Multimedia Đọc Báo in

Từ vùng đất khó... (Kỳ 1)

08:14, 20/09/2022

Bồi dưỡng và phát triển đảng viên trẻ, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn là vấn đề cấp thiết, luôn được các cấp ủy trên địa bàn tỉnh quan tâm. Việc ươm mầm những “hạt giống đỏ” trên vùng đất khó không chỉ góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, bảo đảm sự kế thừa đội ngũ của Đảng mà còn đưa kinh tế - xã hội ở vùng sâu, vùng xa khởi sắc đi lên.

Kỳ 1: Nỗi niềm người “gieo hạt”

Hiện nay, công tác phát triển đảng viên trẻ tại các địa phương ở vùng sâu, vùng xa đang gặp nhiều khó khăn, việc tìm kiếm giải pháp để tạo được những “mầm xanh” kế cận có tâm huyết, trách nhiệm đứng vào hàng ngũ của Đảng đang là bài toán khó đặt ra đối với các cấp ủy.

Khó từ lực lượng trẻ…

Vượt chặng đường dài hơn 150 km từ TP. Buôn Ma Thuột, chúng tôi tìm đến thôn Sông Chò (xã Cư San, huyện M’Drắk). Nơi đây, cuộc sống người dân vẫn còn lắm bộn bề. Đồng chí Triệu Đức Toàn, Bí thư Chi bộ thôn Sông Chò, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Cư San tâm sự: “Mười năm làm Bí thư Chi bộ thôn là ngần ấy thời gian tôi luôn cố gắng “tìm, gạn” tạo nguồn quần chúng ưu tú để giới thiệu cho cấp ủy xem xét kết nạp Đảng. Song, thực tế rất khó khăn. Nguyên nhân là do lực lượng thanh niên đi học đại học, cao đẳng, học nghề, làm ăn xa, xuất khẩu lao động; số ít ở lại địa phương thì hoặc không mặn mà vào Đảng, hoặc chưa đủ điều kiện, tiêu chuẩn để kết nạp. Trong khi đó, lực lượng quần chúng của các tổ chức hội hầu hết đã lớn tuổi”.

Đồng chí Vũ Văn Kim, Bí thư Đảng ủy xã Cư San (bìa phải) trao đổi với đảng viên trẻ tại Trường Mầm non Tuổi Thơ (xã Cư San, huyện M’Drắk).

Rời M’Drắk, chúng tôi tìm đến Lắk – một huyện vùng sâu khác của tỉnh, câu chuyện “tìm và gieo hạt giống đỏ” tiếp tục nối dài với bao nỗi niềm. Bí thư Đảng ủy xã Buôn Tría (huyện Lắk) Đào Quang Lâm chia sẻ, là một xã thuần nông, có diện tích đất sản xuất khá ít (chỉ chiếm gần 33% diện tích đất tự nhiên trên địa bàn) nên nhiều con em, quần chúng ưu tú trên địa bàn, đặc biệt là lực lượng trẻ phải đi tìm các công việc khác để tăng thu nhập. Điều này khiến cho những năm gần đây, công tác tạo nguồn phát triển đảng viên của Đảng bộ gặp không ít khó khăn.

Thực trạng thiếu nguồn để kết nạp Đảng, nhất là nguồn trong độ tuổi Đoàn đang diễn ra ở hầu hết huyện, thị xã, thành phố, đặc biệt là ở các huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh, nơi mà gánh nặng mưu sinh đè lên đôi vai của người trẻ trở nên “nặng” hơn ở bất cứ nơi nào khác. Băn khoăn về vấn đề này, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy M’Drắk Y Ku Niê Kdăm hay Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Lắk Nguyễn Quang Dũng đều xác nhận thực trạng này và bày tỏ nỗi lo lắng thiếu đoàn viên thanh niên ưu tú để kết nạp vào Đảng. Tại các cuộc họp, hội nghị giao ban công tác xây dựng Đảng, nhiều cấp ủy cũng đã nêu vấn đề này và kiến nghị tỉnh cần có giải pháp tháo gỡ.

Đồng chí Vũ Văn Kim, Bí thư Đảng ủy xã Cư San (bìa phải) thăm mô hình trồng nhãn khởi nghiệp của đảng viên trẻ tại thôn Sông Chò (xã Cư San, huyện M’Drắk).

… Đến vùng đặc thù

Đắk Lắk hiện có 4 tôn giáo (Công giáo, Phật giáo, Tin lành, Cao đài), với hơn 600 nghìn tín đồ, chiếm khoảng 32% dân số toàn tỉnh nên công tác phát triển Đảng ở vùng giáo luôn được các cấp ủy đảng đặc biệt quan tâm.

Đơn cử như ở thôn 8 (xã Cư San, huyện M’Drắk), đồng chí Hồ Thị Hồng, Bí thư Chi bộ thôn 8 trăn trở: “Thôn 8 hiện chỉ có 3 đảng viên, nhiều năm liền chi bộ không kết nạp được đảng viên mới. Trong các kỳ sinh hoạt chi bộ, vấn đề phát triển đảng viên mới luôn được đưa ra để bàn bạc, tháo gỡ”. Tuy toàn thôn chỉ có 164 hộ, với 891 nhân khẩu nhưng lại có đến 1.085 tín đồ theo đạo Tin Lành (vì có cả tín đồ ở các địa phương lân cận), đa số là đồng bào Mông di cư từ các tỉnh phía Bắc vào đây sinh sống. Người dân nơi đây quanh năm chỉ gắn bó với nương rẫy, trình độ nhận thức còn hạn chế, ngại tham gia sinh hoạt các đoàn thể.

Mô hình nuôi bò thương phẩm của đảng viên trẻ Phạm Công Minh (thôn Hồ, xã Cư M’ta, huyện M’Drắk).

Cùng chung nỗi niềm về nguồn phát triển đảng viên, đồng chí Nguyễn Văn Nghĩa, Bí thư Chi bộ thôn Phú Quý (xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắc) giãi bày, đầu năm 2022, thôn Phú Quý, buôn Ea Kal và thôn Vân Kiều được sáp nhập lại thành thôn Phú Quý. Người dân trong thôn hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế gia đình do đất sản xuất ít, đa số là đồng bào dân tộc thiểu số di dân từ nơi khác đến. Những khó khăn này đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phát triển đảng viên, đặc biệt là đảng viên trẻ. Khi chưa sáp nhập, buôn Ea Kal nhiều năm liền “trắng” đảng viên người tại chỗ dù cấp ủy đã có nhiều biện pháp để tạo nguồn phát triển Đảng. Đối tượng được kết nạp chủ yếu tập trung tại các trường học, cơ quan. Trên địa bàn thôn, số lượng lao động tại chỗ và đối tượng đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự khá dồi dào, nhưng đa phần việc làm không ổn định. Số ít chưa mặn mà vào Đảng, hoặc chưa đủ điều kiện, tiêu chuẩn để kết nạp. Trong khi đó, lực lượng quần chúng của các tổ chức hội, đoàn thể hầu hết đã lớn tuổi. Cũng theo đồng chí Nghĩa, kể từ khi triển khai Nghị quyết 16/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh đã bộc lộ nhiều hạn chế trong việc chi trả chế độ cho các trưởng thôn, buôn, cán bộ không chuyên trách tại địa phương. Đa phần đảng viên đảm nhiệm nhiều vị trí trong khi mức phụ cấp chưa tương xứng với công việc. Điều này phần nào gây trở ngại cho việc gắn trách nhiệm của cán bộ với công tác phát triển đảng viên. Đồng thời, ảnh hưởng đến ý chí phấn đấu và tạo tâm lý e ngại ở người trẻ tham gia vào các tổ chức chính trị xã hội tại các thôn, buôn. Vì vậy, quần chúng nghĩ rằng, tham gia các hoạt động đoàn thể mất thời gian, chỉ là “vác tù và hàng tổng”…

Tương tự như xã vùng sâu Vụ Bổn, xã vùng 3 Ea Hiu (huyện Krông Pắc) là địa phương có tới 85% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số nên công tác phát triển Đảng cũng không hề dễ dàng. “Mặc dù nhiều năm liền luôn thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu phát triển Đảng, thế nhưng, Đảng ủy xã Ea Hiu chưa bao giờ thôi lo lắng về công tác phát triển Đảng do nhiều biến động”, Bí thư Đảng ủy xã Ea Hiu Võ Hữu Chút chia sẻ.

Theo đánh giá của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh Tấn, công tác kết nạp đảng viên mới ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số, đông đồng bào tôn giáo trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc thu hút, tập hợp quần chúng nhân dân tham gia các đoàn thể ở các chi hội, tổ hội vẫn còn nhiều hạn chế, nhiều tổ chức đoàn thanh niên ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hầu như "tê liệt".

Tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, khi bàn về công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên, Ban Chấp hành Trung ương thống nhất quan điểm phải coi trọng chất lượng phát triển đảng viên theo phương châm “quý hồ tinh bất quý hồ đa”. Nhưng trên thực tế hiện nay tại các địa phương, dù đã hết sức nỗ lực tìm nguồn kết nạp đảng vẫn không tránh khỏi tình trạng “ăn đong”.

(Còn nữa)

Kỳ 2: Để đất cằn nảy "mầm xanh"

Khả Lê - Thùy Linh - Thúy An


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.