Sức lan tỏa và niềm tự hào
Diễn ra từ ngày 7/3/2024, Cuộc thi tìm hiểu “Lịch sử 120 năm hình thành, phát triển tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904 - 22/11/2024)” do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu phát động và triển khai tổ chức.
Cuộc thi kết hợp đồng thời giữa hai hình thức: thi trắc nghiệm trực tuyến đối với vòng thi tuần; thi viết đối với vòng thi chung khảo. Đến nay, kết thúc Vòng thi trắc nghiệm, những kết quả đạt được đã phần nào khẳng định sức lan tỏa của cuộc thi.
Thí sinh tham gia dự thi Vòng thi trắc nghiệm. Ảnh: Hoàng Gia |
Theo thống kê của Ban tổ chức, qua 6 tuần thi của Vòng trắc nghiệm đã có 860.768 lượt người dự thi; trung bình 143.461 lượt dự thi/tuần. Trong đó, có 89.078 lượt thí sinh ngoài tỉnh đến từ 63 tỉnh thành trong cả nước (chiếm 10,3%); 771.690 lượt thí sinh trong tỉnh tham gia (chiếm 89,7%). Số lượt người tham gia dự thi qua các tuần cơ bản đều tăng (trừ tuần thứ 5). Số lượt người tham gia tuần thứ 6 gấp hơn hai lần so với tuần 1 (183.958 lượt so với 85.834 lượt).
Đảng bộ TP. Buôn Ma Thuột là đơn vị đứng đầu về số lượt người tham gia dự thi, với gần 86.000 lượt. Để đạt được kết quả này, Đảng bộ thành phố đã chủ động triển khai, quán triệt tới từng đảng bộ, chi bộ, các tổ chức chính trị - xã hội để phổ biến, tuyên truyền, động viên cán bộ, công chức, viên chức các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia. Phó Bí thư Thành Đoàn Buôn Ma Thuột Nguyễn Đức Bảo Châu cho biết: Ban Thường vụ Thành Đoàn Buôn Ma Thuột đã chỉ đạo các cơ sở đoàn trực thuộc phổ biến về thể lệ, vận động đoàn viên thanh niên (ĐVTN), hội viên tham gia Vòng thi trắc nghiệm theo các tuần; qua đó đã thu hút đông đảo ĐVTN trên địa bàn thành phố tham gia, hưởng ứng.
Ngoài TP. Buôn Ma Thuột, nhiều đảng bộ khác trong tỉnh cũng có số lượng người dự thi cao như: Đảng bộ huyện Cư M’gar (gần 64.000 lượt), Đảng bộ huyện Buôn Đôn (trên 41.700 lượt). Một số địa phương có sự tăng tốc, bứt phá về số lượt thi, chất lượng thi theo từng tuần như: Đảng bộ huyện Ea H’leo, Đảng bộ huyện Krông Ana, Đảng bộ huyện Krông Bông…
Theo nhận xét của nhiều thí sinh dự thi, ở vòng thi trắc nghiệm, nội dung tư liệu tham khảo ngắn gọn, súc tích, người đọc dễ khai thác, nắm bắt thông tin tư liệu cốt lõi. Nội dung câu hỏi hay, bám sát các sự kiện, dấu mốc quan trọng trong lịch sử hình thành, xây dựng, phát triển tỉnh Đắk Lắk, làm nổi bật truyền thống cách mạng, những thành tựu to lớn của tỉnh trong suốt 120 năm qua.
Học viên Trường Chính trị tỉnh hưởng ứng tham gia Vòng thi trắc nghiệm. (Ảnh: Ban tổ chức cung cấp) |
Anh Phan Thành Tài (giáo viên Trường THPT Krông Bông) - người vừa đoạt giải Nhất tuần 6 của Vòng trắc nghiệm cho biết: Là giáo viên đồng thời cũng là thí sinh tham gia dự thi, trong suốt thời gian qua anh đã tích cực hướng dẫn, phổ biến cho học sinh những nội dung tư liệu tham khảo để tham gia cuộc thi đạt chất lượng cao.
“Nội dung, tư liệu tham khảo cũng như các câu hỏi đều là những kiến thức bổ ích, thiết thực, gắn liền nơi mình sinh sống, cung cấp thêm thông tin cho các em về giáo dục địa phương. Điều này cũng tạo sự hứng thú hơn cho các em trong học tập, khơi dậy niềm tự hào về vùng đất Đắk Lắk giàu truyền thống cách mạng, có nhiều giá trị bản sắc văn hóa độc đáo và đầy tiềm năng phát triển, từ đó ra sức thi đua, phấn đấu, đóng góp công sức trong xây dựng, phát triển quê hương…”, anh Tài chia sẻ.
Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Huỳnh Chiến Thắng khẳng định: “Thành công bước đầu của cuộc thi đã góp phần quảng bá tiềm năng, thế mạnh về kinh tế - xã hội, các giá trị văn hóa, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, vùng đất và con người của tỉnh; đồng thời lan tỏa mạnh mẽ đến đông đảo các tầng lớp nhân dân, du khách trong nước và quốc tế về hình ảnh một Đắk Lắk vươn lên, từng bước xứng đáng vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên...”.
Lan Anh
Ý kiến bạn đọc