Multimedia Đọc Báo in

Nữ bí thư chi bộ thôn tận tụy với công việc

08:40, 13/03/2024

Hơn 30 năm làm công tác phụ nữ, gần 5 năm làm Bí thư Chi bộ thôn, ở cương vị nào bà Nguyễn Cửu Kim Quỳnh (64 tuổi, hiện ở thôn 5, xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông) đều luôn phát huy hết tinh thần trách nhiệm, được bà con trong thôn yêu mến.

Cuối năm 1975, bà Quỳnh cùng gia đình từ Đà Nẵng vào sinh sống tại xã Hòa Lễ. Dù cuộc sống nhiều khó khăn, song bà vẫn nhiệt tình tham gia công tác xã hội. Năm 1993, bà là Chi hội phó Chi hội Phụ nữ thôn, rồi sau đó là Chi hội trưởng cho đến nay; đồng thời bà còn kiêm nhiệm nhiều công việc khác như nhân viên y tế thôn, cộng tác viên Ngân hàng Chính sách xã hội… Năm 2014 bà được kết nạp Đảng; và từ năm 2020 được tín nhiệm làm Bí thư Chi bộ thôn 5, xã Hòa Lễ.

Thôn 5 hiện có 134 hộ, 515 khẩu, phần lớn người dân trong thôn trồng lúa và cây hoa màu. Để vận động bà con hưởng ứng xây dựng nông thôn mới, góp công góp của tu sửa nâng cấp đường làng ngõ xóm, mắc đường điện “thắp sáng làng quê”, làm nhà văn hóa cộng đồng hoặc đóng góp các loại quỹ Vì người nghèo,  Phòng, chống giảm nhẹ thiên tai…, bà đều tổ chức họp lấy ý kiến đóng góp công khai trong chi bộ, trong cuộc họp thôn, phân công đảng viên phụ trách vận động từng khu vực, những gia đình nào chưa thông suốt thì bà trực tiếp đến tận nhà giải thích, vận động... Cách làm này đã tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân. Kết quả, trong 3 năm gần đây, thôn 5 đã vận động được 104 triệu đồng cùng với kinh phí do ngân sách nhà nước đầu tư bê tông hóa hơn 1 km trục đường chính vào thôn, hai bên taluy đường là mương thủy lợi kiên cố, có thể nói đây là con đường đẹp nhất trong xã.

Bà Quỳnh cùng tập thể cấp ủy đã vận động nhân dân chung sức cùng Nhà nước bê tông hóa trục đường chính vào thôn 5.

Xác định phát triển kinh tế, cải thiện đời sống cho người dân là nhiệm vụ quan trọng, bà Quỳnh cùng với các đảng viên trong chi bộ tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, thâm canh tăng vụ, trồng cỏ phát triển chăn nuôi gia súc. Nhờ vậy, cuộc sống của người dân trong thôn ngày càng ổn định. Bà Quỳnh còn tạo mọi điều kiện thuận lợi để bà con tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội với số dư gần 5 tỷ đồng để phát triển kinh tế. Tỷ lệ hộ nghèo trong thôn giảm từ 20,1% năm 2023 xuống còn 13,4% năm 2024.

Học tập mô hình nhóm tiết kiệm ở thị xã Buôn Hồ, bà Quỳnh đã triển khai tại địa phương và đến nay xây dựng được 8 nhóm tiết kiệm với tổng số tiền 72 triệu đồng, giúp phụ nữ nghèo vay không lãi để phát triển kinh tế. Chi hội Phụ nữ thôn 5 còn vận động xây dựng quỹ Hội được 23 triệu đồng cho chị em vay với lãi suất bằng lãi suất ngân hàng, số tiền lãi sử dụng vào việc thăm hỏi, tặng quà những gia đình ốm đau, hoạn nạn trong chi hội.

Đồng chí Mai Văn Hùng, Phó Bí thư Đảng ủy xã Hòa Lễ nhận xét: “Trong hơn 30 năm qua, dù ở cương vị công tác nào thì đồng chí Quỳnh cũng luôn gần gũi, sâu sát với dân, cần mẫn với công việc. Trên cương vị là người đứng đầu cấp ủy chi bộ, đồng chí đã có nhiều cách làm hay để cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng, lãnh đạo nhân dân thực hiện hiệu quả những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, được nhân dân quý mến”.

Mai Viết Tăng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.