Multimedia Đọc Báo in

Phòng ngừa còi xương cho trẻ

10:06, 14/08/2013

Còi xương là một bệnh loạn dưỡng xương do thiếu vitamin D, hoặc do rối loạn chuyển hóa vitamin D trong cơ thể và thường gặp ở trẻ em đang trong thời kỳ lớn nhanh. Theo Viện Dinh dưỡng – Bộ Y tế, còi xương là bệnh hay gặp nhất và có xu hướng tăng trong mấy năm gần đây, chiếm hơn một nửa số trẻ đến khám và tư vấn tại Trung tâm khám tư vấn của Viện.

Dấu hiệu khi bị còi xương:

Còi xương không chỉ ảnh hưởng đến hệ xương mà còn ảnh hưởng đến hệ thần kinh và cơ.

Các dấu hiệu sớm của bệnh còi xương là những biểu hiện ở hệ thần kinh như: trẻ hay quấy khóc, ngủ không yên giấc hay giật mình, ra mồ hôi trộm, rụng tóc phía sau đầu (dân gian hay gọi là chiếu liếm); dần dần xuất hiện các triệu chứng ở xương.

Ở trẻ nhỏ xương sọ mềm, đầu dễ bị méo mó, đầu bẹt ở phía sau hoặc một bên do tư thế nằm; thóp rộng, chậm liền; răng mọc chậm. Tuy nhiên, chậm mọc răng chỉ là một trong những biểu hiện của bệnh còi xương. Bình thường trẻ bắt đầu mọc răng sữa khi được 6 tháng tuổi. Ở những trẻ bị còi xương do cơ thể thiếu vitamin D, thiếu can xi một loại chất khoáng cần thiết cho sự phát triển của mầm răng nói riêng và cho sự cốt hóa sụn ở đầu các xương dài nói chung nên những trẻ bị còi xương thường chậm mọc răng.

Ở trẻ lớn hơn thì đầu to có bướu, ngực dô phía trước như ngực gà. Xương sườn gồ lên ở phần nối giữa các sụn và xương được gọi là chuỗi hạt sườn.

Các cơ nhẽo làm trẻ chậm biết lẫy, bò, ngồi, đứng, đi. Bình thường trẻ từ 10 – 12 tháng tuổi đã bắt đầu tập đi nhưng có những trẻ chậm đi hơn những trẻ khác nhưng cũng không mắc bệnh gì.

Trẻ bị còi xương nếu không điều trị kịp thời sẽ chán ăn, suy dinh dưỡng, da xanh do thiếu máu, để lại di chứng ở hệ xương như lồng ngực bị biến dạng, gù vẹo cột sống, chân tay bị cong, chân vòng kiềng (chữ O) hoặc chân chữ bát (chữ X), khung chậu hẹp.

Các biến dạng của xương làm giảm chiều cao của trẻ, thay đổi dáng đi và ảnh hưởng xấu đến việc sinh đẻ sau này đối với bé gái.

Chăm sóc dinh dưỡng đối với trẻ bị còi xương:

Trẻ bị còi xương ngoài việc điều trị bằng vitamin D theo hướng dẫn của bác sĩ, cần chú ý đến chế độ ăn uống của trẻ:

Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, không cai sữa trước 12 tháng tuổi.

Từ 6 tháng tuổi trở lên cho trẻ ăn bổ sung với khẩu phần ăn cân đối và hợp lí, ăn thức ăn giàu dinh dưỡng và giàu can xi, phốt pho như tôm, cua, cá, sữa, đậu và các loại rau xanh; cần cho trẻ ăn thêm dầu, mỡ để tăng cường hấp thu vitamin D. Cho trẻ uống thêm nước hoa quả và ăn quả chín.

Phòng bệnh còi xương cho trẻ:

Muốn phòng được bệnh còi xương phải phòng ngay từ khi còn là bào thai: người mẹ cần được ăn uống đủ chất, chú ý tăng cường những thực phẩm giàu can xi trong suốt thời kỳ mang thai; người mẹ nên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời hằng ngày.

Ngoài ra, tương tự như việc chăm sóc dinh dưỡng đối với trẻ bị còi xương, để phòng bệnh cần cho trẻ bú mẹ sớm ngay trong vòng một giờ đầu sau sinh để tận dụng nguồn sữa non. Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục cho trẻ bú đến 18 hoặc 24 tháng. Từ 6 tháng trở đi ngoài việc bú sữa mẹ nên cho trẻ việc ăn bổ sung (ăn dặm) với những thức ăn giàu can xi và cho trẻ ăn thêm các loại rau, trái cây chín, đặc biệt là thêm dầu mỡ.

Cho trẻ tắm nắng ngay trong tháng đầu sau đẻ vào buổi sáng từ 10 - 15 phút mỗi ngày. Khi cho trẻ tắm nắng chỉ cần để hở hai cẳng chân cho da trẻ tiếp xúc với ánh nắng, không nên phơi cả đầu trẻ ra nắng (có thể làm trẻ bị say nắng) hay cởi hết đồ ra làm trẻ bị nhiễm lạnh.

Nơi ở của trẻ cần sạch sẽ, thoáng mát, nhiều ánh sáng mặt trời.

Hồng Vân


Ý kiến bạn đọc