Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị: Để sâu rễ, bền gốc

07:35, 17/12/2021

Cùng với việc thực hiện công tác xây dựng Đảng trong các nghị quyết Đại hội Đảng từ khóa VII đến khóa XIII, Đảng đã ban hành các văn bản quan trọng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Điều này thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng, xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh toàn diện.

Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là gốc rễ

Thực hiện lời căn dặn của Bác, từ khi thành lập đến nay, Đảng luôn tập trung thực hiện công tác xây dựng Đảng, coi đây là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng nước ta.

Từ khi bước vào công cuộc đổi mới năm 1986, Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng với quyết tâm chính trị cao hơn, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể hơn. Đặc biệt, việc ban hành và triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII đã tạo sự chuyển biến tích cực, rõ rệt trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, được nhân dân tin yêu, đồng tình, ủng hộ, góp phần rất quan trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của đất nước, địa phương.

Kết luận số 21 và Quy định số 37-QĐ/TW, ngày 1/11/2021 về những điều đảng viên không được làm được ví như những “biệt dược” giúp chúng ta phòng, chống, ngăn ngừa và đặc trị các loại bệnh tật phát sinh trong cơ thể của Đảng và hệ thống chính trị, giúp cho cán bộ, đảng viên tăng cường sức đề kháng, không bị tha hóa, biến chất về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, tư cách, lối sống, góp phần ngăn ngừa và khắc phục một cách mạnh mẽ hơn và quyết liệt hơn những biểu hiện suy thoái, tiêu cực; giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII của Đảng cũng còn những hạn chế, khuyết điểm. Theo báo cáo kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, từ năm 2016 - 2020, có 25.104 đảng viên suy thoái hoặc có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” (chiếm 0,5% tổng số đảng viên) bị xử lý kỷ luật. Hệ thống chính trị ở nước ta chưa thực sự trong sạch, vững mạnh như mong muốn. 4 nguy cơ mà Đảng đã chỉ ra từ năm 1994: tụt hậu về kinh tế, đối mặt với nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa, tham nhũng và tệ quan liêu, “diễn biến hòa bình” vẫn đang hiện hữu, có mặt còn gay gắt hơn.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung chủ trì Hội nghị cán bộ toàn quốc về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng tại điểm cầu Đắk Lắk.

Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định mục tiêu tổng quát là: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Triển khai thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ hết sức to lớn, nặng nề nêu trên trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có nhiều thay đổi rất nhanh, phức tạp, khó lường; thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đại dịch COVID-19, cạnh tranh kinh tế, tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông vẫn còn diễn biến phức tạp; các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị vẫn tiếp tục chống phá nước ta bằng những âm mưu, thủ đoạn hết sức tinh vi, xảo quyệt, đòi hỏi Đảng ta phải nỗ lực hơn nữa trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh, ngang tầm nhiệm vụ, đủ sức để lãnh đạo xây dựng, phát triển đất nước nhanh và bền vững hơn.

Lãnh đạo Đảng bộ phường Tự An (TP. Buôn Ma Thuột) tìm hiểu việc nắm bắt tình hình thời sự của Chi bộ tổ dân phố 3  (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021).

Nội dung sâu rộng, sát thực với tình hình mới

Tại Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Kết luận của Trung ương đã mở rộng, không chỉ trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà còn bao gồm cả trong xây dựng hệ thống chính trị; không chỉ đối với đảng viên và các cấp ủy, tổ chức đảng mà còn đối với cán bộ, công chức, viên chức, các cấp chính quyền, các cơ quan, đơn vị trong toàn hệ thống chính trị.

Mục tiêu được xác định trong Kết luận số 21 cao hơn và sát hợp hơn với tình hình mới. Cùng với ngăn chặn, đẩy lùi, phải chủ động tiến công mạnh mẽ, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm suy thoái, tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Để thực hiện mục tiêu trên, Trung ương xác định cần kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa xây dựng đạo đức cách mạng và chống chủ nghĩa cá nhân; xây là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài; chống là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, cấp bách. Trong đó, việc xây dựng tổ chức, xây dựng con người đóng vai trò quyết định. Mỗi người, nhất là mỗi cán bộ, đảng viên cần đẩy mạnh tự phê bình và phê bình một cách thực chất, nghiêm túc, thận trọng, khách quan, phát huy quy chế dân chủ trong Đảng.

Quan điểm chỉ đạo của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng rất rõ ràng. Công tác thực hiện hiệu quả sẽ tiếp tục củng cố niềm tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.