Multimedia Đọc Báo in

UBND tỉnh trả lời kiến nghị của cử tri

09:28, 05/08/2014

Tại Kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh khóa VIII diễn ra từ ngày 15 đến ngày 18-7, UBND tỉnh đã trình Kỳ họp kết quả trả lời kiến nghị của cử tri sau Kỳ họp thứ 6 và thứ 7 HĐND tỉnh khóa VIII. Bắt đầu từ số báo hôm nay, Báo Dak Lak xin lược đăng về nội dung này.

Cử tri huyện Lak kiến nghị: Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho bà con đi lại, vận chuyển nông sản sau thu hoạch…, tỉnh cần sớm quan tâm chỉ đạo các ngành xây dựng phương án đầu tư đường nối liền xã với huyện qua khu rừng Nam Ka.

- Tuyến đường nối liền xã với huyện Lak qua khu rừng Nam Ka thuộc Dự án đường giao thông đến trung tâm xã Buôn Triết (huyện Lak), được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1653/QĐ-UBND ngày 5-7-2010, do UBND huyện Lak làm chủ đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư  66,553 tỷ đồng, đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và ngân sách Nhà nước. Về quy mô, dự án có tổng chiều dài 20,4 km, điểm đầu tại xã Ea R’bin, điểm cuối tại xã Buôn Triết (giao nhau với tỉnh lộ 7). Do khó khăn về vốn nên dự án mới triển khai thi công đoạn từ xã Ea R’bin đi buôn Lách Ló, chiều dài tuyến 10,929 km, mặt đường bằng cấp phối tự nhiên, với tổng mức đầu tư 26,965 tỷ đồng bằng nguồn vốn định canh, định cư theo Quyết định số 33/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, dự án đã thi công được khoảng 8,4 km/10,929 km, đoạn còn lại giữa tuyến dài khoảng 2,5 km đi qua rừng đặc dụng Nam Ka nên dự án phải tạm dừng để xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ cho chuyển đổi mục đích sử dụng. Đoạn tuyến còn lại nối từ buôn Lách Ló xã Ea R’bin đi xã Buôn Triết chiều dài 9,43 km chưa được triển khai vì chưa bố trí được vốn.

UBND tỉnh giao Sở Giao thông Vận tải phối hợp với các đơn vị liên quan làm việc với Trung ương để sớm có ý kiến về việc chuyển đổi mục đích sử dụng một phần đất rừng đặc dụng Nam Ka để tiếp tục thực hiện dự án; đồng thời, giao Sở Kế hoạch - Đầu tư nghiên cứu nguồn vốn để tham mưu UBND tỉnh bố trí vốn triển khai thi công đoạn tuyến còn lại thuộc dự án nêu trên.

Cử tri huyện Krông Pak phản ảnh việc cấp phát thuốc bảo hiểm y tế cho các đối tượng tham gia đóng bảo hiểm y tế chất lượng chưa tốt, ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh; chính quyền địa phương gây khó khăn trong việc xác nhận làm đại lý bán bảo hiểm y tế. Đề nghị sớm có biện pháp chấm dứt tình trạng trên.

- Theo quy trình mua thuốc và cấp thuốc tại tất cả các cơ sở y tế trong tỉnh, tất cả các loại thuốc đều được mua thông qua hình thức đấu thầu tập trung được quy định trong Danh mục thuốc của Bộ Y tế, có quy định rất rõ về tiêu chuẩn kỹ thuật và thực tế đều là những thuốc điều trị đã được kiểm nghiệm nghiêm ngặt theo đúng quy định về kiểm nghiệm chất lượng thuốc và cấp phép lưu hành của Bộ Y tế. Trên địa bàn huyện Krông Pak, thuốc  điều trị cho người dân tại huyện do Bệnh viện Đa khoa huyện cấp trên cơ sở Danh mục thuốc đạt tiêu chuẩn đã qua đấu thầu của Sở Y tế, nên khó có thể xảy ra trường hợp cấp thuốc không đạt chất lượng. Tuy nhiên, trong trường hợp cụ thể cử tri phản ánh, UBND tỉnh giao Sở Y tế kiểm tra và giải quyết.

Cử tri các huyện Ea Kar, Buôn Đôn đề nghị xem xét, sửa đổi, bổ sung chế độ phụ cấp đối với cán bộ hưu trí tham gia các tổ chức xã hội.

- Hiện tại chế độ thù lao đối với người nghỉ hưu giữ chức danh lãnh đạo chuyên trách tại các hội đặc thù thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 57/2012/NQ-HĐND ngày 6-7-2012 của HĐND tỉnh quy định chế độ thù lao đối với người đã nghỉ hưu giữ chức danh lãnh đạo chuyên trách tại các hội có tính chất đặc thù trên địa bàn tỉnh. Nghị quyết 57 là văn bản triển khai Quyết định số 30/2011/QĐ-TTg, ngày 1-6-2011 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ thù lao đối với người đã nghỉ hưu giữ chức danh lãnh đạo chuyên trách tại các hội. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung chế độ phụ cấp đối với cán bộ hưu trí quy định tại Nghị quyết số 57 phải trên cơ sở hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương và khi Thủ tướng Chính phủ sửa đổi Quyết định số 30/2011/QĐ-TTg hoặc có văn bản quy phạm pháp luật khác của Trung ương thay đổi.

Đối với cán bộ hưu trí công tác tại các tổ chức xã hội (không phải là hội đặc thù) thực hiện theo quy định tại  Khoản 2, Điều 7, Thông tư số 03/2013/TT-BNV ngày 16-4-2013 của Bộ Nội vụ quy định chi tiết thi hành Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21-4-2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội và Nghị định số 33/2012/NĐ-CP ngày 13-4-2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 45/2010/NĐ-CP.

Cử tri phản ánh việc ban hành chính sách, kế hoạch đào tạo nghề cho lực lượng lao động chưa có việc làm ở nông thôn, nhất là lao động là người dân tộc thiểu số chưa sát với nhu cầu thị trường lao động, tỉnh cần quan tâm hơn nữa đến vấn đề giải quyết việc làm.

- Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 81/2012/NQ-HĐND,ngày 21-12-2012, về Chương trình mục tiêu việc làm và dạy nghề tỉnh Dak Lak giai đoạn 2012 – 2015; cùng với đó, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3276/QĐ-UBND, ngày 22-12-2011, phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Dak Lak đến năm 2020 và Quyết định số 285/QĐ-UBND, ngày 31-01-2013, ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình việc làm và dạy nghề tỉnh Dak Lak giai đoạn 2012 – 2015.

Thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, bên cạnh việc tiến hành điều tra, khảo sát và dự  báo nhu cầu sử dụng lao động nông thôn qua đào tạo nghề của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ để bảo đảm cung và cầu lao động qua đào tạo nghề sát nhau, cơ quan chức năng là Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã yêu cầu các cơ sở dạy nghề phải thực hiện ký kết hợp đồng ba bên (người lao động tham gia học nghề, doanh nghiệp và cơ sở dạy nghề) để giải quyết việc làm sau học nghề cho người lao động và xem đó là điều kiện tiên quyết để được ký hợp đồng đặt hàng dạy nghề cho lao động nông thôn. Kết quả từ năm 2010 đến 2013 đã thực hiện đào tạo nghề cho 10.067 lao động nông thôn, tỷ lệ có việc làm sau khi học nghề đạt 74,53% - là một tỷ lệ tương đối cao trong hơn khi nền kinh tế thế giới và trong nước đang trong giai đoạn khủng hoảng. Tuy nhiên, với phản ánh trên của cử tri, UBND tỉnh giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp thu ý kiến và có các biện pháp hiệu quả hơn trong việc xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho lực lượng lao động chưa có việc làm ở nông thôn, nhất là lao động là người đồng bào dân tộc.

(Còn nữa)

Đàm Gia (lược ghi)


Ý kiến bạn đọc