một chân vào cầu thang, nhoài người quăng dây mồi cho tàu cá, rồi nhảy ùm xuống biển, bám dây leo lên tàu cá. Người bệnh được cột chặt vào cáng (măng - ca). Tàu cá tiến sát chân đế nhà giàn. Các chiến sĩ trên giàn dùng dây cẩu tời, kết hợp các ngư dân đưa người bệnh lên sàn cập tàu thành công. Không ngần ngại, y sĩ Bảy ghé vai nói to “anh bám vào vai, tôi cõng lên”.

Vượt qua các bậc cầu thang dốc cao của nhà giàn, ngư phủ Trần Văn Lợi (24 tuổi) – ngư dân lần đầu đi đánh bắt hải sản trên tàu Bth - 2169 được đưa lên sàn công tác. Anh Bảy áp sát má vào ngực nghe nhịp tim trực tiếp, đồng thời kiểm tra tròng mắt, đo huyết áp, thổi ngạt… Lúc này anh Lợi người “mềm oặt”, chân tay không động đậy, nhịp thở yếu, bụng trướng to. Xác định người bệnh bí tiểu giãn bàng quang có nguy cơ vỡ bàng quang nếu không được cấp cứu kịp thời, không ngần ngại, y sĩ Bảy đã luồn ống thông tiểu qua niệu đạo bệnh nhân và dùng miệng hút nước tiểu người bệnh ra ngoài. Sau gần 20 phút, người bệnh có dấu hiệu cử động, anh Bảy liền tiêm trợ lực và đo thân nhiệt, xoa bóp vùng bụng dưới, vỗ sau lưng… bằng tất cả các biện pháp nghiệp vụ cấp cứu; sau hơn 1 giờ thì ngư dân Trần Văn Lợi mở mắt yếu ớt nhìn quanh.

“Đó là kỷ niệm đồng thời là lần cứu ngư dân đáng nhớ nhất trong đời lính nhà giàn của tôi. Giữa lằn ranh sinh tử của người bệnh, là y sĩ mình ngại gì mà không dùng miệng thông tiểu cho họ. Nếu ngại bẩn, không dám hy sinh thì ai làm y bác sĩ. Ở giữa biển khơi, ngư dân gặp nạn mình không cứu họ thì cứu ai. Cứu ngư dân là mệnh lệnh từ trái tim, không chậm trễ, cũng không ngần ngại” - Thiếu tá, y sĩ Phạm Văn Bảy bộc bạch.

Cấp cứu ngư dân gặp nạn ở nhà giàn DK1. Ảnh: Văn Bảy

2. Về chuyện cứu ngư dân, Đại úy chính trị viên Nguyễn Bá Tân chỉ nói đơn giản: “Cứu ngư dân là mệnh lệnh, là nhiệm vụ của chúng tôi mà. Khi nhận được tín hiệu cấp cứu bằng mọi cách phải cứu họ, không thể chậm trễ được”.

34 năm trụ vững nơi đầu sóng ngọn gió, nhà giàn DK1/15 đã cứu hàng chục ngư dân gặp nạn trên biển. Nhưng với cán bộ, chiến sĩ nơi đây, lần cứu ngư dân Phạm Văn Chánh ở tàu cá TS - 91194 bị gãy xương đùi và tắc mạch máu ổ bụng là một trường hợp đáng nhớ.

 Lần ấy, tàu TS - 91194 có 12 ngư dân đi bắt hải sâm đáy biển, chuyến hải trình được 11 ngày thì gặp nạn. Lúc ấy, cán bộ, chiến sĩ nhà giàn vừa trải qua 4 giờ huấn luyện vất vả, chiến sĩ radar quan sát mặt biển phát hiện có tàu cá từ xa phóng tốc độ cao thẳng đến nhà giàn. Qua kính TZK nhìn rõ lá cờ Tổ quốc. Nhận định có người gặp nạn, Đại úy Nguyễn Bá Tân đã chỉ huy “kíp cấp cứu” triển khai cứu người. Đúng lúc đó thì máy I-Com sóng cực ngắn kênh 14A (kênh quy định cấp cứu trên biển) phát tiếng kêu cứu: “Tàu cá gọi nhà giàn, xin cấp cứu…”.

Ngư phủ Phạm Văn Chánh được các chiến sĩ đưa lên nhà giàn trong tình trạng gãy xương đùi trái, bụng trướng do lặn sâu đáy biển bắt hải sâm, máu rỉ hai tai. Ông Chánh nhanh chóng được cố định phần gãy xương đùi trái, thông tiểu, truyền dịch, chống đông máu, vệ sinh cá nhân, hỗ trợ sức khỏe…; sau hơn hai ngày điều trị tích cực, ngư phủ Chánh đã “thoát khỏi tử thần”. Sau đó ông Chánh được tàu hải quân chuyển về đất liền đến Viện Quân y 175 tiếp tục điều trị.

Tiếp lương thực, nước ngọt miễn phí cho ngư dân. Ảnh: M. Thắng

“Chuyện cứu ngư dân ở vùng biển DK1 luôn được đặt lên hàng đầu trong công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc trong tình hình mới. Mặc dù điều kiện cấp cứu còn nhiều khó khăn, song chúng tôi luôn coi trọng công tác khám, cấp cứu, chữa bệnh cho bà con ngư dân là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Đây cũng thể hiện tình cảm quân với dân như cá với nước trong hành trình bảo vệ chủ quyền Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió”, Đại úy Nguyễn Bá Tân khẳng định.

Nhiều năm trở lại đây, ngư dân đánh bắt hải sản trên vùng biển DK1 rất yên tâm về tinh thần chữa bệnh, cấp cứu của các y sĩ nhà giàn DK1. Khi khai thác xa bờ, ngư dân chẳng may bị tai nạn lao động hoặc cần trợ giúp về y tế đều được y sĩ nhà giàn DK1 cấp cứu, khám chữa bệnh miễn phí. Nhiều ngư phủ đã chết lâm sàng do sức ép của nước hoặc bị bệnh hiểm nguy, sau khi được các y bác sĩ cấp cứu kịp thời đã “tái sinh”. Những việc làm của đội ngũ thầy thuốc quân y hải quân đã để lại trong lòng bà con ngư dân ấn tượng tốt đẹp về hình ảnh bộ đội Cụ Hồ.

Mai Thắng


Ý kiến bạn đọc