Multimedia Đọc Báo in

Kỷ niệm 170 năm ra đời tác phẩm "Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản" (24-2-1848 – 24-2-2018)

"Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản": Ngọn cờ dẫn dắt con đường cách mạng thế giới

08:44, 22/02/2018
Hoàn cảnh ra đời
 
Giữa thế kỷ 19, chủ nghĩa tư bản đã phát triển đến trình độ khá cao, những mâu thuẫn cơ bản trong nội tại của nó cũng diễn ra ngày càng gay gắt. Mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất mang tính xã hội hóa với quan hệ sản xuất dựa trên chế độ sở hữu tư nhân bộc lộ gay gắt; mâu thuẫn giữa giai cấp công nhân và giai cấp tư sản dẫn đến cuộc đấu tranh quyết liệt của công nhân diễn ra ở nhiều nước trên thế giới, tiêu biểu là khởi nghĩa của công nhân dệt ở thành phố Ly-ông (Pháp) năm 1837, cuộc nổi dậy của công nhân dệt vùng Xi-lê-di (Đức) năm 1844 và phong trào hiến chương ở Anh kéo dài 10 năm (1838-1848).
Các tư tưởng chủ nghĩa xã hội đang trong quá trình chuyển biến từ không tưởng trở thành khoa học; đồng thời bắt đầu thời kỳ chủ nghĩa xã hội khoa học đấu tranh với các trào lưu tư tưởng lỗi thời, phản động đang thâm nhập và cản trở phong trào công nhân.
 
Phong trào đấu tranh của giai cấp vô sản phát triển mạnh mẽ và hướng tới thành lập tổ chức quốc tế: Tổ chức công nhân quốc tế mang tên “Liên đoàn những người chính nghĩa” ra đời năm 1836, tại Luân Đôn (Anh). Mùa hè năm 1847, Đại hội lần thứ nhất của Liên đoàn đã đổi tên “Liên đoàn những người chính nghĩa” thành “Liên đoàn những người cộng sản”. Tháng 12-1847, Liên đoàn họp Đại hội lần thứ hai, C.Mác và Ph.Ăngghen được ủy thác soạn thảo Cương lĩnh dưới hình thức một bản tuyên ngôn. Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản (sau đây viết tắt là TNĐCS) được hoàn thành trong thời gian rất ngắn và công bố vào ngày 24-2-1848. TNĐCS lần đầu tiên được xuất bản tại Luân Đôn, ít lâu sau, được xuất bản bằng nhiều thứ tiếng khác nhau ở nhiều nước trên thế giới.
 
Các Mác và Ph.Ăng-ghen. (Nguồn: tapchicongsan.org.vn)
Các Mác và Ph.Ăng-ghen. (Nguồn: tapchicongsan.org.vn)
Ý nghĩa của sự ra đời tác phẩm
 
TNĐCS ra đời đánh dấu sự hình thành về cơ bản lý luận của chủ nghĩa Mác bao gồm ba bộ phận hợp thành là Triết học, Kinh tế chính trị và Chủ nghĩa Cộng sản khoa học.
 
TNĐCS ra đời là sự kết tinh những tinh hoa trí tuệ loài người, là công lao sáng tạo của C.Mác và Ph.Ăngghen. Sự ra đời của TNĐCS đánh dấu một bước chuyển lịch sử của phong trào công nhân quốc tế: phong trào đã phát triển từ tự phát tới tự giác, được dẫn dắt bởi lý luận khoa học và cách mạng, được tổ chức thành chính đảng, có cương lĩnh chính trị soi đường, dẫn lối.
 
TNĐCS ra đời không chỉ là cương lĩnh chính trị của tổ chức “Liên đoàn những người cộng sản”, là một tác phẩm lý luận, mà còn là bản Cương lĩnh cách mạng đầu tiên của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, là ngọn cờ dẫn dắt con đường cách mạng thế giới. Đúng như V.I.Lênin đã nói: “Cuốn sách nhỏ ấy có giá trị bằng hàng bộ sách, tinh thần của nó, đến bây giờ, vẫn cổ vũ và thúc đẩy toàn thể giai cấp vô sản có tổ chức và chiến đấu của thế giới văn minh”(!).
 
Những tư tưởng cơ bản trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản
 
1. Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản (TNĐCS) khẳng định hai nguyên lý của Chủ nghĩa Mác: Phương thức sản xuất và trao đổi kinh tế cùng với cơ cấu xã hội của phương thức đó quyết định sự hợp thành nền tảng của xã hội; lịch sử phát triển của xã hội có giai cấp là lịch sử của đấu tranh giai cấp.
 
Trong mỗi thời đại lịch sử, sản xuất kinh tế và cơ cấu xã hội - cơ cấu này tất yếu phải do sản xuất kinh tế mà ra, cả hai yếu tố đó cấu thành cơ sở của lịch sử chính trị và lịch sử tư tưởng của thời đại ấy.
 
Từ khi chế độ công hữu ruộng đất nguyên thủy tan rã, toàn bộ lịch sử loài người là lịch sử của đấu tranh giai cấp, qua các giai đoạn của sự phát triển xã hội, cuộc đấu tranh giữa giai cấp bị bóc lột và giai cấp bóc lột, giữa giai cấp bị trị và giai cấp thống trị vẫn không ngừng diễn ra.
 
Những thay đổi trong phương thức sản xuất và trao đổi qua các thời kỳ lịch sử đã thúc đẩy sự phát triển của chủ nghĩa tư bản và đi liền với nó là thúc đẩy giai cấp tư sản ra đời và ngày càng lớn mạnh.
Sự ra đời, phát triển, địa vị lịch sử và sự diệt vong của chủ nghĩa tư bản và giai cấp tư sản là tất yếu khách quan, do kinh tế quyết định.
 
Chủ nghĩa tư bản và giai cấp tư sản ra đời thúc đẩy xã hội phát triển mạnh mẽ về mọi mặt: kinh tế, chính trị, văn hóa... Tuy nhiên, tính chất phản động của chủ nghĩa tư bản và giai cấp tư sản cũng dần dần bộc lộ công khai, những tệ nạn xã hội do nó gây ra càng phát triển, như: sự bóc lột tàn nhẫn lao động làm thuê; tuyệt đối hóa lợi ích, tuyệt đối hóa đồng tiền; chà đạp lên mọi quan hệ gia đình, tình cảm; thúc đẩy các cuộc chiến tranh xâm lược để mở rộng thị trường.
 
Những mâu thuẫn không thể điều hòa giữa chế độ sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất với sản phẩm mà nó tạo ra là lực lượng sản xuất công nghiệp hóa, biểu hiện về mặt xã hội là mâu thuẫn giữa giai cấp tư sản với giai cấp vô sản là nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của chế độ tư bản.
 
Giai cấp vô sản đại diện cho lực lượng sản xuất mới, là giai cấp tiến bộ của thời đại sẽ giành được vị trí thống trị. Sự sụp đổ của giai cấp tư sản và thắng lợi của giai cấp vô sản đều là một tất yếu lịch sử như nhau và đều do kinh tế quyết định.
 
2. TNĐCS khẳng định giai cấp vô sản chỉ có thể tự giải phóng khỏi tình trạng bị áp bức, bóc lột, nếu đồng thời và vĩnh viễn giải phóng toàn bộ xã hội khỏi tình trạng bị áp bức, bóc lột, phân chia giai cấp và đấu tranh giai cấp.
 
Sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản trên toàn thế giới là thủ tiêu chủ nghĩa tư bản - là “người đào huyệt chôn chủ nghĩa tư bản”, xây dựng xã hội mới - xã hội xã hội chủ nghĩa, tiến tới xã hội cộng sản chủ nghĩa không còn giai cấp.
 
Sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản không phải do ý muốn chủ quan hay một sự áp đặt khiên cưỡng, mà do những điều kiện khách quan quy định, đó là: Giai cấp vô sản là sản phẩm của nền đại công nghiệp, đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến của thời đại, là đại biểu chân chính duy nhất cho lợi ích toàn xã hội, là một giai cấp cách mạng và duy nhất chỉ có nó (giai cấp vô sản) mới có tính triệt để cách mạng, tự giải phóng cho mình và giải phóng cho xã hội.
 
Giai cấp vô sản không thể giải phóng mình nếu không đồng thời giải phóng toàn xã hội.
 
3. TNĐCS công khai trước toàn bộ thế giới về chiến lược, sách lược của Đảng Cộng sản.
 
Về con đường, phương pháp tiến hành cách mạng vô sản: TNĐCS vừa khẳng định tính tất yếu phải tiến hành cách mạng vô sản, nhưng cũng chỉ ra rằng, không nhất thiết phải sử dụng các biện pháp như nhau và tiến hành nhất loạt ở tất cả các nước.
 
- Với những mâu thuẫn gay gắt không thể điều hòa của chủ nghĩa tư bản, tiến hành cách mạng là phương thức tất yếu và duy nhất để thay thế chủ nghĩa tư bản bằng chủ nghĩa xã hội, là tiền đề cần thiết để giải phóng toàn thể nhân loại cần lao. Cuộc cách mạng vô sản là kết quả của quá trình đấu tranh lâu dài, gian khổ của giai cấp vô sản và nhân dân lao động, trải qua nhiều giai đoạn, phát triển từ tự phát đến tự giác, tạo ra tình thế, chớp lấy thời cơ cho cách mạng nổ ra và giành thắng lợi.
 
- Cách mạng vô sản phải trải qua hai bước: (1) Giai cấp vô sản phải tiến hành cuộc cách mạng chính trị đánh đổ giai cấp tư sản và giành chính quyền; (2) Sau khi giành được chính quyền, nhiệm vụ của Đảng Cộng sản là lãnh đạo giai cấp công nhân và nhân dân lao động sử dụng chính quyền như một công cụ có hiệu lực nhất để cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới.
 
- Phương pháp cách mạng: Tiến hành không ngừng, tùy theo yêu cầu, nhiệm vụ của từng thời điểm và phải tiến hành từng bước để đạt tới mục đích cuối cùng.
 
- Con đường, biện pháp cách mạng phải bằng bạo lực. Đây là kết luận hết sức đúng đắn của C.Mác và Ph.Ăngghen, là kết quả trực tiếp của quan niệm duy vật, khoa học về lịch sử mà hai ông là những người đầu tiên vươn tới và sáng tạo ra.
 
Về mối quan hệ giữa giai cấp vô sản và Đảng Cộng sản
 
- Giai cấp vô sản không thể hoàn thành sứ mệnh lịch sử nếu không tổ chức thành chính đảng của giai cấp. Đảng Cộng sản được hình thành và phát triển xuất phát từ sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản. Đảng là đội quân tiên phong của giai cấp vô sản. Đảng đưa vào phong trào công nhân các tư tưởng cộng sản chủ nghĩa; tổ chức giai cấp vô sản, lãnh đạo cuộc đấu tranh cách mạng của giai cấp vô sản và xây dựng xã hội XHCN.
 
- Giữa Đảng Cộng sản và giai cấp vô sản có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ, không tách rời. Mục đích, lợi ích của Đảng và của giai cấp vô sản là thống nhất. Đảng là đại biểu cho quyền lợi của giai cấp vô sản cũng như của nhân dân lao động.
 
- Đảng Cộng sản phải không ngừng nâng cao trình độ lý luận và nắm bắt thực tiễn, đủ khả năng lãnh đạo giai cấp vô sản và toàn thể nhân dân lao động đấu tranh thắng lợi trong công cuộc cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới.
 
Về giải quyết các quan hệ giai cấp - dân tộc - quốc tế
 
- Mục tiêu, lý tưởng cao nhất của giai cấp vô sản là đi đến xã hội XHCN và cộng sản chủ nghĩa - nơi con người được giải phóng và được tạo điều kiện phát triển toàn diện, hài hòa. Để đạt được mục tiêu nhân văn cao cả đó, những người cộng sản phải giải quyết một cách phù hợp các quan hệ giữa giai cấp - dân tộc - quốc tế.
 
- Giai cấp vô sản mỗi nước trước hết phải giành lấy chính quyền, phải tự xây dựng thành một giai cấp dân tộc, phải tự mình trở thành dân tộc.
 
- Giai cấp vô sản không chỉ đại diện cho lợi ích của từng dân tộc - do bản chất vốn có của nó - giai cấp vô sản còn đại diện cho lợi ích của toàn thể nhân loại. Cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản cần và phải thực hiện dưới ngọn cờ của chủ nghĩa quốc tế vô sản.
 
4. TNĐCS đã vạch trần bản chất phản động, bảo thủ, lỗi thời của các trào lưu tư tưởng phi khoa học, trá hình dưới chiêu bài khác nhau về chủ nghĩa xã hội để chống chủ nghĩa xã hội lúc bấy giờ.
 
TNĐCS chỉ rõ, tất cả các trào lưu xã hội chủ nghĩa phi khoa học (chủ nghĩa xã hội phong kiến, tiểu tư sản, tư sản, xã hội Đức, xã hội không tưởng) đều là trở ngại cho việc ra đời của chính Đảng.
Việc phê phán những trào lưu đó nhằm bảo đảm thắng lợi cho việc truyền bá học thuyết của chủ nghĩa xã hội khoa học vào phong trào công nhân.
 
( Theo tài liệu của Ban Tuyên giáo Trung ương)
 
 
--------------------
(1)V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Moskva, năm 1980, tập 2, tr.10
 

Ý kiến bạn đọc