Lan tỏa tinh thần Chiến thắng Buôn Ma Thuột
Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại kéo dài 21 năm của nhân dân ta kết thúc bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Trong mùa xuân lịch sử đó, trận Buôn Ma Thuột được coi là trận đánh then chốt mở màn cho chiến dịch Tây Nguyên, là đòn điểm huyệt có ý nghĩa chiến lược, tạo ra cục diện chiến tranh mới, đưa đến thắng lợi quyết định trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.
Trận then chốt Buôn Ma Thuột
Trong những ngày đầu năm 1975, trước tình hình phát triển của cách mạng, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã triệu tập Hội nghị lịch sử và quyết định chọn Buôn Ma Thuột làm mục tiêu chiến lược, mở màn cho cuộc Tổng tấn công nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Việc chọn Buôn Ma Thuột làm trận mở màn có ý nghĩa hết sức quan trọng. Buôn Ma Thuột lúc bấy giờ là thị xã lớn nhất Tây Nguyên, lại nằm trên trục đường 14 và 21 (nay là Quốc lộ 26) thuận lợi cho việc thực hiện chiến dịch và mở rộng đến các tỉnh Tây Nguyên xuống duyên hải miền Trung và vào Nam Bộ. Đánh vào Buôn Ma Thuột sẽ làm đảo lộn thế phòng thủ của Mỹ ngụy ở Tây Nguyên, trực tiếp uy hiếp đồng bằng ven biển miền Trung, mở hướng tiến công quan trọng vào Sài Gòn.
Trận then chốt Buôn Ma Thuột đã được bí mật chuẩn bị kỹ về lực lượng và thế trận. Các đòn nghi binh được thực hiện tốt trước khi bắt đầu chiến dịch đã đặt quân đội Sài Gòn tại Buôn Ma Thuột vào thế bị cô lập và bất ngờ. Đúng như dự đoán của ta, trước đòn tấn công như vũ bão, Buôn Ma Thuột đã nhanh chóng thất thủ.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị thăm hỏi sức khỏe, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng H'Năr Ông (SN 1925) ở buôn Pai Ar, xã Đắk Phơi, huyện Lắk). Ảnh: Duy Tiến |
Thắng lợi to lớn, toàn diện của trận Buôn Ma Thuột đã tạo ra đột biến về chiến lược, tạo ra thế và lực mới để ta giành thắng lợi từ bộ phận đến giành thắng lợi hoàn toàn, xuất hiện thời cơ chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam nhanh hơn, chín muồi hơn. Đó là cơ sở để Đảng ta bổ sung quyết tâm chiến lược, rút ngắn thời gian kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam trong 2 năm xuống còn 55 ngày đêm, kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo các hướng chiến trường nắm thời cơ huy động toàn bộ lực lượng tiến lên giành thắng lợi quyết định trước mùa mưa năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Phát huy truyền thống cách mạng
Sau 47 năm giải phóng, hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk đã phát huy truyền thống cách mạng, tinh thần Chiến thắng 10/3, đoàn kết, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, giành được nhiều thành tựu quan trọng. Từ một địa phương có nhiều khó khăn, Đắk Lắk đã có những bước phát triển nhanh chóng và toàn diện, kinh tế tăng trưởng khá, đời sống nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được nâng cao, bộ mặt nông thôn, đô thị có nhiều khởi sắc. Quốc phòng, an ninh được bảo đảm, pháp chế xã hội chủ nghĩa được tăng cường; quan hệ đối ngoại tiếp tục được củng cố và mở rộng. An ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đạt nhiều kết quả tích cực.
Với tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk đã và đang quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Đặc biệt, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung kiểm soát dịch COVID-19 hiệu quả, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân và tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu giữa các ngành, tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ và giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp; cơ cấu ngành, lĩnh vực, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển dần từ khai thác tối đa nguồn lực tự nhiên sẵn có sang dựa vào năng suất, chất lượng lao động, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Thực hiện quyết liệt chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số và xây dựng chính quyền số; huy động tốt mọi nguồn lực, khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế so sánh của tỉnh. Tích cực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, nhà đầu tư sản xuất, kinh doanh. Chú trọng tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đầu tư kết cấu hạ tầng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; quyết tâm xây dựng quê hương Đắk Lắk ngày càng giàu đẹp, văn minh, bản sắc, xứng đáng vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên.
Đinh Duy Linh
Ý kiến bạn đọc