Về thăm căn cứ Trung ương Cục miền Nam
Nằm cách TP. Tây Ninh (tỉnh Tây Ninh) khoảng 60 km, căn cứ Trung ương Cục miền Nam (thuộc địa bàn xã Tân Lập, huyện Tân Biên) là chứng tích về những năm tháng chiến đấu đầy hy sinh gian khổ nhưng rất đỗi tự hào của cán bộ, chiến sĩ cách mạng miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Trung ương Cục miền Nam được Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) quyết định thành lập vào ngày 23-1-1961 với nhiệm vụ chỉ đạo và lãnh đạo trực tiếp cách mạng miền Nam. Ngày mới thành lập Trung ương Cục miền Nam đóng ở tỉnh Đồng Nai, đến đầu năm 1962, chuyển về chiến khu Bắc Tây Ninh nằm trong rừng Rùm Đuôn, thuộc địa bàn xã Tân Lập, huyện Tân Biên.
Đến căn cứ Trung ương Cục miền Nam, du khách sẽ được tận hưởng không khí trong lành, mát mẻ của những tán rừng thường xanh. Rừng chính là mái nhà đã che chở, nuôi nấng bộ chỉ huy, các chiến sĩ cách mạng miền Nam trong giai đoạn ác liệt nhất của cuộc kháng chiến. Bên dưới những tán rừng, du khách sẽ được thăm nhà trưng bày di tích lịch sử với khoảng 1.000 hình ảnh, hiện vật về đời sống sinh hoạt và chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ cách mạng tại chiến khu xưa, tiêu biểu là chiếc bàn làm việc của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, xe đạp của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt…
Du khách tham quan nhà trưng bày di tích lịch sử căn cứ Trung ương Cục miền Nam. |
Tại đây còn có sa bàn về toàn bộ khu căn cứ giúp người xem có thể hình dung khái quát chiến khu xưa. Những hiện vật đơn sơ, bình dị liên quan đến sinh hoạt trong chiến khu thời lửa đạn nhưng lại chứa đựng nhiều ý nghĩa: bàn làm việc mộc mạc của các đồng chí lãnh đạo, chiếc bật lửa được làm bằng vỏ quả lựu đạn, chiếc lược làm từ mảnh xác máy bay Mỹ… Tất cả như tái hiện lại thời kỳ sống và làm việc gian khổ, một giai đoạn đấu tranh anh dũng trong lịch sử cách mạng miền Nam. Qua đó, giúp chúng ta càng thấu hiểu hơn truyền thống cách mạng vẻ vang của quân và dân miền Nam thời đánh Mỹ. Đến đây, tận mắt thấy nơi ăn, chốn ở mới cảm nhận được hết những khó khăn, gian khổ và sự hy sinh lớn lao của thế hệ cha anh cho độc lập, tự do ngày hôm nay”, chị Nguyễn Thị Huyền, du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh xúc động nói.
Rời nhà trưng bày, theo con đường nhỏ quanh co uốn lượn, du khách sẽ tới thăm khu nhà lá đơn sơ ẩn mình trong những rừng cây rậm rạp, bao gồm: nhà hội họp tập thể, nhà ở của các cán bộ cao cấp, nhà ở của chiến sĩ và các ban, ngành. Đây là nơi mà ba đồng chí từng giữ chức vụ Bí thư Trung ương Cục miền Nam Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Chí Thanh và Phạm Hùng cùng nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp khác như: Võ Văn Kiệt, Phạm Thái Bường, Phan Văn Đáng, Phạm Văn Xô, Trần Nam Trung… đã từng sống và làm việc.
Tất cả căn nhà này đều được dựng bằng tre, gỗ, mái lợp lá trung quân - loài cây mọc phổ biến ở đây. Lá trung quân rất dai, bền, khó bị mục bởi mưa nắng, đặc biệt rất khó cháy. Trong nhà, các vật dụng mà các đồng chí lãnh đạo đã từng sử dụng trong những năm tháng kháng chiến như: chõng tre, tủ, kệ, bàn, ghế, tài liệu, túi da, bút, đài, đèn … đều được để đúng vị trí như trước đây. Bên cạnh mỗi căn nhà là một hầm chữ A. Các hầm này được nối với nhau bởi hệ thống giao thông hào liên hoàn dài hàng chục cây số, đan xen như mạng nhện để bảo đảm an toàn cho các đồng chí lãnh đạo của ta khi địch tấn công. Bởi trong suốt cuộc kháng chiến, với tham vọng tiêu diệt bộ phận đầu não của ta, Mỹ ngụy đã nhiều lần mang quân tấn công vào Trung ương Cục miền Nam.
Trong đó, phải kể đến cuộc hành quân "Tìm và diệt" lớn nhất trong Chiến tranh Việt Nam mang tên Junction City của Mỹ - ngụy vào ngày 22-2-1967. Địch huy động khoảng 45.000 quân cùng nhiều vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại tiến hành các cuộc tấn công nhằm phá hủy căn cứ kháng chiến lớn của ta ở Bắc Tây Ninh; tiêu diệt Trung ương Cục miền Nam; tìm diệt một bộ phận chủ lực lớn của ta ở miền Đông (Sư đoàn 9)... Sau 53 ngày đêm chiến đấu anh dũng, quân ta đã bẻ gãy các đợt tấn công, buộc địch phải rút lui mà không đạt được mục tiêu đề ra. Trung ương Cục miền Nam được bảo vệ an toàn, tiếp tục lãnh đạo nhân dân miền Nam đến ngày thống nhất đất nước.
Với mỗi du khách khi đến với căn cứ Trung ương Cục miền Nam, lòng không khỏi xúc động, bồi hồi và cảm phục khi được thấy những chứng tích, những kỷ niệm về cuộc đời hoạt động cách mạng hết sức gian khổ, hy sinh, nhưng rất đỗi tự hào của nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng cùng nhiều cán bộ, chiến sĩ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thần thánh của dân tộc trên chiến trường miền Nam.
Vạn Tiếp
Ý kiến bạn đọc