Lớn mạnh từ những quyết sách
Từ hạt nhân Chi bộ Đảng đầu tiên ra đời tại Nhà đày Buôn Ma Thuột vào ngày 23/11/1940, sau chặng đường 84 năm, Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk ngày càng phát triển, lớn mạnh về mọi mặt. Đó là kết tinh của những quyết sách đổi mới để lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng tỉnh Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh, bản sắc.
Từ nền móng đầu tiên
Ngày 23/11/1940, khoảng 10 chiến sĩ cộng sản kiên trung trong Nhà đày đã bí mật họp bàn, thống nhất thành lập Chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên. Chi bộ đã gieo mầm, tạo những “hạt giống đỏ” của Đảng bộ tỉnh.
Trải qua hơn 8 thập kỷ, Đảng bộ tỉnh không ngừng được xây dựng, củng cố, phát triển toàn diện. Từ Chi bộ Đảng cộng sản lúc mới thành lập năm 1940, đến sau ngày đất nước thống nhất năm 1975, Đảng bộ tỉnh có 216 tổ chức cơ sở đảng với 2.456 đảng viên. Đảng bộ đã trưởng thành lên một bước về chính trị và tư tưởng, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng kinh tế trong giai đoạn mới.
Tái hiện cảnh sinh hoạt chính trị của các chiến sĩ cách mạng tại Nhà đày Buôn Ma Thuột. Ảnh: Thế Hùng |
Bước vào thời kỳ đổi mới đất nước năm 1986, Đảng bộ tỉnh có 548 tổ chức cơ sở đảng với 11.070 đảng viên. Các tổ chức cơ sở đảng đã trưởng thành về nhiều mặt. Tuy nhiên, đến năm 2002, toàn tỉnh mới chỉ có 50,36% thôn, buôn, khối phố có chi bộ đảng và 86,43% thôn, buôn, khối phố có đảng viên. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng ở cơ sở còn yếu kém, thậm chí có nơi tê liệt, đặt ra yêu cầu cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng ở thôn, buôn, khối phố. Vì vậy, nhiệm vụ cấp bách, trọng yếu của Đảng bộ tỉnh là tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và phát triển đảng viên ở cơ sở.
Củng cố “hạt nhân chính trị” ở cơ sở
Xác định tầm quan trọng của “hạt nhân chính trị” ở cơ sở, thời điểm năm 2002, Tỉnh ủy đã ban hành nhiều quyết sách nhằm xóa tình trạng “trắng” đảng viên ở thôn, buôn, khối phối, “trắng” tổ chức đảng trong doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần với nhiều chỉ thị, nghị quyết.
Tỉnh ủy chú trọng đào tạo, luân chuyển, tăng cường cán bộ về cơ sở, bám thôn, buôn, địa bàn thông qua công tác kết nghĩa; xây dựng quy chế, lề lối làm việc, phân công nhiệm vụ cụ thể cho đảng viên nhằm “siết” hoạt động và nâng cao chất lượng của tổ chức cơ sở đảng. Phương thức tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị có nhiều đổi mới theo hướng thiết thực, hiệu quả. Các chủ trương trên được triển khai thực hiện với những giải pháp cụ thể, phù hợp đã tạo bước ngoặt trong công tác xây dựng Đảng trong toàn tỉnh.
Khi mới thành lập năm 1992, Đảng bộ xã Cư Pui (huyện Krông Bông) chỉ có 3 chi bộ trực thuộc với 33 đảng viên. Nhiều thôn, buôn, trường học trên địa bàn xã “trắng” đảng viên tại chỗ. Xã phải đối mặt với nhiều khó khăn vì tình trạng thiếu đói, bệnh tật, sốt rét, dân di cư ngoài kế hoạch. Đảng ủy xã đã phân công cán bộ, đảng viên, người có uy tín các thôn, buôn phụ trách địa bàn, nắm tình hình, vận động nhân dân, quản lý hộ khẩu, thực hiện cứu đau, cứu đói, phát hiện nhân tố tích cực để kèm cặp, giúp đỡ, giới thiệu cho các chi bộ.
Đồng chí Y Bren Êban (SN 1963), Bí thư Chi bộ buôn Bhung nhớ lại, thời điểm những năm 2000, phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn xã diễn ra sôi nổi. Thanh niên, phụ nữ, nông dân, cựu chiến binh tham gia sinh hoạt đoàn, hội sôi nổi. Qua đó, nhiều quần chúng ưu tú được phát hiện, giới thiệu cho chi bộ xem xét, kết nạp. Từ chỗ phải sinh hoạt ghép với buôn Blăk, dần dần buôn Bhung đã thành lập được chi bộ. Đến nay, Đảng bộ xã có 21 chi bộ với 273 đảng viên, tất cả các chi bộ thôn, buôn, trường học đều có đảng viên là người tại chỗ.
Không chỉ ở xã Cư Pui, chủ trương xóa “trắng” đảng viên, “trắng” chi bộ được các tổ chức đảng trên địa bàn tỉnh triển khai quyết liệt bằng những giải pháp phù hợp với thực tế. Đến cuối năm 2015, tỉnh đã hoàn thành mục tiêu 100% thôn, buôn, tổ dân phố có chi bộ và đảng viên tại chỗ.
“Nâng chất” đội ngũ cán bộ
Trải qua 17 kỳ đại hội, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đánh dấu sự đổi mới mạnh mẽ trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng Đảng với những đột phá trong từng lĩnh vực trọng tâm. Nhiều chỉ thị, kế hoạch đã được ban hành nhằm nâng cao chất lượng phát triển đảng viên, chất lượng sinh hoạt chi bộ thôn, buôn, tổ dân phố.
Đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII - đại hội với nhiều quyết sách đột phá, đổi mới. Ảnh: Hoàng Gia |
Để “nâng chất” đội ngũ cán bộ, Đảng bộ tỉnh tập trung triển khai công tác cán bộ theo đúng phương châm “động” và “mở”, chủ động trong tạo nguồn và bố trí cán bộ, thực hiện đào tạo, bồi dưỡng cán bộ gắn với vị trí việc làm, chuẩn chức danh. Đồng thời chú trọng xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số góp phần đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Công tác luân chuyển cán bộ được thực hiện cả hai chiều, từ tỉnh về huyện và ngược lại. Tỉnh tập trung đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thực hiện thí điểm hợp nhất một số cơ quan, đơn vị, thu gọn đầu mối bên trong của các cơ quan đảng, chính quyền, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập yếu kém, thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Cách thức đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý được đổi mới, có nhiều chuyển biến về nội dung, phương pháp giúp cán bộ nhìn nhận được ưu điểm, khuyết điểm, từ đó, xây dựng kế hoạch, biện pháp khắc phục, sửa chữa. Tỉnh ủy đã tổ chức thí điểm tuyển chọn bí thư cấp ủy cấp huyện và tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo một số sở, ngành.
Mạnh Quyền
Ý kiến bạn đọc