Multimedia Đọc Báo in

Nghe già Y Hơ Êban kể chuyện Trường Sa

10:58, 26/01/2015
Năm 2014, già làng buôn Knia 4 (xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn) Y Hơ Êban cùng một số già làng, trưởng buôn tiêu biểu khác của Dak Lak may mắn được ra thăm biển đảo Trường Sa thân yêu của Tổ quốc. Chuyến đi dài ngày qua nhiều điểm đảo, tận mắt chứng kiến cuộc sống sinh hoạt, lao động, chiến đấu của quân và dân giữa bốn bề sóng nước đại dương bao la đã để lại những ấn tượng không thể nào quên trong tâm trí già Y Hơ…
 
Đã thành thói quen, mỗi khi bắt đầu câu chuyện kể về Trường Sa, già Y Hơ lại cẩn trọng mở tủ, lấy tấm Huy hiệu chiến sĩ Trường Sa (được Bộ Tư lệnh Hải quân tặng, ghi nhận chuyến đi, sự hiện diện, đóng góp của những “cây đại thụ” ở buôn làng Tây Nguyên vào sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo, thềm lục địa của Tổ quốc), nâng niu như một báu vật với sự viên mãn, tự hào. Bên cạnh là cuốn sổ công tác Trường Sa, trong đó ghi chép tỉ mỉ thời gian, địa điểm xuất phát, những hoạt động trên các điểm đảo mà già Y Hơ đã qua. Già Y Hơ kể, đầu năm 2014, giữa lúc Biển Đông đang dậy sóng, già Y Hơ được đại diện cho các già làng, trưởng buôn huyện Buôn Đôn “tháp tùng” đoàn công tác của tỉnh ra thăm Trường Sa. Tâm trạng háo hức, mừng vui, già mong chờ ngày được lên tàu, khởi hành, ra thăm biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Ngày 15-5, già đặt chân lên con tàu vận chuyển hiện đại nhất Hải quân Việt Nam HQ 571, xuất phát từ cảng Cát Lái (TP. Hồ Chí Minh) hướng về Biển Đông. Sau 2 ngày đêm, tàu cập cảng Trường Sa Lớn trong sự đón chào nhiệt tình của quân và dân trên đảo. “Chưa dứt được tâm trạng bồi hồi, xúc động, tự hào khi đứng trước biển đảo thân yêu, giàu đẹp của Tổ quốc thì đã được những chiến sĩ hải quân mời đến chỗ những chậu nước mát lạnh để rửa mặt. Sau này chúng tôi mới hiểu và càng trân trọng về nghĩa cử này”, già kể. Ở Trường Sa, nước ngọt rất quý hiếm. Giữa bao la biển mặn, dưới cái nắng khô cháy mang theo vị mặn đắng của muối, để có nước ngọt sử dụng, các chiến sĩ hải quân cũng như cư dân trên các đảo phải hứng nước mưa dự trữ, sử dụng rất tiết kiệm. Vì vậy, ông cùng các thành viên trong đoàn mới hiểu hết được tấm lòng của những chiến sĩ và người dân khi họ sẵn sàng chia sẻ những giọt nước quý cho người từ đất liền vượt trùng dương xa xôi đến thăm.
 Già làng  Y Hơ Êban (thứ 2 từ  trái sang) chụp ảnh  lưu niệm  trên đảo Trường Sa (ảnh chụp lại).
Già làng Y Hơ Êban (thứ 2 từ trái sang) chụp ảnh lưu niệm trên đảo Trường Sa (ảnh chụp lại).

Trong suốt hành trình 15 ngày, qua 10 điểm đảo lớn nhỏ, đêm về tàu, ông lại đem cuốn sổ công tác ra ghi lại một cách chi tiết, cụ thể những hoạt động, những giờ giao lưu chóng vánh, ngắn ngủi, nhưng ấm áp, thấm đậm nghĩa tình giữa những người từ hậu phương với những người trên đảo. Và bao giờ cũng vậy, khi nhắc đến những chiến sĩ hải quân đang ngày đêm chắc tay súng, cùng những ngư dân chung vai sát cánh bảo vệ, giữ vững chủ quyền thiêng liêng mà cha ông đã để lại, già Y Hơ bày tỏ sự cảm phục, ngưỡng mộ. “Ở đảo, ngoài việc thiếu nước sinh hoạt thì có lẽ thử thách lớn nhất mà các chiến sĩ hải quân và người dân phải vượt qua đó chính là thiếu thốn về tình cảm gia đình, khi họ sẵn sàng hy sinh xa gia đình, quê hương ra công tác, làm nhiệm vụ nhiều năm trời trên đảo. Sự hy sinh đó của các anh, của những ngư dân thật lớn lao”, ông cảm nhận. Và như để minh chứng cho điều đó, ông kể câu chuyện khi đoàn đến đảo Trường Sa, một ngư dân trên đảo có bố hiện đang sinh sống ở huyện Ea Kar qua đời, song ông không kịp về làm tròn chữ hiếu với cha. “Có lẽ sống xa đất liền, thiếu thốn tình cảm nên những người dân nơi đây cũng như các lực lượng bảo vệ biển đảo sống rất gắn bó, đoàn kết, thương yêu nhau như trong một gia đình, trên các đảo hầu như không có ranh giới giữa doanh trại của những người lính với người dân đang sinh sống. Cũng chính vì thế mà khi có các đoàn từ đất liền ra thăm, họ rất vui mừng, đón tiếp nồng hậu như gặp lại những người thân trong gia đình”, ông nhận xét.

Có kỷ niệm khác trong chuyến thăm Trường Sa khắc sâu vào trong tâm thức già Y Hơ mà trong những chuyện kể, già luôn nhắc cho mọi người nghe. Đó là ngày cuối cùng, khi tàu đi qua các nhà giàn ở thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, nơi những chiến sĩ bảo vệ nhà giàn, trong đó có Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Vũ Quang Chương (xã Ea Kly, huyện Krông Pak) đã anh dũng hy sinh năm 1998, ông được tham gia nghi lễ tưởng niệm.  Ông kể như thuộc lòng từng chi tiết viết về tinh thần quả cảm, sự hy sinh anh dũng của các anh khi quên cả thân mình để bảo vệ nhà giàn, bảo vệ chủ quyền, vùng biển, thềm lục địa của Tổ quốc được ghi trong cuốn sổ công tác Trường Sa do Bộ Tư lệnh Hải quân phát. “Không khí buổi tưởng niệm rất cảm động, linh thiêng, khó diễn đạt thành lời. Khi những vòng hoa được thả xuống biển, tượng trưng cho tấm lòng tri ân sâu sắc của những người dân đất Việt đối với các anh hùng liệt sĩ, mọi người đều xúc động rơi nước mắt”, già hồi tưởng. Giọng già cũng chùng xuống, khi tiết lộ cho chúng tôi biết rằng, những chiến sĩ đã hy sinh trong cơn bão năm 1998 đã mãi mãi ở lại với biển cả, thân xác, hình hài các anh đã hóa vào sóng, vào gió của biển mẹ bao la đất Việt. Rồi khi con tàu lướt qua những nhà giàn được xây dựng hiện đại, đứng sừng sững, hiên ngang, vững chãi giữa biển trời bao la của Tổ quốc như một biểu tượng khẳng định về chủ quyền vùng biển, thềm lục địa của Tổ quốc. Già Y Hơ thở phào nhẹ nhõm, như trút được nỗi lo, bảo: “Được tận mắt chứng kiến những nhà giàn được xây dựng chắc chắn, kiên cố, không còn lo sóng to, gió lớn nhấn chìm nữa già yên tâm rồi, các chiến sĩ của ta sẽ an toàn hơn trên đó”. Hành trình đến với biển đảo quê hương của già Y Hơ Êban sẽ không bao giờ dừng lại, khi những câu chuyện kể sinh động, được cảm nhận từ thực tế, mắt thấy tai nghe của già sẽ được truyền mãi trong con cháu của buôn làng. Và qua những câu chuyện đó, già thổi bùng lên trong tâm trí họ tình yêu, lòng tự hào, tinh thần quyết tâm đoàn kết, đồng lòng, sẵn sàng chung tay góp sức bảo vệ biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc