Multimedia Đọc Báo in

Vì sao người dân chưa mặn mà với chiến dịch đổi mũ bảo hiểm?

05:35, 01/06/2013

Thực hiện chiến dịch đổi mũ bảo hiểm (MBH) đạt chuẩn của Ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia phát động, từ tháng 3-2013 đến nay nhiều tỉnh thành trong cả nước đã tổ chức triển khai, nhưng xem ra, ở một số địa phương trong tỉnh người dân vẫn chưa mặn mà...

Ít kiểu dáng, mẫu mã là một trong những nguyên nhân khiến các điểm đổi MBH vắng khách.
Ít kiểu dáng, mẫu mã là một trong những nguyên nhân khiến các điểm đổi MBH vắng khách.

Trong 2 đợt, từ 25 đến 28-4 và từ ngày 8 đến 11-5, Ban ATGT tỉnh phối hợp với Công ty Cổ phần Metro Hà Nội tổ chức đổi MBH đạt chuẩn trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột và thị xã Buôn Hồ, nhưng theo ghi nhận của phóng viên, số lượng người đến giao dịch tại những địa điểm trên rất thưa thớt, thậm chí chỉ đếm trên đầu ngón tay, vậy đâu là nguyên nhân? Một thực trạng chung tại các địa điểm đổi MBH đạt chuẩn trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột là thưa vắng khách, có nơi cả buổi sáng có chưa đến 10 người đến đổi mũ như tại trụ sở Sở GTVT vào ngày đầu tiên thực hiện chiến dịch. Để cải thiện tình hình, những ngày tiếp theo, Công ty đã chuyển địa điểm đổi mũ từ phía trong ra ngoài cổng Sở, tuy lượng người đến có đông hơn, nhưng số lượng MBH đổi được vẫn là con số khá khiêm tốn. Đa số người dân đến để hỏi giá, xem mẫu mã rồi đi chứ không đổi mũ, một nhân viên Công ty cho biết, có trường hợp cầm trên tay 2 đến 3 chiếc mũ cũ (không bảo đảm chất lượng) đến định đổi, nhưng khi hỏi giá và các mức hỗ trợ xong người ta quay lưng mà không đổi nữa. Theo chị N.T.L (phường Tân Thành) thì các điểm đổi MBH có ít kiểu dáng, mỗi nơi chỉ trưng ra khoảng 3 đến 4 kiểu mũ, khá nghèo nàn, trong khi đó tại các địa điểm bán MBH (hợp quy) trên địa bàn thành phố có nhiều kiểu dáng đẹp, bắt mắt, nên thay vì phải đến các điểm đổi mũ, chị đến cửa hàng và chấp nhận giá cao hơn để được sở hữu kiểu mũ hợp với “gu” của mình. Không cầu kỳ chọn kiểu dáng đẹp như chị L, chị N.T.S (phường Tân Hòa) chỉ cần cho mình một chiếc mũ hợp quy là đủ, nhưng sau lần đến điểm đổi mũ, chị vẫn tay không ra về, do thấy mức hỗ trợ quá thấp, nếu chị đổi một MBH (hợp quy) loại rẻ nhất cũng phải bù vào 120 ngàn đồng, chưa nói đến những loại mũ đắt tiền có giá càng cao hơn. Chị Đinh Thị Thảo (phường Ea Tam) là một trong số những người dân hiếm hoi trong đợt đổi MBH trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột nhận thức được rằng, đội MBH đạt chuẩn, hợp quy và đúng cách là biện pháp tốt nhất để bảo vệ chính mình và sẽ giảm thiểu được rủi ro khi gặp tai nạn giao thông. Bởi thế, không chỉ đổi mũ cho riêng mình mà chị còn đổi cho tất cả các thành viên trong gia đình. Chị cho biết, mình đổi MBH không phải để đối phó với cảnh sát giao thông mà để yên tâm hơn khi sử dụng MBH bảo đảm chất lượng. Còn theo lý giải của anh Nguyễn Cộng Hòa, nhân viên Công ty thì đợt triển khai chiến dịch đổi mũ trên địa bàn Dak Lak, đơn vị đã cung ứng khoảng 30 kiểu mũ các loại, nhưng do là những ngày đầu thực hiện, chưa nắm bắt được thị hiếu của người dân nên chỉ trưng bày 6 kiểu dáng, có giá thành từ 120 đến 500 ngàn đồng sau khi đã được hỗ trợ giá.

Còn tại thị xã Buôn Hồ, những ngày triển khai thực hiện chiến dịch này cũng nằm trong thực trạng ảm đạm, thưa vắng khách. Đơn cử như tại trụ sở UBND xã Ea Blang, trong 2 ngày ròng rã, nhân viên Công ty chỉ bán được 30 MBH. Theo thống kê của Công ty Metro, trong 2 đợt triển khai chiến dịch này trên địa bàn Dak Lak, chỉ có khoảng 800 MBH hợp quy được đổi, bán cho người dân và số lượng MBH không đạt chuẩn tịch thu được cũng chỉ dừng lại ở con số trăm.

Trong khi các điểm đổi, bán MBH đạt chuẩn thưa vắng khách thì các điểm bán MBH thời trang “lưu động” vẫn “hút” khách, nhất là ở độ tuổi học sinh, sinh viên do giá thành rẻ và kiểu dáng bắt mắt. Các điểm bán MBH rởm được trưng bày dọc các tuyến phố và trung tâm các chợ ở khu vực nội thành, với giá niêm yết treo to tướng chỉ từ 30 đến 70.000 đồng. Với đặc trưng là các điểm bán “lưu động” nên khi có kiểm tra của cơ quan chức năng, lập tức các đối tượng thu gom sản phẩm nhanh chóng, nhưng khi lực lượng chức năng quay lưng, người ta lại trưng mũ dởm ra bán lại như cũ.

Ông Nguyễn Hữu Biên, Trưởng phòng kinh doanh Công ty Metro cho biết, nguyên nhân chính trước hết là do công tác tuyên truyền về chiến dịch này trên địa bàn Dak Lak còn chậm, bởi vậy mọi thông tin cần thiết như địa điểm đổi, lợi ích của việc sử dụng MBH hợp quy và các mức giá hỗ trợ chưa đến sâu rộng với người dân nên mới có tình trạng nhiều người đưa MBH không chất lượng đến đòi đổi ngang với MBH chất lượng. Bên cạnh đó, việc dừng Thông tư liên tịch số 06/2013/TTLT-BKHCN-BCT-BCA-BGTVT quy định về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng MBH cho người đi xe mô tô, xe gắn máy, trong đó có nội dung xử phạt người đội mũ bảo hiểm không đúng cách và không bảo đảm chất lượng nên người dân vẫn vô tư sử dụng các loại MBH không có tác dụng bảo vệ cho bản thân mình khi tham gia giao thông.

Thời gian tới, Công ty Metro sẽ tiếp tục triển khai chiến dịch ở tất cả các phường trên địa bàn nội thành và một số huyện, thị khác. Để người dân thực sự yên tâm khi sử dụng sản phẩm của đơn vị tài trợ, Công ty đang nỗ lực tư vấn cho mọi người cách nhận biết MBH giả và MBH đạt chuẩn theo quy định của pháp luật, hướng dẫn cách cài quai đúng cách khi đội MBH tham gia giao thông để bảo vệ chính  mình.

Theo thống kê của Ban ATGT quốc gia, tại Việt Nam, trung bình mỗi năm có hơn 30.000 vụ TNGT đường bộ, làm khoảng 11.000 người chết và hơn 38.000 người bị thương, trong đó 70% là TNGT liên quan đến mô tô, xe máy và có đến 30% bị chấn thương sọ não dẫn tới tử vong. Vì thế, việc đội MBH đạt chuẩn là thực sự cần thiết đối với người đi trên mô tô, xe gắn máy.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc