Multimedia Đọc Báo in

Chuyển biến tích cực trong công tác phát triển đảng viên là người có đạo

10:39, 30/10/2015

Những năm qua, nhất là từ khi thực hiện Quy định số 123-QĐ/TW ngày 28-9-2004 của Bộ Chính trị và Hướng dẫn số 04-HD/TU ngày 22-11-2004 của  Ban Thường vụ Tỉnh ủy về kết nạp người có đạo và đảng viên có đạo tham gia sinh hoạt tôn giáo, các cấp ủy, chi bộ trong tỉnh luôn quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, tạo nguồn phát triển đảng viên nói chung, đảng viên là người có đạo nói riêng nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng ở vùng đồng bào có đạo.

Các cấp ủy đảng thường xuyên vận động các chức sắc tôn giáo tuyên truyền giáo dân thực hiện đúng đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; phân công cấp ủy viên có kinh nghiệm, am hiểu công tác tôn giáo về sinh hoạt tại các chi, đảng bộ ở nơi có đông đồng bào theo đạo nhằm theo dõi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân; tạo điều kiện thuận lợi để đảng viên có đạo tham gia sinh hoạt tôn giáo và thực hiện nhiệm vụ của người đảng viên, sống “tốt đời, đẹp đạo”; đẩy mạnh thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chủ trương, giải pháp đã đề ra, nhất là trong việc “khơi thông” tư tưởng về sự hòa hợp giữa “đạo” với “đời”, tôn giáo với dân tộc trong đội ngũ chức sắc, chức việc và bà con giáo dân, qua đó từng bước khắc phục, tháo gỡ những hạn chế, khó khăn trong công tác phát triển Đảng hiện nay. Kết quả là từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh đã kết nạp được 267 đảng viên là người có đạo, số lượng năm sau cao hơn năm trước (năm 2011: kết nạp 47 đảng viên; năm 2012: 48 đảng viên; năm 2013: 69 đảng viên và năm 2014 kết nạp mới 72 đảng viên là người có đạo); nâng số đảng viên là người có đạo lên 641 đồng chí, chiếm 0,98% so với đảng viên toàn tỉnh.

 Ban Chấp hành Đảng bộ xã Dray Bhăng (huyện Cư Kuin) ra mắt tại Đại hội lần thứ III nhiệm kỳ 2015-2020.
Ban Chấp hành Đảng bộ xã Dray Bhăng (huyện Cư Kuin) ra mắt tại Đại hội lần thứ III nhiệm kỳ 2015-2020.

Hằng năm, vào các dịp lễ, tết, các cấp ủy Đảng trong tỉnh đều tổ chức gặp mặt, tọa đàm và tặng quà các vị chức sắc tôn giáo ở địa phương, thông qua đó nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng và đề xuất chính đáng của đồng bào giáo dân để lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, liên quan kịp thời giải quyết những vấn đề vướng mắc ngay từ cơ sở. Trong sinh hoạt văn hóa, nhân các ngày lễ hội truyền thống của giáo dân, các cấp ủy đảng đều cử cán bộ tham gia nhằm động viên khuyến khích người dân giữ vững nét đẹp văn hóa, truyền thống “sống tốt đời, đẹp đạo”, vươn lên làm giàu, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Bên cạnh đó, một số tổ chức cơ sở đảng đã chú trọng đến việc lấy ý kiến đóng góp của quần chúng nhân dân và các vị chức sắc tôn giáo, nên đã tạo được sự ủng hộ của quần chúng nhân dân và qua đó tạo được sự gắn bó mật thiết giữa Đảng với dân, nhất là với quần chúng có đạo ở địa bàn dân cư.
Tuy nhiên, vẫn còn một số cấp ủy, nhất là cấp ủy cơ sở chưa nắm chắc quy định, hướng dẫn của Trung ương về kết nạp đảng viên là người có đạo nên còn e dè, định kiến, thiếu tin tưởng đối với người có đạo, không muốn kết nạp những chức sắc, chức việc trong tôn giáo vào Đảng. Một số quần chúng giáo dân còn băn khoăn cho rằng khi đứng trong hàng ngũ của Đảng sẽ hạn chế hoạt động của tín đồ theo giáo luật; chưa nhận thức đầy đủ về những nội dung quy định hiện hành, dẫn đến động cơ phấn đấu vào Đảng chưa cao; có trường hợp quần chúng tín đồ sau khi được kết nạp vào Đảng nhưng muốn tham gia các chức sắc, chức việc trong tôn giáo nên làm đơn xin ra khỏi Đảng…

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác phát triển đảng viên, xây dựng tổ chức đảng trong vùng tôn giáo, thiết nghĩ, trong thời gian tới các cấp ủy Đảng trong tỉnh cần nắm vững và tập trung tuyên truyền, giáo dục để các tổ chức đảng và đảng viên nhận thức đầy đủ ý nghĩa, mục đích, yêu cầu, tiêu chuẩn, nguyên tắc, thủ tục kết nạp đảng viên là người có đạo và những nội dung, yêu cầu về quản lý đảng viên là người có đạo tham gia sinh hoạt tôn giáo; gắn công tác phát triển đảng viên là người có đạo với việc thực hiện công tác dân tộc, công tác tôn giáo của Đảng và Nhà nước tại từng địa bàn, khu dân cư. Bên cạnh đó, cần chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân ở cơ sở; tổ chức thực hiện tốt quy ước, hương ước đã được phê duyệt gắn với thực hiện tốt Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Tùy tình hình đặc thù của mỗi địa phương, cần xây dựng chương trình, kế hoạch hằng năm xác định chỉ tiêu phát triển đảng viên là người có đạo để phấn đấu thực hiện; đổi mới về nội dung và hình thức sinh hoạt cho phù hợp với tình hình thực tiễn của vùng tôn giáo, vùng có đạo; thường xuyên tổ chức gặp mặt các vị chức sắc tôn giáo để giúp họ nhận thức đầy đủ chủ trương của Đảng, Nhà nước về chính sách dân tộc, tôn giáo, thấy được những âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, để từ đó giáo dục đồng bào, giáo dân tự giác chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Cấp ủy các cấp cũng cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chủ chốt trong hệ thống chính trị cấp xã có đông giáo dân; định kỳ tổ chức các hội nghị sơ, tổng kết về công tác đảng ở vùng có đạo, từ đó thấy rõ những yếu kém, khuyết điểm, nhân rộng những điển hình tốt, đề ra những biện pháp hiệu quả để làm tốt hơn nữa công tác tôn giáo, công tác xây dựng Đảng vùng có đạo ở mỗi địa phương.

Nguyễn Phú Lập


Ý kiến bạn đọc