Multimedia Đọc Báo in

Nâng "chất” công tác tuyên truyền miệng

08:28, 22/04/2024

Để phát huy ưu thế của công tác tuyên truyền miệng, các cấp, các ngành của tỉnh đã không ngừng củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên. Và mỗi báo cáo viên, tuyên truyền viên cũng đã tự học hỏi, hoàn thiện kỹ năng tuyên truyền, vận động, thuyết phục.

Trưởng thành từ thực tế

Buổi tuyên truyền, tư vấn, giới thiệu việc làm do các cơ quan, đơn vị chức năng của tỉnh tổ chức ở xã Ea Drơng (huyện Cư M’gar) có sự tham dự của Bí thư Đảng ủy, kiêm Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy xã, đại diện các ngành, đoàn thể của xã cùng cấp ủy, tự quản, các đoàn thể 13 thôn, buôn và già làng, người có uy tín.

Những băn khoăn, thắc mắc của người dân, nhất là người dân ở 7 buôn dân tộc thiểu số về thông tin, nhu cầu tuyển dụng, các chế độ đãi ngộ, điều kiện làm việc, mức lương… đã được lãnh đạo xã và các tuyên truyền viên, cộng tác viên của các thôn, buôn “nói lại cho rõ” bằng tiếng đồng bào, giúp bà con “vỡ” ra nhiều điều.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND kiêm Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy xã Ea Drơng (huyện Cư M'gar) Y Đhuăn Mlô (bên phải) trao đổi với trưởng buôn để nắm bắt tình hình tại cơ sở.

Theo Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND kiêm Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy xã Ea Drơng Y Đhuăn Mlô, với địa bàn có 10 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào Êđê chiếm 67,5% dân số thì công tác tuyên truyền, vận động không thể chỉ theo “sách vở”.

Cùng với tham dự các hội nghị học tập, quán triệt nghị quyết, văn bản mới của Trung ương, của tỉnh, huyện bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến, các lớp tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ, đội ngũ cán bộ xã, tuyên truyền viên trên địa bàn xã còn tự học hỏi, trưởng thành từ thực tế.

Đối với từng thôn, buôn, đối tượng khác nhau cần có phương thức tuyên truyền, vận động phù hợp. Do vậy, mỗi một tuyên truyền viên đều phải tự học hỏi, tích lũy kinh nghiệm và rút ra “bí quyết” làm sao để nói cho dân hiểu.

Buôn Knir (xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin) có gần 190 hộ, đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ chiếm trên 99% dân số. Là đảng viên trẻ, năng động, anh Nguyễn Duy được tín nhiệm bầu làm trưởng buôn từ năm 2023.

Để hoàn thành vai trò của mình ở địa bàn đặc thù, anh Duy tích cực tham dự các lớp tập huấn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tự học hỏi qua các phương tiện thông tin đại chúng và quan sát cách gần dân, nói với dân của trưởng ban công tác Mặt trận và các đoàn thể buôn.

Anh Duy chia sẻ: "Mình là người trẻ, trẻ cả về tuổi đời, tuổi Đảng, kinh nghiệm công tác tại cơ sở, lại là “tay ngang”, trong khi trưởng các đoàn thể, Mặt trận đều là những người có kinh nghiệm, am hiểu địa bàn, phong tục, tập quán, hoàn cảnh của người dân. Vì vậy, mỗi khi có dịp hội họp, đi tuyên truyền tại cơ sở đều là cơ hội để mình quan sát, học hỏi, tự hoàn thiện bản thân".

Chú trọng củng cố, xây dựng đội ngũ

Trong những năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành nhiều văn bản về công tác tuyên truyền miệng và kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên thực sự trở thành lực lượng nòng cốt trong công tác tuyên truyền của địa phương.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tham mưu, xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện công tác tuyên truyền miệng; cung cấp thông tin cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp; biên tập, phát hành các loại tài liệu; tổ chức tập huấn nghiệp vụ, hội thi báo cáo viên, tuyên truyền viên. Các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc cũng đã chú trọng tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ này.

Anh Nguyễn Duy (giữa), Trưởng buôn Knir (xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin) cùng Ban công tác Mặt trận, các đoàn thể khảo sát, nắm bắt tình hình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Hiện nay, đội ngũ báo cáo viên của tỉnh được xây dựng thành ba cấp từ tỉnh, huyện đến xã. Toàn tỉnh có 5 báo cáo viên Trung ương, 50 báo cáo viên Tỉnh ủy, 486 báo cáo viên cấp huyện và 3.912 báo cáo viên, tuyên truyền viên cấp xã. Lực lượng tuyên truyền viên cơ sở là những người có kinh nghiệm thực tiễn, am hiểu phong tục tập quán vùng miền, tích cực tham gia hoạt động tuyên truyền miệng tại địa phương.

Nhờ vậy, các báo cáo viên, tuyên truyền viên đã phát huy vai trò, trách nhiệm trong công tác tuyên truyền. Nội dung, hình thức tuyên truyền đã bám sát thực tiễn, chuyển tải kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; kịp thời thông tin định hướng dư luận xã hội trước các vấn đề nóng, nhạy cảm; phản bác, vạch trần những quan điểm, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.

Theo Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lê Đình Hoan, trước sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội như hiện nay, công tác tuyên truyền miệng vẫn đóng vai trò quan trọng trong hoạt động tuyên truyền. Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp đã tích cực phát huy vai trò, hoạt động bằng nhiều hình thức, hướng mạnh về cơ sở, kịp thời tuyên truyền, định hướng, nắm bắt thông tin, diễn biến tư tưởng của các tầng lớp nhân dân, từ đó trực tiếp hoặc tham mưu cho cấp có thẩm quyền giải quyết, tháo gỡ có hiệu quả những vấn đề tư tưởng phát sinh.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả, tiếp tục phát huy thế mạnh của công tác tuyên truyền miệng, ngày 5/2/2024, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 30-CT/TW về công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới. Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng đổi mới nội dung, gắn với tăng cường tính định hướng, thuyết phục của công tác tuyên truyền miệng; đa dạng hóa phương thức, nâng cao hiệu quả các loại hình tuyên truyền miệng, hướng mạnh về cơ sở; thường xuyên kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên nòng cốt ở cơ sở.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc