Cán bộ năng động, dấn thân là động lực cho sự phát triển
Hiện nay, tỉnh đang xúc tiến hoàn chỉnh nội dung Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên cơ sở phân tích những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức của địa phương để đưa ra những mục tiêu và giải pháp toàn diện phát triển kinh tế - xã hội mang tính chiến lược.
Cùng với quy hoạch, việc xây dựng những chính sách đồng bộ, mang tính đặc thù của tỉnh Đắk Lắk và tổ chức thực hiện chính sách trong thực tiễn ra sao cho đạt hiệu quả cao là vấn đề hết sức quan trọng.
Yêu cầu phát triển nguồn nhân lực nói chung, đội ngũ cán bộ, công chức nói riêng được xem là điều kiện cần nhằm tạo ra động lực cho sự phát triển của Đắk Lắk. Trong đó, đội ngũ cán bộ, công chức phải bảo đảm ngày càng phát huy được vai trò, năng lực trong thực thi các chính sách.
Bí thư Huyện ủy Krông Pắc Trần Hồng Tiến (bìa phải) cùng cán bộ khuyến nông hướng dẫn bà con buôn Cư Drang (xã Ea Yiêng) tham gia mô hình trồng dổi lấy hạt do Qũy Tiết kiệm làm theo lời Bác hỗ trợ. Ảnh: Đinh Nga |
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đánh giá, một trong những hạn chế của nhiệm kỳ trước là “công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền còn bất cập; có lúc có nơi chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”. Rõ ràng, hạn chế được nói đến ở đây đồng nghĩa với việc năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức được xem là “điểm nghẽn” cần phải phá vỡ trong quá trình hoạch định và thực thi chính sách của tỉnh.
Bên cạnh đó, một rào cản lớn của các tỉnh thành trong cả nước hiện nay là tâm lý e ngại, sợ làm sai, sợ trách nhiệm, không dám làm gì để giữ an toàn cho mình của một bộ phận cán bộ, công chức. Bởi vì, khi giữa các quy định của pháp luật và đòi hỏi thực tế còn có những khoảng cách không nhỏ thì việc sáng tạo theo quan niệm chủ quan rất dễ dẫn đến sai phạm, thậm chí về sau còn bị hồi tố.
Do đó, nếu không có sự quyết tâm và thực sự dấn thân của người đứng đầu, lãnh đạo quản lý, cán bộ, công chức vào việc xử lý trực tiếp những vướng mắc nảy sinh trong quá trình phát triển thì sẽ không tháo gỡ được nút thắt. Sự quyết tâm, năng động của người lãnh đạo, quản lý, đội ngũ cán bộ, công chức trong việc tìm các giải pháp then chốt cho sự phát triển của địa phương là rất quan trọng. Người lãnh đạo, quản lý, cán bộ, công chức địa phương không những nhận biết được trở ngại nảy sinh trong thực tiễn mà còn phải thực sự trăn trở, năng động và quyết tâm để tìm hướng tháo gỡ những nút thắt.
Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý bên cạnh nắm bắt sâu lĩnh vực do đơn vị mình phụ trách thì phải có khả năng phân tích vấn đề, có sự sáng tạo, tâm huyết trong tìm tòi các giải pháp để đề xuất, thực thi có hiệu quả các chính sách. Chính sự truyền cảm hứng từ người lãnh đạo sẽ tạo ra động lực cho mỗi cán bộ, công chức trong thực thi trách nhiệm của mình liên quan đến chính sách. Bên cạnh đó, sự theo dõi, chỉ đạo sát sao và quyết liệt của đội ngũ lãnh đạo, quản lý trong quá trình triển khai chính sách là điều kiện có tính tiên quyết để chính sách có thể thực hiện thành công.
Có thể nói, năng lực trong xử lý các công việc hằng ngày khi thực hiện các chính sách cũng như đạo đức công vụ, nhất là ý thức phục vụ doanh nghiệp, tổ chức, người dân để đạt sự hài lòng, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện các chỉ số cải cách hành chính là các yêu cầu cấp thiết đặt ra đối với đội ngũ cán bộ, công chức của tỉnh trong giai đoạn hiện nay và lâu dài.
Tường Mạnh
Ý kiến bạn đọc