Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV: Nỗ lực tháo gỡ, khôi phục hoạt động đăng kiểm phục vụ người dân và doanh nghiệp
Chiều 7/6, dưới sự chủ trì và điều hành của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội khóa XV họp phiên toàn thể tại hội trường tiếp tục chất vấn nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ và nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực giao thông vận tải (GTVT).
Chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực GTVT, các đại biểu tập trung vào các nội dung: Giải pháp hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, hạn chế tai nạn giao thông trong cả nước, giảm ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn.
Trách nhiệm quản lý nhà nước trong hoạt động kiểm định; giải pháp tháo gỡ khó khăn, nâng cao chất lượng công tác kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ, đường thủy nội địa. Quản lý hoạt động vận tải, chất lượng phương tiện; công tác đào tạo, sát hạch, cấp, thu hồi và quản lý giấy phép điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy nội địa…
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên chất vấn. Ảnh: quochoi.vn |
Trả lời chất vấn của đại biểu về cơ chế cho phép dùng ngân sách địa phương để mở rộng các tuyến đường quốc lộ xuống cấp, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, theo quy định của pháp luật hiện hành, các tuyến đường cao tốc, quốc lộ thuộc trách nhiệm của Bộ GTVT, các tuyến đường còn lại thuộc trách nhiệm của địa phương.
Nhu cầu lớn nhưng ngân sách Trung ương chỉ bố trí được khoảng 66%, không thể đáp ứng đầu tư các tuyến quốc lộ. Trong bối cảnh ngân sách Trung ương có hạn, nếu ngân sách địa phương bố trí để cùng với Trung ương đầu tư các quốc lộ thì rất tốt; Chính phủ đã đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép thực hiện cơ chế này.
Về chất vấn của đại biểu liên quan đến hoạt động đăng kiểm, Bộ trưởng cho biết, những vụ việc xảy ra trong hoạt động đăng kiểm vừa qua hết sức nghiêm trọng, gây ra hệ lụy lớn, khi doanh nghiệp, người dân phải chờ đợi trong hoạt động đăng kiểm.
Có tới 600 lãnh đạo, công chức, viên chức, đăng kiểm viên bị khởi tố; trong 281 đơn vị đăng kiểm thì có tới 106 trung tâm đăng kiểm phải đóng cửa. Vừa qua, Bộ GTVT đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để tập trung tháo gỡ, khôi phục hoạt động đăng kiểm phục vụ cho người dân và doanh nghiệp.
Bộ trưởng cho biết, ngay từ khi nhận công tác đã có nỗ lực nghiên cứu, điều chỉnh lại các quy định đăng kiểm cho phù hợp với thông lệ quốc tế, tiết kiệm thời gian và chi phí cho người dân. Bộ đang triển khai khắc phục, khôi phục hoạt động đăng kiểm, đồng thời rà soát lại toàn bộ hoạt động đăng kiểm để đảm bảo yêu cầu hiện đại, thông thoáng, chặt chẽ.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng trả lời chất vấn của các đại biểu. Ảnh: quochoi.vn |
Bộ đã ban hành Thông tư 02, trong đó đề cập đến việc miễn đăng kiểm lần đầu, giãn chu kỳ đăng kiểm để phù hợp với các quy định của các nước trong khu vực. Bộ cũng ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh khi giãn chu kỳ đăng kiểm thì không cần thiết phải khám xe rồi mới cấp tem kiểm định. Việc làm này đã làm tiết kiệm thời gian cho hơn 1 triệu lượt xe.
Bộ trưởng cho biết, còn một số việc cần làm để khôi phục hoạt động đăng kiểm. Bộ đã phối hợp với Bộ Tài chính đưa vào dự thảo luật Giá để loại bỏ giá đăng kiểm ra khỏi danh mục giá Nhà nước quản lý, để thị trường quyết định, đảm bảo thu nhập cho các đăng kiểm viên.
Bộ cũng đang tập trung tuyển dụng, đào tạo cán bộ đăng kiểm, để có đủ lực lượng bố trí trở lại tất cả các trung tâm đăng kiểm, để tất cả dây chuyền đăng kiểm khi có đủ lực lượng sẽ trở lại hoạt động bình thường.
Ngoài ra, Bộ cũng tích cực ứng dụng công nghệ thông tin để kiểm soát chặt chẽ, giảm thiểu tối đa việc kiểm định thủ công, đồng thời thực hiện việc đăng ký, đăng kiểm qua mạng, thanh toán chuyển khoản.
Trả lời câu hỏi chất vấn của các đại biểu về phương án giải quyết các dự án đầu tư theo hình thức BOT, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, các doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện đầu tư dự án BOT, tuy nhiên sau đó Nhà nước mở tuyến nhánh song song làm ảnh hưởng đến hiệu quả của các dự án đầu tư tuyến BOT. Bộ trưởng cho biết, trong quá trình phát triển đất nước, chiến lược phát triển hạ tầng giao thông đôi khi không lường hết được các khả năng.
Bộ trưởng cho biết, cách đây 10, 15 năm, nhu cầu phát triển hạ tầng giao thông rất lớn, nguồn lực có hạn, chúng ta đã tạo mọi điều kiện để mời gọi nhà đầu tư. Đến khi kinh tế - xã hội phát triển, chúng ta xây dựng những kế hoạch, chiến lược, cùng với sự phát triển thực tiễn, khi rà soát lại, ta thấy cần tiếp tục đầu tư hạ tầng giao thông, chính vì thế, nhiều dự án bị ảnh hưởng. Cụ thể, Bộ trưởng cho biết, khi hoàn thành toàn bộ tuyến cao tốc Bắc Nam phía đông, rất nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng, bị chia sẻ lưu lượng.
Ngay trong Luật PPP cũng quy định, khi một dự án đầu tư BOT của doanh nghiệp nếu doanh thu vượt quá 125% so với dự tính thì nhà đầu tư phải chia sẻ lại cho nhà nước. Nếu doanh thu thấp hơn dưới 75% so với dự tính, thì Nhà nước phải chia sẻ với doanh nghiệp. Riêng với dự án này, khi làm tuyến tránh Buôn Hồ, dự án BOT Quang Đức bị ảnh hưởng. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã có ý kiến giao Bộ GTVT nghiên cứu, trình Chính phủ phương án mua lại của nhà đầu tư.
Đây là một tồn tại, hạn chế, sắp tới, Bộ sẽ tham mưu Chính phủ trình Quốc hội cơ chế thu phần vốn nhà nước đầu tư trên các tuyến cao tốc, cơ chế xử lý với các tuyến BOT bị ảnh hưởng do Nhà nước đầu tư các tuyến cao tốc, tuyến đường tránh.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk) phát biểu tranh luận tại phiên chất vấn. Ảnh: quochoi.vn |
Phát biểu tranh luận tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk) cho biết, tại trạm thu phí BOT km 1747, năm 2018 các đơn vị trực thuộc Bộ đã có cam kết giảm giá vé sử dụng phí qua trạm BOT này trong bán kính 5km, sau đó Bộ GTVT đề xuất mua lại trạm BOT này. Tuy nhiên, tại phiên chất vấn này, Bộ trưởng khẳng định chờ đến khi nào có kinh phí sẽ mua.
Đại biểu cho rằng, trả lời như vậy không thuyết phục; đề nghị Bộ trưởng cho biết lộ trình cụ thể trước mắt. Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết việc thực hiện giảm phí sử dụng đường bộ cho người dân trong vùng bán kính 5km.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng ghi nhận và kiểm tra thực tiễn triển khai thực hiện và xử lý. Về số trạm thu phí theo Nghị quyết 612, Bộ đã triển khai nhưng nhiều vướng mắc, đặc biệt liên quan hợp động kí kết cơ quan quản lý nhà nước với nhà đầu tư. Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng nêu rõ, Nhà nước hay doanh nghiệp đều bình đẳng khi kí hợp đồng.
Thực tiễn liên quan đến các trạm thu phí, Bộ trưởng cho biết, có trạm đã xử lý được, có trạm cần tiếp tục đàm phán. Bộ trưởng nhấn mạnh phấn đấu đạt mục tiêu đề ra theo đó phải đàm phán với các bên liên quan như các ngân hàng, nhà đầu tư. Bộ trưởng cho biết thêm, thực tế một số dự án không phải lỗi do nhà đầu tư, không phải do nhà nước mà do nhu cầu thực tiễn phát sinh, yêu cầu đòi hỏi về sự phát triển nên cần mở thêm tuyến.
Trả lời về xử lý trạm BOT, Bộ trưởng cho biết Bộ là cơ quan quản lý nhà nước, Bộ làm theo quy trình, làm hết sức mình tháo gỡ triệt để bảo vệ nhà đầu tư dự án BOT nhưng do điều kiện khách quan bị ảnh hưởng quyền lợi; tất cả căn cứ vào hợp đồng để xử lý mà không phải có đặc quyền, đặc lợi cho nhà đầu tư. Đồng thời, tiếp nhận một số phản ánh của đại biểu, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết sẽ trực tiếp kiểm tra, rà soát các nội dung cụ thể…
Lan Anh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc