Multimedia Đọc Báo in

“Đảng ta là đạo đức, là văn minh”

07:46, 08/02/2023

Tại Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức ngày 5/1/1960, kết thúc bài phát biểu của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc mấy câu thơ trong đó có câu “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”.

Hơn 60 năm sau nhìn lại, càng thấm thía hơn bao giờ hết từng câu, từng chữ trong lời dạy của Người.

“Đảng ta là đạo đức, là văn minh”. Một sự đúc kết sâu sắc, cô đọng bản chất của Đảng nói chung và của từng đảng viên nói riêng. Gốc của Đảng chính là đây. Đảng muốn gánh vác được trọng trách trước dân tộc, muốn làm nên sự nghiệp lớn, muốn quy tụ muôn dân, trước hết phải là đạo đức, là văn minh.

Đạo đức luôn là vấn đề được Hồ Chí Minh quan tâm trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình. Và Người chính là tấm gương sáng ngời về đạo đức.

Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, chính thể mới được thành lập, điều Chủ tịch Hồ Chí Minh trăn trở, âu lo và quan tâm nhất vẫn là đạo đức của người cán bộ cách mạng.

Trong “Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng” đăng trên báo Cứu quốc ngày 17/10/1945, Người răn dạy: “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”.

Và Người chỉ ra 6 lỗi lầm mà cán bộ đảng viên, nếu không ngừng tự giác rèn luyện, tu dưỡng bản thân, sẽ mắc phải là: Trái phép - cậy thế - hủ hóa - tư túng - chia rẽ - kiêu ngạo. 6 lỗi lầm đó, suy cho cùng vẫn nằm trong phạm trù đạo đức của người cán bộ cách mạng.

Tháng 10/1947, viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Mỗi đảng viên, trước hết là mỗi cán bộ phải biết đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết.

Kiên quyết chống bệnh tự mãn, tự tư tự lợi, kiêu ngạo, ba hoa. Phải thực hành khẩu hiệu: "Chí công vô tư, cần, kiệm, liêm, chính!". Người coi đó là “gốc” của người cách mạng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng. (Trong ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm đồng bào Hùng Sơn, xã Phục Linh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên (1954). Ảnh tư liệu

Đầu năm 1969, nhân dịp kỷ niệm 39 năm Ngày thành lập Đảng, Người viết tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Bài viết ngắn gọn, hàm súc, mang tính tổng kết thực tiễn; bổ sung, phát triển tư tưởng, lý luận về xây dựng Đảng nói chung, về đạo đức cách mạng nói riêng.

Nhìn lại lịch sử Đảng từ khi thành lập (ngày 3/2/1930) cho đến nay càng thấy rõ điều đó. Biết bao thế hệ “cán bộ, đảng viên ta đã tỏ ra anh dũng, gương mẫu, gian khổ đi trước, hưởng thụ đi sau và đã làm nên những thành tích rất vẻ vang”, Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi đó là “những bông hoa tươi thắm của chủ nghĩa anh hùng cách mạng”.

Khái niệm “văn minh” có nội hàm rất phong phú. Khi Hồ Chí Minh nói Đảng ta là văn minh, thì nội hàm khái niệm văn minh được hiểu đồng nghĩa với văn hóa, văn minh trên cả phương diện vật chất và tinh thần.

Hiểu theo nghĩa hẹp, văn minh có nội dung về phương diện tinh thần, về tư tưởng, lý luận, đạo đức, văn học, nghệ thuật, giáo dục và khoa học, những sinh hoạt xã hội của nhân loại. Hay nói cách khác, văn minh là sự tiến bộ ở đỉnh cao của nhân loại trên tất cả các lĩnh vực nói trên.

Đảng ta là đảng cầm quyền, dĩ nhiên như Người đã khẳng định, phải là văn minh.

Đảng văn minh ở mục tiêu lý tưởng đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; ở khát vọng xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.

Đảng văn minh ở chủ trương, đường lối, phương pháp lãnh đạo để đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, đưa đất nước tiến lên vững chắc trên con đường hội nhập và phát triển.

Đảng văn minh ở khả năng ứng xử, tập hợp mọi lực lượng, đoàn kết toàn dân tộc tạo nên sức mạnh tổng hợp làm nên cuộc cách mạng vĩ đại giải phóng dân tộc, đấu tranh bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh.

Đảng văn minh bởi những người đứng trong hàng ngũ có đạo đức, có trình độ tri thức bắt kịp đà phát triển của thời đại; có tư duy độc lập, sáng tạo trong mọi quyết sách vì đất nước, vì nhân dân. Đảng văn minh vì ngoài lợi ích của đất nước, của dân tộc và nhân dân, Đảng không còn lợi ích nào khác.

Thật buồn trong những năm vừa qua, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên tự buông lỏng mình, thiếu tu dưỡng rèn luyện, trở nên suy thoái, biến chất trước cám dỗ của đồng tiền.

Điều đáng lo ngại là trong số họ, rất nhiều người nắm giữ trọng trách trong bộ máy Đảng, Nhà nước ở Trung ương và địa phương, có cả Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng…

Công cuộc chống tiêu cực, tham nhũng đang diễn ra quyết liệt hiện nay là một trong những giải pháp mạnh nhằm loại bỏ những kẻ cơ hội luồn sâu leo cao, giữ cho Đảng luôn được như lời dạy của Hồ Chí Minh: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”.

Nguyễn Duy Xuân


Ý kiến bạn đọc