Multimedia Đọc Báo in

Vì sao Nga phản đối tấn công quân sự vào Syria?

08:35, 08/06/2012

Nga tiếp tục phản đối Liên hiệp quốc (LHQ) can thiệp quân sự vào Syria, trong khi tình trạng bạo lực gia tăng hàng ngày tại nước này. Điều này khiến Nga phải đối mặt với những chỉ trích và sức ép ngày càng gay gắt của phương Tây.

Người dân Syria biểu tình phản đối chính quyền al-Assad.   (Nguồn: Internet)
Người dân Syria biểu tình phản đối chính quyền al-Assad. Nguồn: Internet

Theo hãng tin Ria Novosti, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton mới đây cho biết: “Người Nga nói rằng họ không muốn xảy ra một cuộc nội chiến. Tôi đã nói với họ rằng, chính chính sách của họ góp phần làm xảy ra nội chiến”. Đầu năm nay, cả Mỹ và Anh đều cáo buộc Nga “bàn tay vấy máu” khi hỗ trợ cho Tổng thống Syria Assad.

Nga đã hai lần phủ quyết nghị quyết của LHQ chống lại Syria. Cũng theo Ria, Nga không có ý định thay đổi quan điểm của mình ngay cả sau khi mới đây đã xảy ra vụ thảm sát tại Houla khiến hơn 100 người thiệt mạng.

Syria từ lâu là một trong những đồng minh mạnh nhất của Nga ở Trung Đông, và là bạn hàng lớn mua vũ khí của Nga. Hải cảng Tartus của Syria cũng từng là căn cứ hải quân ngoài lãnh thổ của Liên Xô cũ.

Một bình luận viên của Đài Kommersant có trụ sở tại Moscow cho rằng: “Tổng thống Nga Vladimir Putin cảm thấy rằng, Nga đã bị lừa khi khi đồng ý với phương Tây về can thiệp quốc tế ở Libya trước đây, và dường như thề sẽ không bao giờ lặp lại sai lầm đó lần nữa".

Nga đã bỏ phiếu trắng khi LHQ bàn về việc sử dụng vũ lực đối với chính quyền của nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi hồi tháng 3-2011. Cuộc không kích của NATO và những hoạt động diễn ra sau đó đã lật đổ chế độ này và sau hơn một năm qua, tình hình của Libya vẫn không được cải thiện.

Ông Yevgeny Satanovsky, phụ trách Viện nghiên cứu Trung Đông có trụ sở tại Moscow nói: “Nga đã thấy những gì xảy ra sau khi phương Tây can thiệp quân sự ở Libya, Iraq, Somalia và Afghanistan”. Ông Putin trở lại điện Kremlin hồi đầu tháng 5, đã nhìn thấy quan hệ giữa Nga và phương Tây đang xấu đi, trong đó phải kể đến nguyên nhân do mâu thuẫn trong vấn đề Syria. Ông Alexander Shumilin, phụ trách Trung tâm nghiên cứu Xung đột Trung Đông tại Moscow nói: “Syria cũng là một phần quan trọng của chính sách đối nội của Putin. Tổng thống Putin đã hứa sẽ bảo vệ Syria trong chiến dịch tranh cử và không muốn lùi bước".

“Hầu hết mọi người ở Nga tin rằng vụ thảm sát tại Houla do những kẻ khủng bố vũ trang thực hiện, và phương Tây đang cố gắng gán tội này cho chính quyền ông Assad"- Ông Shumulin nói. "Cuộc đối đầu với phương Tây về vấn đề Syria góp phần tạo nên hình ảnh người hùng Putin với nhân dân trong nước".

Trong khi đó, phái viên của Mỹ tại LHQ Susan Rice cho rằng, sự phản đối của Nga không bảo vệ được ông Assad lâu dài. Theo bà Susan Rice, nhiều khả năng phương Tây và đồng mình sẽ hành động mà không cần sự chấp thuận của LHQ. Tuy nhiên, nếu tấn công Syria, Mỹ và các đồng minh cũng đi ngược lại mong muốn của phe đối lập trong nước Syria.

Trong khi Hội đồng quốc gia Syria- phong trào đối lập Syria tại nước ngoài, kêu gọi can thiệp quân sự bên ngoài để chấm dứt đổ máu, phe đối lập trong nước kịch liệt chống lại việc sử dụng quân đội nước ngoài hoặc lực lượng không quân để ngăn chặn cuộc xung đột kéo dài hơn 1 năm qua.

Ông Yusuf, một nhà báo Syria làm việc tại Moscow, cho biết. "Chúng ta đều thấy bao nhiêu người chết vì bom của NATO ở Libya". Ông Yusuf cũng cho rằng, mặc dù các lời kêu gọi can thiệp quân sự ngày càng tăng, nhưng phương Tây cũng không thực sự muốn có chiến tranh ở Syria.

Tiến sĩ Imad, một chuyên gia nghiên cứu về Syria tại Moscow cũng ủng hộ chính sách không can thiệp quân sự của Nga. “Tôi hoàn toàn ủng hộ lập trường của Nga về Syria", ông nói. “Can thiệp quân sự nước ngoài vào Syria sẽ dẫn đến một cuộc chiến tranh thảm khốc ở đây, điều đó thật nguy hiểm không chỉ với khu vực Trung Đông, mà còn cho toàn thế giới". "Ai là tổng thống không quan trọng. Điều quan trọng là phải đưa được tất cả các bên vào bàn đàm phán và chấm dứt bạo lực - và điều này chỉ có thể thực hiện được khi không có sự can thiệp quân sự nước ngoài"- Tiến sĩ Imad nói.

“Nhưng ngay cả khi phương Tây “phớt lờ” LHQ và tấn công Syria, họ cũng không thực sự muốn thế”-  biên tập viên Eggert Ria Novosti viết trong bài báo của mình. “Kremlin sẽ không bao giờ chấp nhận giải pháp sử dùng vũ lực của HĐBA", biên tập Eggert viết. "Nhưng, như một nhà ngoại giao cao cấp Nga nói với tôi vài tuần trước. Nếu phương Tây muốn “đèo bòng” Syria, chúng tôi không thể ngăn chặn được. Tuy nhiên, phương Tây sau đó sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm về hậu quả”.

Nguồn VOV News


Ý kiến bạn đọc