Multimedia Đọc Báo in

Tăng trưởng tín dụng: Vẫn còn nhiều băn khoăn

09:02, 04/07/2017

Từ đầu năm đến nay, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh đang có những tín hiệu khả quan. Tuy nhiên, bên cạnh tốc độ tăng trưởng, chất lượng tín dụng vẫn còn nhiều vấn đề đáng ngại.

Những tín hiệu khả quan

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Đắk Lắk (NHNN), doanh số cho vay của các tổ chức tín dụng 6 tháng đầu năm 2017 ước đạt 35.188 tỷ đồng, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đến nay ước đạt 73.200 tỷ đồng, tăng 9,3% (tăng 6.253 tỷ đồng) so với đầu năm, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn 42.015 tỷ đồng, chiếm 57,4% tổng dư nợ cho vay, tăng 14% so với đầu năm, tăng 30,1% so với cùng kỳ năm trước; dư nợ cho vay trung, dài hạn 31.185 tỷ đồng, chiếm 42,6% tổng dư nợ cho vay, tăng 3,6% so với đầu năm, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Tốc độ tăng trưởng này cao hơn hẳn mặt bằng chung của cả nước (7,54%) và cao hơn so với cùng kỳ năm 2016 (8,2%).

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng NN-PTNT Chi nhánh Đắk Lắk.
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng NN-PTNT Chi nhánh Đắk Lắk.

Bên cạnh tốc độ tăng trưởng, cơ cấu tín dụng cũng đang có dấu hiệu tập trung vào các lĩnh vực được Chính phủ ưu tiên. Trong đó, cho vay nông nghiệp, nông thôn 35.750 tỷ đồng, chiếm 48,8% tổng dư nợ cho vay; tăng 19,7% so với đầu năm với trên 182.000 lượt khách hàng vay vốn; cho vay doanh nghiệp 19.150 tỷ đồng, chiếm 26,2% tổng dư nợ toàn địa bàn, tăng 7,6% so với đầu năm với 3.100 lượt khách hàng vay vốn; cho vay xuất khẩu 2.050 tỷ đồng, chiếm 2,8% tổng dư nợ toàn địa bàn; tăng 30% so với đầu năm; còn lại là cho vay của Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh. Xét về yếu tố ngành nghề, dư nợ ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản trên 24 nghìn tỷ đồng (chiếm 32,9% tổng dư nợ, tăng 9,9% so với đầu năm); dư nợ ngành công nghiệp và xây dựng trên 9 nghìn tỷ đồng (chiếm 12,8% tổng dư nợ, tăng 18,4%); dư nợ ngành thương mại và dịch vụ gần 40 nghìn tỷ đồng (chiếm 54,3% tổng dư nợ, tăng 7,1%).

Tiềm ẩn những rủi ro

Tăng trưởng tín dụng cao hơn các năm trước cho thấy nhu cầu vốn của nền kinh tế rất lớn và khả năng hấp thụ vốn tương đối tốt. Tuy nhiên, quan trọng nhất là chất lượng, hiệu quả của dòng tín dụng. Bởi nếu tín dụng vẫn đổ mạnh vào các lĩnh vực phi sản xuất thì sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Điều dễ nhận thấy nhất là mặc dù có tốc độ tăng trưởng không cao, nhưng dư nợ khu vực thương mại và dịch vụ vẫn đang chiếm tỷ trọng rất cao. Cần lưu ý, thương mại, dịch vụ không phải là thế mạnh của Đắk Lắk. Theo một cán bộ ngân hàng, đây có thể là một trong những nguyên nhân khiến nợ xấu của các tổ chức tín dụng trên địa bàn có dấu hiệu tăng mạnh trong những tháng đầu năm và cao hơn so với những năm trước đó. Đến nay, mặc dù vẫn đang nằm dưới ngưỡng an toàn (3%), nhưng nợ xấu (nợ nhóm 3,4,5) đã lên đến 1.635 tỷ đồng, chiếm 2,23% tổng dư nợ cho vay (cuối năm 2016 nợ xấu chiếm 1,71% tổng dư nợ).

Bên cạnh đó, cho vay ngắn hạn vẫn còn chiếm tỷ trọng cao cho thấy nhu cầu phục vụ mục đích đầu tư dài hạn của doanh nghiệp và người đi vay vẫn còn hạn chế. Trong khi đó, với hệ thống ngân hàng, tín dụng tăng trưởng mạnh thời gian qua cũng đang tạo áp lực và tiềm ẩn rủi ro. Bởi để đáp ứng nhu cầu tín dụng tăng cao, ngân hàng cũng phải tăng huy động để có tiền cho vay, trong khi vốn huy động tăng chưa tương đồng. (So với đầu năm, tốc độ tăng trưởng dư nợ là 9,3%, còn huy động vốn từ tiền gửi trên địa bàn ước chỉ tăng 7,5%).

Theo quy luật, khả năng tín dụng sẽ tiếp tục tăng mạnh cuối năm là rất cao. Vì vậy, để tránh nguy cơ tiềm ẩn, các tổ chức tín dụng cần thận trọng cơ cấu nguồn vốn vay, đồng thời không nên chạy đua tín dụng, dễ dãi trong thẩm định phương án sản xuất của doanh nghiệp hay khả năng trả nợ, dẫn đến nợ xấu phát sinh. NHNN cũng khuyến cáo các tổ chức tín dụng cần tập trung nguồn vốn để cho vay  hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc