Giữ vững “hạt nhân” ở cơ sở (kỳ cuối)
Kỳ cuối: Đầu tư phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Là địa bàn “chiến lược của chiến lược”, thời gian qua, tỉnh Đắk Lắk, nhất là các thôn, buôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã nhận được sự quan tâm, đầu tư bằng nhiều cơ chế, chính sách sát thực, phù hợp, tạo “đòn bẩy” thúc đẩy tỉnh phát triển. Phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc phỏng vấn với đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc.
♦ Sự ổn định và phát triển vùng đồng bào DTTS là nhân tố quan trọng trong bảo đảm ổn định và phát triển của tỉnh Đắk Lắk. Vậy Đảng và Nhà nước đã có những chính sách gì đối với đồng bào DTTS của tỉnh Đắk Lắk trong những năm qua, thưa đồng chí?
Đắk Lắk là tỉnh nằm ở vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên, là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, môi trường sinh thái, quốc phòng - an ninh và đối ngoại đối với vùng và cả nước. Cùng với những chính sách, chương trình chung, những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi cùng công tác dân tộc, trong đó có Tây Nguyên và tỉnh Đắk Lắk.
Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 10-NQ/TW, ngày 18/1/2002, về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Tây Nguyên thời kỳ 2001 - 2010 với những quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp quan trọng nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Ngày 24/10/2011, Bộ Chính trị khóa XI ban hành Kết luận số 12-KL/TW về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW. Ngày 16/12/2019, Bộ Chính trị có Kết luận số 67-KL/TW về xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ngày 6/10/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó nhấn mạnh: “Phát triển Tây Nguyên nhanh, bền vững là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước”.
Hệ thống pháp luật đã tạo khuôn khổ và hành lang pháp lý, điều chỉnh cơ chế chính sách, nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng đồng bào DTTS ở Đắk Lắk.
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm lắng nghe chia sẻ kinh nghiệm thực hiện công tác dân tộc từ nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Y Luyện Niê Kđăm. |
♦ Với vai trò là cơ quan giám sát của Quốc hội về các vấn đề liên quan đến đời sống của đồng bào dân tộc, những năm qua, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã giám sát việc triển khai thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk như thế nào, thưa đồng chí?
Với quan điểm Quốc hội đồng hành, kiến tạo, cùng với Chính phủ tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội được giao chủ trì giám sát việc triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Đắk Lắk được bố trí trên 4.658 tỷ đồng, triển khai thực hiện 10 dự án bao trùm các lĩnh vực, hướng đến mục tiêu phát triển toàn diện các thôn, buôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. |
Đoàn giám sát đã tiến hành giám sát trực tiếp Chính phủ, 11 bộ, ngành liên quan và 15 tỉnh, trong đó có Đắk Lắk; tổ chức nhiều cuộc làm việc với Chính phủ, các bộ, ngành. Từ báo cáo kết quả giám sát, tại Kỳ họp bất thường lần thứ Năm, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 111 về một số cơ chế, chính sách đặc thù nhằm đẩy nhanh tiến độ, hiệu quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Bên cạnh đó, Hội đồng Dân tộc đã giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát các chuyên đề liên quan trực tiếp đến đồng bào DTTS của cả nước và tỉnh Đắk Lắk như: việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh; chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng DTTS, miền núi; hỗ trợ phát triển giáo dục vùng DTTS, miền núi; đầu tư phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh khu vực biên giới vùng DTTS và miền núi; công tác cán bộ đối với đội ngũ cán bộ DTTS giai đoạn 2016 - 2023...
♦ Vậy đồng chí đánh giá như thế nào về kết quả thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk trong thời gian qua, nhất là đối với các thôn, buôn vùng DTTS và đời sống của người dân?
Thời gian qua, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đã tạo điều kiện thuận lợi để Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng phát triển. Kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh đã đạt được kết quả khá toàn diện. Đắk Lắk đã và đang trở thành vùng sản xuất trọng điểm của một số sản phẩm nông sản chủ lực quy mô lớn; dần hình thành chuỗi phát triển du lịch sinh thái - văn hóa liên vùng đặc sắc, có sức hấp dẫn, cuốn hút du khách. Đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc Đắk Lắk ngày càng phong phú, giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của các tộc người được nghiên cứu, phục dựng, bảo tồn và phát huy, một số di tích lịch sử văn hóa được tu bổ, tôn tạo.
Việc thực hiện công tác dân tộc và các chính sách dân tộc trong thời gian qua có nhiều kết quả nổi bật, diện mạo vùng đồng bào DTTS có nhiều chuyển biến tích cực; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước được hoàn chỉnh; đáp ứng nhu cầu sản xuất và dân sinh ngày càng cao; đời sống đồng bào các DTTS ngày càng được cải thiện, tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào DTTS cơ bản ổn định.
Lãnh đạo xã Ea Tiêu (huyện Cư Kuin) động viên bà con dân tộc Êđê ở buôn Tiêu tập trung phát triển kinh tế. |
♦ Thưa đồng chí, Nghị quyết số 23-NQ/TW-NQ/TW đã xác định: “Buôn làng là một bộ phận rất quan trọng và là địa bàn chủ yếu ở cấp cơ sở Tây Nguyên". Vậy để buôn làng ổn định và phát triển, bên cạnh sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước, Đắk Lắk cần đặc biệt quan tâm phát huy vai trò của lực lượng nào?
Buôn làng ở Tây Nguyên – Đắk Lắk được liên kết, tồn tại và phát triển bởi một không gian cư trú, không gian tâm linh với tính dân chủ và tính cộng đồng cao, tạo nên nội lực để phát triển kinh tế - xã hội. Các thế lực thù địch, phản động luôn xác định đây là địa bàn trọng điểm trong chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, kích động tư tưởng dân tộc hẹp hòi, ly khai, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân.
Người có uy tín, già làng, trưởng dòng họ, các vị chức sắc tôn giáo, nhân sĩ trí thức… được cộng đồng, buôn làng suy tôn là những người “truyền lửa”, góp phần không nhỏ tạo nên sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc. Họ là những tấm gương mẫu mực, tận tụy, nhiệt tình, nói đi đôi với làm. Người có uy tín có ảnh hưởng mạnh mẽ tới cộng đồng; là “cầu nối” giữa lòng dân và ý Đảng, luật tục và luật pháp, giữa chính quyền với bà con buôn làng, góp phần quan trọng xây dựng cuộc sống mới ở địa phương. Đắk Lắk hiện có 1.021 già làng, người có uy tín. Việc phát huy vai trò của đội ngũ những người có uy tín trong cộng đồng các DTTS có ý nghĩa quan trọng đối với việc bảo tồn, duy trì phong tục tập quán, văn hóa dân tộc; bảo đảm quốc phòng - an ninh và phát triển kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh.
♦ Trân trọng cảm ơn đồng chí!
Xuân Lan – Chuyên Quỳnh (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc