Kiểm soát huyết áp để sống khỏe
Tăng huyết áp (còn gọi là huyết áp cao) là một bệnh lý khá phổ biến không chỉ xảy ra ở người lớn tuổi mà hiện nay căn bệnh này đang gia tăng ở người trẻ tuổi.
Tăng huyết áp được coi là kẻ giết người thầm lặng (có hơn 50% số người bị tăng huyết áp không biết mình mắc bệnh), có nhiều nguy cơ biến chứng nghiêm trọng.
Tăng huyết áp là tình trạng áp lực dòng chảy của máu lên thành động mạch tăng cao. Một người được xác định là bị tăng huyết áp khi huyết áp tâm thu từ 140 mmHg trở lên và/hoặc huyết áp tâm trương từ 90 mmHg trở lên.
Một số triệu chứng có thể xảy ra ở một người bị tăng huyết áp là: đau nhức đầu vào sáng sớm; chảy máu cam; nhịp tim nhanh, thay đổi thị lực, ù tai…
Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện có khoảng 1 tỷ người trên thế giới mắc bệnh tăng huyết áp và con số này dự đoán sẽ tăng lên 1,5 tỷ người năm 2025; mỗi năm có khoảng 9,4 triệu người bị tăng huyết áp tử vong.
Tại Việt Nam, theo Cục Y tế dự phòng có khoảng 17 triệu người bị tăng huyết áp, tức là cứ bốn người trưởng thành thì có một người mắc bệnh. Đặc biệt trong 17 triệu người mắc tăng huyết áp ở cộng đồng thì có tới trên 50% chưa được phát hiện và trên 70% trong số phát hiện chưa được điều trị.
Kiểm tra huyết áp định kỳ nhằm phát hiện sớm bệnh tăng huyết áp. Ảnh: Đình Thi |
Tăng huyết áp là bệnh lý mạn tính, diễn biến thầm lặng, ít có các biểu hiện lâm sàng, do đó rất khó phát hiện và dễ xảy ra những biến chứng nặng nếu không được điều trị kịp thời. Thông thường cứ mỗi tháng bệnh nhân tăng huyết áp sẽ đến bệnh viện để được bác sĩ tư vấn và nhận thuốc về nhà uống đều đặn. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp vẫn phải nhập viện cấp cứu vì tăng huyết áp đột ngột.
Bác sĩ CKI Trần Thanh Quý, Trưởng Khoa Cấp cứu hồi sức tích cực chống độc (Bệnh viện Đa khoa TP.Buôn Ma Thuột) giải thích: Bệnh nhân tăng huyết áp cần hiểu rằng, trong quá trình dùng thuốc, trị số huyết áp trở về bình thường là nhờ vào những viên thuốc mà họ uống đều đặn hằng ngày.
Tăng huyết áp lâu dài đã làm cho khả năng đàn hồi của thành mạch máu kém đi. Khi huyết áp tăng cao đột ngột, thành mạch dễ dàng bị vỡ, là nguyên nhân gây xuất huyết và các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.
Vì vậy, khi đột ngột dừng thuốc điều trị thì huyết áp sẽ tăng trở lại như trước khi điều trị, thậm chí còn tăng cao hơn mà cơ thể chưa kịp thích nghi, có thể gây ra những biến chứng của bệnh tăng huyết áp như: đột quỵ, nhồi máu cơ tim, xuất huyết não; bệnh nhân sẽ có những biến cố tim mạch như hội chứng mạch vành, gây vỡ động mạch chủ, đau thắt ngực, phù phổi cấp, suy thận cấp…
uyện tập thể dục thể thao thường xuyên để giảm nguy cơ mắc bệnh. Ảnh: Đình Thi |
Bệnh nhân tăng huyết áp có thể được phòng ngừa hiệu quả và duy trì ở mức lý tưởng nếu như mỗi người dân thực hiện nghiêm túc các khuyến cáo của các chuyên gia y tế, luôn duy trì cân nặng lý tưởng, tránh bị thừa cân, béo phì. Chế độ ăn uống khoa học, tăng cường ăn rau xanh và hoa quả tươi. Giảm ăn muối, hạn chế các thức ăn nhiều dầu mỡ; đảm bảo đủ kali và các yếu tố vi lượng. Luyện tập thể dục thể thao thường xuyên, ít nhất 30 phút mỗi ngày. Đồng thời, cần chú ý kiểm tra huyết áp định kì nhằm phát hiện sớm và theo dõi bệnh tăng huyết áp, phòng tránh các biến chứng nguy hiểm.
Liên Chi
Ý kiến bạn đọc