Multimedia Đọc Báo in

Nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng: Những nỗ lực của huyện Ea Kar

08:06, 09/03/2023

Ea Păl là một trong 3 xã của huyện Ea Kar đã hoàn thành công tác nghiên cứu, biên soạn, tổ chức công bố và phát hành Lịch sử Đảng bộ xã (1986 - 2020) vào năm 2022 sau hơn 4 năm triển khai thực hiện.

Trước năm 1975, Ea Păl là vùng đất hoang sơ, trực thuộc địa bàn xã Krông Jing (huyện M’Drắk), dân cư chủ yếu là người Êđê. Đến tháng 2/1986, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành quyết định chia tách địa giới hành chính và thành lập xã Ea Păl với 6 thôn, gần 1.600 nhân khẩu. Tháng 9/1986, khi huyện Ea Kar được thành lập, xã Ea Păl trở thành đơn vị hành chính trực thuộc huyện Ea Kar. Chi bộ đầu tiên của xã được thành lập vào tháng 1/1987 với 9 đảng viên. Đến nay, xã Ea Păl có 12 thôn, tổng dân số trên 9.100 khẩu. Đảng bộ xã có 18 chi bộ với hơn 300 đảng viên.

Đảng bộ xã Ea Păl (huyện Ea Kar) công bố và phát hành cuốn Lịch sử Đảng bộ xã giai đoạn 1986 - 2020.

Phó Chủ tịch UBND xã Ea Păl Nguyễn Minh Thuận cho biết, với quá trình gần 35 năm hình thành và phát triển, nhiều nhân chứng đã qua đời, một số tài liệu, chứng cứ lịch sử không còn lưu giữ được gây rất nhiều khó khăn cho công tác thu thập, nghiên cứu, biên soạn. Hơn nữa, do xã Ea Păl trước kia trực thuộc huyện M’Drắk nên việc đi lại để xác minh mất nhiều thời gian. Bên cạnh phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đồng chí trong ban biên soạn lịch sử đảng bộ xã thu thập thông tin, gặp gỡ nhân chứng, xác minh thông tin, các mốc thời gian; khai thác các tư liệu lưu trữ, đối chiếu với lời kể của các nhân chứng lịch sử, trao đổi tạo sự thống nhất giữa nhân chứng, người sưu tầm và người biên soạn, ban biên soạn còn tổ chức hội thảo hai lần để góp ý, hoàn thiện dự thảo.

Đảng bộ xã Ea Păl (huyện Ea Kar) tặng cuốn Lịch sử Đảng bộ xã giai đoạn 1986 - 2020 cho cán bộ, đảng viên của xã.
 

Huyện phấn đấu đến năm 2025, hoàn thành và ra mắt Lịch sử Đảng bộ huyện Ea Kar giai đoạn 1985 - 2025 nhân kỷ niệm 40 năm thành lập huyện và đến năm 2027, 100% xã, thị trấn hoàn thành việc nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ địa phương”.

 
Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Ea Kar Lê Văn Hồng

Lịch sử Đảng bộ xã Ea Păl hoàn thành với 143 trang, khái quát vùng đất, con người, quá trình hình thành, phát triển, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ xã cũng như đời sống nhân dân trên địa bàn. Tại lễ công bố, cuốn lịch sử Đảng bộ xã Ea Păl đã được trao tặng cho các cán bộ, đảng viên để nghiên cứu, học tập cũng như tuyên truyền, giáo dục đến quần chúng nhân dân trên địa bàn.

Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 20-CT/TW, ngày 18/1/2018 của Ban Bí thư về “Tiếp tục tăng cường nghiên cứu, biên soạn và nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng”, huyện Ea Kar đã có 3/16 đảng bộ xã, thị trấn hoàn thành xuất bản, ra mắt lịch sử đảng bộ địa phương gồm các xã: Cư Yang, Ea Tíh, Ea Păl. Trong năm 2023 sẽ có thêm 4 địa phương gồm Đảng bộ thị trấn Ea Kar và các xã Cư Ni, Ea Kmút, Ea Sô hoàn thành, ra mắt lịch sử đảng bộ. Các xã, thị trấn còn lại đang triển khai sưu tầm lại liệu, khai thác nhân chứng, biên soạn, tổ chức hội thảo để hoàn chỉnh dự thảo.

Ông Lê Văn Hồng, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Phó Trưởng Ban chỉ đạo sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử địa phương huyện Ea Kar cho biết, để bảo đảm tính chính xác, khoa học, đảng bộ các địa phương đều tổ chức hội thảo từ 2 - 3 lần lấy ý kiến góp ý, đánh giá của các lão thành cách mạng, nhân chứng lịch sử, lãnh đạo địa phương qua các thời kỳ và được sự thẩm định, đánh giá của hội đồng thẩm định cấp huyện. Các ấn phẩm đã được xuất bản không chỉ có giá trị về mặt khoa học, lịch sử mà còn tổng kết thực tiễn, kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ đạo của địa phương, qua đó, cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, đóng góp xây dựng địa phương phát triển.

Yến Ngọc


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.