Multimedia Đọc Báo in

Bác Hồ quan tâm đến các tờ báo của thiếu niên nhi đồng

10:54, 18/07/2010
Trong Kháng chiến chống Pháp, tờ báo “Xung Phong”, cơ quan ngôn luận của Thiếu nhi yêu nước tỉnh Hải Dương ra số Tết Mậu Tý (1948), khổ 20x16, dày 16 trang. Báo vừa in xong, hãy còn thơm mùi mực, các em trong Ban Biên tập bàn nhau gửi lên chiến khu Việt Bắc kính biếu Bác Hồ. Bác nhận được báo “Xung Phong” đúng vào dịp Tết Nguyên đán năm đó. Đọc xong, Bác tự đánh máy vào tấm danh thiếp đã in sẵn một bức thư trả lời bằng 8 câu lục bát:
 
“Bác nhận được báo “Xung Phong”
Cám ơn các cháu có lòng gửi cho
Các cháu nghe Bác dặn dò
Phải biết yêu nước, phải lo học hành.
Siêng làm việc, siêng tập tành
Phải giữ kỷ luật mới thành cháu ngoan
Bác yêu các cháu muôn vàn
Bác gửi các cháu một ngàn cái hôn”.
 
Tháng 5-1969, Bác đã yếu nhiều. Tuy thế, Bác vẫn hỏi thăm về các cháu thiếu nhi qua đồng chí thư ký. Lúc ấy, có đội thiếu niên Phú Mẫn (Hà Bắc), chăn trâu giỏi, làm việc tốt theo lời Bác dạy, được Trung ương Đoàn, Ủy ban Thiếu niên, Nhi đồng Trung ương để nghị Bác khen thưởng. Mấy hôm đó, Bác Hồ vẫn mệt. Lúc tỉnh, Bác lại hỏi tình hình các cháu. Nghe đồng chí thư ký nói đến bức thư khen các cháu ở Phú Mẫn và đề nghị của Báo Thiếu niên Tiền phong, Bác Hồ đọc và ký, rồi dặn:
- Đưa ngay để báo Thiếu niên Tiền phong đăng.
 
Thế là thư Bác Hồ gửi các cháu thiếu niên hợp tác xã Măng non Phú Mẫn đăng trang trọng trên trang nhất Báo Thiếu niên Tiền phong số ra ngày 30-5-1969.
Bác Hồ bên các cháu thiếu nhi
Bác Hồ bên các cháu thiếu nhi
 
Bác còn thường xuyên gửi những bài viết, tin tức về trẻ em đăng ở bản tin Thông tấn xã Việt Nam hoặc các báo nước ngoài đến cho tòa soạn báo Thiếu niên Tiền phong đăng lại, hoặc nhắc Đoàn Thanh niên, Ủy ban Thiếu niên, Nhi đồng khen thưởng các cháu được nêu gương tốt trên các báo ở Trung ương và các tỉnh.
 
Là một nhà báo, từng làm báo từ những năm hoạt động ở nước ngoài, Bác Hồ chuyển tới báo Thiếu niên Tiền phong nhiều nhận xét rất cần cho việc làm báo. Vào những năm 1960 – 1965, tên tờ báo đặt ở trang bìa (trang 1) thỉnh thoảng lại xê dịch, lúc ở trên, lúc ở dưới, lúc bên trái, lúc sang bên phải, Bác đã nhắc Tòa soạn: “Trẻ em cần có sự ngăn nắp, trật tự, không thể để tờ báo “chạy” như thế”. Sau đó, Tòa soạn báo đã sửa chữa ngay. Có lần trong bài viết dẫn bài thơ “Nam quốc sơn hà Nam đế cư” của anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt có một lỗi in, Bác Hồ đã gạch đỏ, chữa lại cho đúng và gửi tới Tòa soạn, nhắc: “Cần phải chính xác”. Trên báo, thấy bài kể chuyện lịch sử có nhiều từ cổ khó hiểu, Bác khuyên dùng những từ để sao cho các cháu hiểu được mới tốt.
 
Vậy là Bác Hồ của chúng ta không những chỉ quan tâm đến báo chí cho người lớn, đối với các tờ báo của Nhi đồng và Thiếu niên, Bác cũng đặc biệt quan tâm.
Lê Hồng Thiện (st)

Ý kiến bạn đọc