Multimedia Đọc Báo in

“Bắt mạch” năng lực doanh nghiệp

09:24, 15/11/2011

Đánh giá về năng lực tài chính của các doanh nghiệp (DN) thu mua, xuất khẩu cà phê trên địa bàn Dak Lak hiện nay, tại Hội nghị tổng kết niên vụ cà phê 2010-2011, ông Tạ Quang Khánh - Vụ trưởng Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng: “Sức khỏe” của các DN trong nước hiện quá yếu! Cụ thể: hơn 90% nguồn vốn để DN thu mua và xuất khẩu cà phê đều phải vay từ các Ngân hàng thương mại. Cũng chính vì thiếu vốn đã khiến nhiều DN hạn chế năng lực, quy mô trong sản xuất, kinh doanh. Vấn đề này cũng được ông Đoàn Quang Hòa - Phó cục trưởng Cục chế biến nông-lâm sản và nghề muối (Bộ NN-PTNT) mổ xẻ thêm: Do “sức khỏe” yếu nên hầu hết các DN ở Dak Lak vẫn còn mua-bán cà phê với đối tác theo phương thức “trừ lùi”. Phương thức này đã đánh mất sự chủ động cũng như cơ hội nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm trong hoạt động kinh doanh. DN thiếu vốn cũng đồng nghĩa với sự “rơi tự do”, không nắm giữ được yếu tố chi phối giá cả thị trường trong việc thu mua, xuất khẩu cà phê.
Nhận xét trên được nhiều DN thừa nhận và thực sự lo lắng trước sự cạnh tranh mạnh mẽ của các DN có vốn nước ngoài. Ông Lê Đức Thống - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Một thành viên XNK cà phê 2-9 giãi bày: Do thiếu vốn nên trong niên vụ cà phê vừa qua, sản lượng cà phê xuất khẩu giảm 14,5% so với niên vụ 2009-2010. Thông thường, vào đầu niên vụ (từ tháng 12 năm trước, đến tháng 1 và 2 năm sau), người dân ồ ạt bán ra với số lượng lớn cà phê sau thu hoạch. Đúng thời điểm này, DN trong nước lại gặp khó khăn về vốn do không tiếp cận được với ngân hàng, nên đành “bó tay” đứng nhìn DN nước ngoài áp đặt “sân chơi” cạnh tranh. Đến tháng 3 và tháng 7 (hai chu kỳ kế tiếp trong một niên vụ cà phê), DN trong nước mới vay được vốn để thu mua, xuất khẩu cà phê, thì cũng là lúc giá đã tăng lên, lượng hàng khan hiếm… khiến một số DN “hụt hơi”, thậm chí phải mua lại cà phê từ DN nước ngoài để thực hiện hợp đồng đã ký trước đó với đối tác, thành ra phải chịu “thiệt đơn, thiệt kép”. Ông Thống cho biết: kế hoạch xuất khẩu của Công ty 2-9 trong niên vụ 2011-2012 dự kiến đạt khoảng 85.000 tấn, trong đó, quí IV-2011 là 22.000 tấn (chiếm 25,9%), quí I-2012: 33.000 tấn (38,8%), quý II-2012: 18.000 tấn (21,2%) và quí III-2012: 12.000 tấn (14,1%). Tính toán lịch xuất khẩu như vậy là để nắm thời điểm, tránh “thiệt đơn, thiệt kép” như đã nêu. Tuy nhiên, theo ông Thống cũng như hầu hết các DN khác lo ngại là: khó tiếp cận được nguồn vốn từ ngân hàng để tham gia “sân chơi” với DN nước ngoài từ ngay đầu vụ.

Mối lo ngại này được ông Tăng Hải Châu - Phó giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Dak Lak chia sẻ: các Chi nhánh Ngân hàng thương mại trên địa bàn sẽ đáp ứng kịp thời, đầy đủ về nhu cầu vốn lưu động cho các DN thu mua, xuất khẩu cà phê với doanh số cho vay khoảng 14.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, ông Châu phân tích: năng lực tài chính của các DN còn hạn chế, nguồn vốn chủ sở hữu rất nhỏ so với nguồn vốn kinh doanh; tài sản của DN chưa bảo đảm đầy đủ tính pháp lý, hoặc nếu có thì chủ yếu là dây chuyền công nghệ, nhà xưởng, kho tàng… đều có tính thanh khoản thấp. Vì thế, để “bơm vốn” cho các DN, các Ngân hàng thương mại còn phải “bắt mạch” DN để có chính sách cho vay phù hợp và đúng đối tượng. Điều đó có nghĩa là không phải DN nào cũng được vay vốn, và lúc đó, kế hoạch thu mua, xuất khẩu cà phê niên vụ tới không phải là không có sự thay đổi, thậm chí sẽ theo chiều hướng xấu hơn như đã từng xảy ra trong niên vụ vừa qua. Rõ ràng, vấn đề sống còn đặt ra ở đây là: đến bao giờ DN trong nước phải chủ động tạo được nguồn tài chính đủ mạnh để cạnh tranh với các đối thủ khác trong hoạt động kinh doanh, xuất khẩu cà phê ? Và, nói như ông Y Dhăm Ê nhuôl - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh, đó cũng là hạn chế cần khắc phục khi bàn đến chủ trương phát triển cà phê bền vững của Dak Lak trước mắt cũng như lâu dài…

Đình Đối

Ý kiến bạn đọc