Multimedia Đọc Báo in

Góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992: Một số ý kiến góp ý về Chương III - Kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường

09:03, 12/05/2013

Qua nghiên cứu cụ thể các quy định tại Chương III-Kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường, tôi xin góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (xin gọi tắt là Dự thảo sửa đổi Hiến pháp), cụ thể như sau:

Thứ nhất, tại Khoản 1, Điều 56 quy định: “Tổ chức, cá nhân được tự do kinh doanh, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ….”. Đề nghị bổ sung chữ "và phải" và biên tập thành sửa thành: “Tổ chức, cá nhân có quyền  kinh doanh và phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ….”.

Khoản 2, Điều 56 quy định: "Nhà nước thực hiện chính sách chống độc quyền và bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh", đề nghị biên tập lại: "2. Nhà nước bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh và thực hiện chính sách chống độc quyền trong kinh doanh". Bởi vì môi trường cạnh tranh lành mạnh là một khái niệm khá rộng, muốn có môi trường cạnh tranh không những phải chống độc quyền mà còn liên quan đến nhiều vấn đề khác như cấp phép đầu tư, chính sách hỗ trợ, chính sách thuế... Chính vì vậy phải đặt yêu cầu đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh lên trước.

Thứ hai, tại Khoản 2, Điều 59  quy định: "2. Ngân sách Nhà nước là thống nhất gồm ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương. Thu chi ngân sách Nhà nước được thực hiện theo quy định của pháp luật". Đề nghị bỏ từ "là thống nhất", bởi vì Khoản 1 đã nói rõ Ngân sách nhà nước ….được Nhà nước thống nhất quản lý, sử dụng… và biên tập lại: "2. Ngân sách Nhà nước gồm ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương. Thu chi ngân sách Nhà nước được thực hiện theo quy định của pháp luật". Lý do: Luật Ngân sách Nhà nước của Việt Nam đã được Quốc hội Việt Nam thông qua ngày 16-12-2002 định nghĩa: Ngân sách Nhà nước là toàn bộ các khoản thu, chi của Nhà nước trong dự toán đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định và được thực hiện trong một năm để đảm bảo thực hiện các chức năng và nhiệm vụ của nhà nước. Như vậy định nghĩa “Ngân sách Nhà nước là thống nhất” sẽ không chính xác, vì chỉ có việc quản lý, sử dụng…Ngân sách nhà nước mới có đặc trưng là thống nhất.

Thứ ba, tại Khoản 1, Điều 63 quy định: "1. Nhà nước phát triển hệ thống an sinh xã hội đa dạng, toàn diện, có tính chia sẻ, công bằng, bền vững, trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn". Đề nghị bổ sung và biên tập lại như sau: "1. Nhà nước phát triển hệ thống an sinh xã hội đa dạng, toàn diện, có tính chia sẻ, công bằng, bền vững, trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn và người sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo đặc biệt khó khăn.

Thứ 4, tại Khoản 4, Điều 64  quy định: "Nghiêm cấm hành vi lợi dụng hoạt động văn hóa, thông tin làm tổn hại lợi ích quốc gia, phá hoại nhân cách, đạo đức và lối sống tốt đẹp của người Việt Nam, truyền bá tư tưởng, xuất bản phẩm và các hình thức khác có nội dung phản động, đồi trụy, mê tín, dị đoan", đề nghị thay cụm từ “phá hoại” trước cụm từ nhân cách bằng cụm từ “xâm hại” vì nội hàm của từ phá hoại là cố ý làm đổ vỡ (Từ điển Tiếng việt năm 1993). Vì thế thay cụm từ “phá hoại” bằng cụm từ “xâm hại” là hợp lý hơn.

Thứ năm, đề nghị giữ nguyên Điều 66 Hiến pháp 1992. Lý do: Điều này từng quy định về vị trí, vai trò của thanh niên trong công cuộc lao động sáng tạo và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, trong dự thảo sửa đổi lại lược bỏ điều này. Vì vậy, kiến nghị Dự thảo sửa đổi nên giữ nguyên điều này. Bởi lẽ, đối tượng thanh niên là một lực lượng xã hội to lớn, có vị trí, vai trò quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, bảo vệ Tổ quốc. Việc quy định vị trí, vai trò của đối tượng này cũng như những chính sách, cơ chế tạo điều kiện cho thanh niên phát triển là việc làm cần thiết và có ý nghĩa đối với một quốc gia. Đồng thời, đó cũng là cơ sở để nhà nước ban hành các chủ trương, chính sách, các quy định pháp luật nhằm đảm bảo và phát huy hơn nữa sức lực, trí tuệ của thế hệ trẻ.

Nguyễn Văn Bảy


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.