Những thành quả từ phong trào thi đua yêu nước
73 năm qua, kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc ngày 11-6-1948, trải qua những giai đoạn cách mạng khác nhau, phong trào thi đua yêu nước luôn gắn kết chặt chẽ với yêu cầu, nhiệm vụ chính trị, được cụ thể hóa trong từng lĩnh vực, từng cơ quan, đơn vị, địa phương, tạo nên khí thế thi đua sôi nổi, rộng khắp.
Đặc biệt, những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử toàn diện qua 35 năm đổi mới ghi rõ dấu ấn việc tổ chức có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ta.
Ngày 11-6-1948, giữa lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang diễn ra gay go, ác liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc. Người chỉ rõ: “Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, gái, trai; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ đều cần phải trở nên một chiến sĩ đấu tranh trên một mặt trận: quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa”. Và Người khẳng định: “Với tinh thần quật cường và lực lượng vô tận của dân tộc ta, với lòng yêu nước và chí kiên quyết của nhân dân và quân đội ta, chúng ta có thể thắng lợi, chúng ta nhất định thắng lợi”.
Nhìn lại chặng đường 73 năm qua, có thể khẳng định rằng: Mọi thành quả của cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa hiện nay đều gắn liền với việc quán triệt và tổ chức có hiệu quả phong trào thi đua yêu nước. Các phong trào thi đua yêu nước đã góp phần động viên toàn dân tộc đoàn kết một lòng, phát huy truyền thống anh hùng, tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, vượt qua muôn vàn gian nan, thử thách, trở thành động lực to lớn để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, tăng cường hội nhập quốc tế.
Trong thời kỳ đổi mới, để đáp ứng tốt hơn yêu cầu của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, các cấp ngành, hội đoàn thể đã triển khai hiệu quả nhiều phong trào thi đua lớn như: "Lao động giỏi, lao động sáng tạo", "Thi đua quyết thắng", "Vì an ninh Tổ quốc", "Dạy tốt, học tốt", "Dân vận khéo", "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", "Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi", "Thanh niên lập nghiệp", "Ðền ơn đáp nghĩa", "Vì Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu", "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới"... Các phong trào đã lan tỏa sâu rộng, được đông đảo nhân dân hưởng ứng, đạt nhiều kết quả tích cực.
Cán bộ, viên chức Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đắk Lắk ủng hộ kinh phí phòng, chống COVID-19. Ảnh: Đăng Triều |
Tổng kết nhiệm kỳ khóa XII và nhìn lại 35 năm đổi mới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Nếu như trong giai đoạn đầu đổi mới (1986 - 1990), mức tăng trưởng GDP bình quân hằng năm chỉ đạt 4,4% thì giai đoạn 1991 - 1995, GDP bình quân đã tăng gấp đôi, đạt 8,2%/năm; các giai đoạn sau đó đều có mức tăng trưởng khá cao; giai đoạn 2016 - 2019 đạt mức bình quân 6,8%. Kết quả đó đạt được là nhờ việc tổ chức có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ta.
Từ năm 2020 đến nay, cả thế giới phải hứng chịu đại dịch COVID-19, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, thực hiện lời dạy của Bác "Càng khó khăn thì càng phải thi đua", bên cạnh nhiều phong trào thi đua đã được triển khai trong những năm qua, chúng ta tiếp tục thi đua phòng, chống dịch bệnh COVID-19, phát huy sức mạnh của toàn xã hội để đẩy lùi đại dịch. Với quan điểm xuyên suốt "Chống dịch như chống giặc", chúng ta đã huy động sức mạnh và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng xã hội; "lấy phòng dịch là ưu tiên", "khóa chặt nguy cơ lây bệnh từ bên ngoài, kiên quyết cách ly tập trung, khoanh vùng dập dịch triệt để từ bên trong, chữa trị hiệu quả", "chấp nhận hy sinh lợi ích trước mắt để bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng của người dân"... Kết quả là Việt Nam đã kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, khi nhiều nước trong khu vực và trên thế giới bị rơi vào suy thoái sâu thì Việt Nam là nền kinh tế vẫn duy trì được tăng trưởng dương. Giữa đại dịch, quy mô kinh tế nước ta lần đầu tiên đạt mức kỷ lục 340 tỷ USD, được xếp vào tốp 40 nền kinh tế đương đại lớn nhất thế giới. Thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt tới 319 tỷ USD, chiếm vị trí thứ 33 trong tốp 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới.
Một trong những điểm nhấn quan trọng của Đại hội XIII là xác định rõ hơn mục tiêu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc với tầm nhìn: Đến giữa thế kỷ 21, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Cụ thể, đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. Có thể nói, hơn lúc nào hết, phong trào thi đua ái quốc cần được phát huy cao độ, trở thành phong trào rộng khắp, thu hút mọi tầng lớp nhân dân tham gia nhằm huy động sức mạnh để hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng, hùng cường dân tộc.
Nguyễn Văn Thanh