Multimedia Đọc Báo in

Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Chất vấn Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình

14:17, 20/03/2023

Trong khuôn khổ chương trình Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 20/3 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn và trả lời chất nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tòa án.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên chất vấn.

Tham dự phiên chất vấn có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; các đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ. 

Tại điểm cầu Đắk Lắk, tham dự phiên chất vấn có đồng chí Lê Thị Thanh Xuân, Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; các đại biểu Quốc hội tỉnh, cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan của tỉnh.

Đại biểu tham dự tại điểm cầu Đắk Lắk.
Đại biểu tham dự tại điểm cầu Đắk Lắk.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Ngành Tòa án và ngành Kiểm sát nhân dân (KSND) có vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm hệ thống pháp luật được thực hiện nghiêm minh, góp phần tích cực vào công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Phiên chất vấn lần này tiếp tục khẳng định vị trí của ngành tư pháp, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đòi hỏi trong giai đoàn mới, nhất là hoàn thành mục tiêu xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội trên cơ sở nhìn thẳng vào các hạn chế, tìm ra những giải pháp phù hợp để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác của ngành

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: Quochoi.vn
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: Quochoi.vn

Tại phiên làm việc, các đại biểu đã tiến hành chất vấn đối với Chánh án TAND tối cao về các nhóm vấn đề: Giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại vụ án, nhất là vụ án hành chính, vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng; việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; công tác cán bộ của ngành tòa án; giải pháp nâng cao năng lực, trình độ, bản lĩnh, trách nhiệm của thẩm phán và các công chức ngành tòa án; việc phòng ngừa và xử lý tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ ngành tòa án; công tác tổng kết thực tiễn xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, phát triển án lệ; việc triển khai thi hành Nghị quyết số 33/2021/QH15 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến, nhất là việc chuẩn bị các điều kiện bảo đảm cho xét xử trực tuyến.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng tập trung chất vấn về: Một số vụ án giải quyết quá thời hạn so với luật định; tỷ lệ án hành chính bị hủy sửa do nguyên nhân chủ quan còn cao; việc thực hiện hòa giải, đối thoại; những khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc giải quyết các vụ án hình sự, kinh tế, tham nhũng; tình trạng như án hành chính chưa được thực thi, hoặc thực thi không nghiêm túc, vẫn còn tình trạng nể nang; những giải pháp căn cơ về công tác đấu tranh, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; các giải pháp đồng bộ để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đầu vào của ngành TAND trong thời gian tới.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk) chất vấn tại phiên làm việc.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk) chất vấn tại điểm cầu Đắk Lắk.

Tham dự phiên làm việc tại điểm cầu Đắk Lắk, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk) chất vấn: Trong xét xử các vụ án hình sự đã cho thấy còn nhiều trường hợp TAND các cấp xét xử sai tội danh đối với hành vi phạm tội; áp dụng không đúng điểm, khoản, điều luật áp dụng… dẫn đến mức phạt thấp hơn khung hình phạt. Đại biểu đề nghị ngành tòa án làm rõ trong những trường hợp này có hay không lỗi chủ quan hay chủ đích của thẩm phán và giải pháp nào để khắc phục tình trạng này trong toàn ngành?

Trả lời chất vấn, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, tỷ lệ hủy, sửa, áp dụng không đúng pháp luật do lỗi chủ quan dưới 1,5%... Trên thực tế, vẫn còn một số tình trạng như án hành chính chưa được thực thi, hoặc thực thi không nghiêm túc, vẫn còn tình trạng nể nang…

Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn của đại biểu. Ảnh: Quochoi.vn
Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn của đại biểu. Ảnh: Quochoi.vn

Tuy nhiên số lượng không nhiều, đại đa số các đồng chí trong ngành đều chấp hành nghiêm, xử lý đúng theo các quy định pháp luật. Các tồn tại, hạn chế như các đại biểu đã nêu xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, như việc chuẩn bị tài liệu của các bên không đủ, làm ảnh hưởng đến chất lượng xét xử.

Luật quy định UBND các cấp phải cung cấp tài liệu, tuy nhiên trong thực tế, việc cung cấp tài liệu này không đủ, không đảm bảo. Một nguyên nhân khác là sự tham gia của chính quyền các cấp trong các phiên tòa hành chính còn rất hạn chế. Chánh án TAND tối cao cho rằng, để hạn chế tình trạng cả nể, nâng cao chất lượng xét xử án hành chính, cần thực hiện, đối với vụ án kiện ở huyện thì giao tỉnh xử lý, vụ án của tỉnh thì giao tòa chuyên biệt xử…

Chất vấn Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình, đại biểu Lê Thị Thanh Xuân (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk) phản ánh thực tế tổ chức bộ máy một số tòa án chưa thực sự khoa học, thiếu đồng bộ, chưa sát thực tiễn. Đại biểu đề nghị, Chánh án TAND tối cao nêu rõ giải pháp để khắc phục những hạn chế tổ chức và hoạt động của tòa án hiện nay?

Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Xuân, Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chất vấn tại điểm cầu Đắk Lắk.
Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân, Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chất vấn tại điểm cầu Đắk Lắk.

Đặt câu hỏi chất vấn thứ hai, đại biểu Lê Thị Thanh Xuân cho rằng, việc giải quyết các vụ án hành chính còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong thu thập các tài liệu, chứng cứ. Đại biểu đề nghị làm rõ khó khăn, vướng mắc trên thuộc về cơ quan nào? Ngành tòa án có giải pháp gì để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trên?

Trả lời chất vấn về tổ chức bộ máy tòa án, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình thừa nhận mô hình tổ chức hiện nay chưa hợp lý do và đang tiến hành khắc phục bằng các giải pháp căn cơ. Chánh án TAND nêu thực tế, hiện nay một số loại án chuyên biệt đòi hỏi tính chuyên môn sâu nhưng không có thẩm phán, không có tòa chuyên trách để giải quyết, nên hiệu quả giải quyết rất khiêm tốn. Ví dụ như tòa phá sản, tòa sở hữu trí tuệ, tòa hành chính…

Vì vậy, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình đề nghị Quốc hội xây dựng các tòa chuyên biệt để chuyên xử các vụ án chuyên biệt, nhất là chuyên xử các vụ án hành chính của cấp tỉnh để khắc phục được tình trạng nể nang như đại biểu Quốc hội đã nêu. 

Toàn cảnh phiên chất vấn. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu tham dự phiên chất vấn. Ảnh: Quochoi.vn

Ngoài ra, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cũng khẳng định, tổ chức bộ máy của tòa án chưa thực sự hợp lý theo quy mô nền kinh tế, quy mô dân số và quy mô số lượng các vụ việc của Tòa án, trong khi mô hình hiện nay đang tổ chức đồng đều. Vì vậy, cần tiến hành sửa đổi bằng những giải pháp mang tính căn cơ, đặc biệt cần có tòa án khu vực để có khả năng giải quyết các vụ việc chuyên nghiệp hơn.

Đối với chất vấn của đại biểu về án hành chính, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định, tỷ lệ sửa nhiều, thi hành ít, tỷ lệ thấp hơn so với án khác – đây là những tồn tại của án hành chính. Nguyên nhân chủ quan do năng lực của thẩm phán, trách nhiệm thẩm phán; nguyên nhân khách quan do sự tuân thủ quy định của UBND các cấp đối với án hành chính: không tham gia hòa giải đối thoại, không tham gia xét xử, không cung cấp chứng cứ cho người dân theo quy luật.

Đây là hạn chế chính khiến án hành chính hiện nay không như mong muốn. Giải pháp là cần tuân thủ pháp luật; Chủ tịch UBND các cấp phải tuân thủ quy định của pháp luật, tham gia đối thoại đầy đủ, tham gia cung cấp chứng cứ, tài liệu cho người dân, nhất là tài liệu về đất đai. Việc lưu giữ hồ sơ do phòng địa chính, người dân không có hồ sơ gốc, nhưng khi người dân yêu cầu thì chậm trễ. 

Về phía tòa án sẽ nâng cao năng lực, trách nhiệm của các thẩm phán; đồng thời tăng cường xét xử các vụ án hành chính thông qua xét xử trực tuyến. Với hình thức này các Chủ tịch UBND có thể ngồi tại cơ quan tham dự phiên tòa…

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng trả lời các vấn đề liên quan đến thi hành án dân sự và thu hồi tài sản của vụ án tham nhũng.

Lan Anh
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.