Multimedia Đọc Báo in

Những điều cần biết về ngạt nước

15:04, 19/06/2021

Trong thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk xảy ra nhiều vụ trẻ bị tử vong do ngạt nước (đuối nước) rất thương tâm. Xin cung cấp một số thông tin giúp các bậc phụ huynh có thêm những kiến thức đúng đắn về ngạt nước và cách sơ cứu tại hiện trường khi trẻ bị ngạt nước.

Khi trẻ bị té ngã xuống ao hồ hoặc đâm đầu vào các lu, khạp, xô... đựng nước thì nước vào phổi làm trẻ ngạt thở dẫn đến suy hô hấp, thiếu oxy não và tử vong. Nếu được cứu sống nhưng không kịp thời trẻ có thể bị di chứng do thiếu oxy não. Tiên lượng phụ thuộc rất nhiều vào thời gian chìm dưới nước và sơ cứu bước đầu tại hiện trường.

Gọi là ngạt nước khi đường thở nạn nhân bị ngập hoàn toàn trong nước, có thể do nạn nhân bị chìm trong nước hoặc đơn thuần chỉ ngập mặt trong nước làm nạn nhân bị ngạt thở. Có hai trường hợp ngạt nước: ngạt nước do hít phải nước vào phổi gọi là ngạt nước “ướt” hoặc ngạt nước do co thắt thanh môn làm tắc nghẽn đường thở, gọi là ngạt nước “khô”. Cả hai trường hợp trên đều có thể dẫn đến di chứng và gây tử vong nếu không được sơ cứu kịp thời và đúng cách. Tuy nhiên, ngạt nước “khô” có tiên lượng tốt hơn do thanh môn co thắt nên hầu như không có hay có rất ít nước hoặc dị vật bị hít vào phổi.

Bơi lội được Trường Tiểu học Nguyễn Khuyến (TP. Buôn Ma Thuột)
 Trường Tiểu học Nguyễn Khuyến (TP. Buôn Ma Thuột) dạy cho học sinh để phòng tránh đuối nước. Ảnh: Gia Nguyên 

Khi bị ngã xuống nước, trẻ sẽ hốt hoảng, chới với, la khóc, giãy giụa, nuốt phải nước vào dạ dày và chìm dần trong nước. Phản xạ đầu tiên của cơ thể khi chìm trong nước là thanh môn đóng lại ngay lập tức nhằm ngăn nước vào đường thở. Có thể hiểu một cách đơn giản, thanh môn giống như cánh cửa của đường thở, khi thanh môn đóng lại không khí sẽ không lưu thông được và nước cũng không thể xâm nhập vào đường thở. Tuy nhiên, phản xạ đóng thanh môn chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn và sau đó thanh môn sẽ mở ra do cơ thể thiếu oxy, lúc này nước sẽ tràn vào đường thở và xuống tận nhu mô phổi gây ngạt nước. Nước vào dạ dày không gây ngạt nước, khó thở mà chỉ khi nước xâm nhập vào đường thở xuống nhu mô phổi mới có thể gây ngạt nước do nước gây cản trở sự trao đổi khí tại phổi. Và đây là nguyên nhân chính gây ra di chứng não do thiếu oxy và tử vong ở những trẻ ngạt nước.

Chúng ta nên biết rằng, trong ngạt nước, thân nhiệt hạ khoảng 32 – 350C là có lợi cho nạn nhân vì sẽ làm giảm nhu cầu chuyển hóa của cơ thể, giúp giảm nhịp tim, duy trì nhịp thở và mang máu đến các cơ quan sinh tồn. Do đó, chúng ta không nên làm tăng thân nhiệt của trẻ lên đột ngột bằng cách hơ lửa vì làm thế có thể gây giãn mạch, hạ huyết áp, tim nhanh và ngưng tim; có thể làm tăng thân nhiệt trẻ lên từ từ sau khi chúng ta đã hô hấp nhân tạo cho trẻ.

Khi sơ cứu nạn nhân, cần lưu ý các điểm sau: thời gian hồi sức được tính bằng giây, do đó không nên lôi trẻ quá xa bờ và không nên xốc nước vì làm như thế sẽ mất thời gian quý báu để hồi sức trẻ, phải hồi sức nạn nhân ngay khi đưa được trẻ lên bờ; nên giữ thân nhiệt trẻ khoảng 32 – 350C và nên tìm các tổn thương khác kèm theo như: tổn thương cột sống cổ, gãy xương do va đập khi té... để sơ cứu kịp thời.

Sơ cứu ngay khi đưa trẻ lên bờ cần được thực hiện theo các bước sau: Gọi thêm người đến hỗ trợ cấp cứu, đặc biệt là nhóm cấp cứu lưu động; nhanh chóng làm thông đường hô hấp bằng cách lấy sạch các chất tiết, dị vật, mảnh răng vụn…; thực hiện ngay các động tác hồi sức cơ bản: thổi ngạt, ấn tim, cởi bỏ quần áo nạn nhân để tránh tình trạng hạ thân nhiệt quá nhiều, có thể làm ấm bằng đắp chăn mền; chuyển đến cơ sở y tế gần nhất nếu điều kiện cho phép; động tác hồi sức cơ bản phải được tiến hành tiếp tục trên đường vận chuyển.

Tất cả các trường hợp ngạt nước nên được đưa đến cơ sở y tế để điều trị và phát hiện biến chứng, nhất là những nạn nhân cần được hồi sức khi được vớt lên, những nạn nhân có biểu hiện khó thở, hôn mê, không bắt được mạch hoặc nghi ngờ thời gian nạn nhân chìm trong nước lâu trên 10 phút.

Tóm lại, ngạt nước là một trong những tai nạn thường gặp ở trẻ em và để tránh tai nạn này xảy ra, các bậc phụ huynh cần quan tâm hơn nữa việc theo dõi, chăm sóc con trẻ, cho trẻ học bơi sớm nhất khi có điều kiện và cần sơ cứu kịp thời, đúng cách khi tai nạn xảy ra nhằm hạn chế tối đa di chứng não và tử vong cho trẻ.

PGS.TS.BS. Bùi Quốc Thắng


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.