Bản hùng ca tháng Ba
49 năm về trước, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã quyết định chọn thị xã Buôn Ma Thuột làm trận đánh mở đầu cho toàn chiến dịch chiến lược Tây Nguyên. Với nghệ thuật quân sự “trói địch mà đánh”, quân và dân ta đã tạo nên bước ngoặt lớn trên chiến trường, tạo cục diện mở màn thuận lợi để góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Từng là chiến sĩ trinh sát của Trung đoàn pháo cao xạ 234 (Bộ Tư lệnh B3), ông Phạm Chí Sâm (hiện sống ở TP. Buôn Ma Thuột) không thể quên khoảng thời gian cùng đồng đội trinh sát địa bàn, nắm tình hình địch. Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của ông thời điểm đó là cùng đồng đội bám nắm thực địa, cung cấp mọi tài liệu liên quan đến địch để hoàn thành sa bàn chiến lược.
Ông Phạm Chí Sâm lưu giữ cẩn thận từng huy hiệu gắn liền với thời gian binh nghiệp. |
Ông Sâm bồi hồi nhớ: “Các chiến sĩ trinh sát cùng đồng đội khi ấy đã có mặt ở những khu vực hiểm nguy, ghi nhớ rõ từng tuyến đường, vị trí, địa hình, hướng đóng quân, quy luật hoạt động của địch để mật báo thông tin, phục vụ việc xây dựng sa bàn chiến lược. Sau 7 ngày thực hiện, sa bàn bí mật đã hoàn thành.
Trước khi trận đánh Buôn Ma Thuột diễn ra, chỉ huy các trung đoàn, sư đoàn trình bày phương án quyết tâm giải phóng Buôn Ma Thuột; tập dượt phối hợp tác chiến giữa các lực lượng pháo binh, pháo mặt đất, pháo cao xạ, tăng thiết giáp, bộ binh, công binh trên sa bàn. Đến đầu tháng Ba, quân ta hủy sa bàn; các đơn vị được phân công về vị trí tập kết, chuẩn bị tiến đánh bí mật, bất ngờ, táo bạo…
Nhớ lại thời khắc chuẩn bị tham gia chiến dịch, cựu chiến binh Nguyễn Đình Thi, nguyên trợ lý Tuyên huấn Sư đoàn 10 (Quân đoàn 3) bồi hồi: Năm 1974, Sư đoàn 10 làm nhiệm vụ phòng ngự tại địa bàn tỉnh Kon Tum. Trước thời điểm bắt đầu diễn ra chiến dịch Tây Nguyên (cuối năm 1974), đơn vị ông nhận được lệnh chuẩn bị đi chiến dịch.
Còn chiến dịch ở đâu, như thế nào thì gần như bí mật hoàn toàn, bởi chỉ cần lộ lọt thông tin có thể ảnh hưởng đến sinh mạng của cả nghìn người. Cả Sư đoàn khi ấy luyện tập đánh chiếm đô thị cả ngày lẫn đêm. Khi được lệnh cấp trên, đơn vị bắt đầu hành quân từ Kon Tum tiến về khu vực tập kết bí mật để chuẩn bị cho trận đánh.
Khi Sư đoàn 10 rời đi, Bộ Tư lệnh chiến dịch đã sử dụng Sư đoàn 968 đang hoạt động ở Lào về thế vị trí đứng chân của Sư đoàn 10. Đơn vị 968 khi ấy mang mật danh của Sư đoàn 10 để đánh lạc hướng địch. Địch vẫn thường theo dõi Sư đoàn 10 qua đài thông tin 15W, vì vậy, quân ta vẫn giữ đài thông tin 15W ở lại Kon Tum để tiếp tục phát đi các thông tin giả.
Để tạo bí mật, bất ngờ, quân ta cho pháo binh bắn vào Kon Tum và Gia Lai, dùng cả Sư đoàn 968 đánh một số trận nhỏ lẻ nhằm nghi binh, lừa địch. Từ ngày 4 - 9/3/1975, quân ta tiến hành cắt các tuyến đường giao thông huyết mạch nối liền với Buôn Ma Thuột, nhằm “vô hiệu hóa”, cắt đứt, cô lập mọi tuyến đường chi viện của địch.
Cựu chiến binh Nguyễn Đình Thi kể lại thời khắc tham gia trận đánh giải phóng Buôn Ma Thuột. |
2 giờ sáng 10/3, quân ta theo kế hoạch nổ súng tiến công thị xã Buôn Ma Thuột. Tất cả có 5 mũi tiến công, trong đó mũi của Tiểu đoàn 4 (Trung đoàn 24) là mũi đánh chính, mũi tấn công chủ yếu, được trang bị hỏa lực mạnh, được giao nhiệm vụ đánh lướt những vị trí vòng ngoài, để đột kích thẳng vào Sở Chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy.
Bị tấn công bất ngờ, địch ra sức phản kháng, quân ta bị thương và hy sinh nhiều. Cựu chiến binh Nguyễn Đình Thi kể: Trong trận đánh này, có tiểu đội cắm cờ thuộc Tiểu đoàn 4 (Trung đoàn 24) đã hy sinh gần hết. Mất mát trong trận đánh còn rất nhiều, trong đó có Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 4 Trương Quang Oánh hy sinh khi đang tiến đánh vào khu gia binh, mãi đến tối 10/3, mới tìm được thi thể. Cùng với đó, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ của ta gửi lại máu xương trên chiến trường, cả Buôn Ma Thuột rung chuyển trong khói bom lửa đạn…
Đến trưa 11/3, địch không thể chống cự được, rút chạy tán loạn. Quân ta đã giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột, bắt sống Vũ Thế Quang, Tư lệnh phó Sư đoàn 23 và Tỉnh trưởng Nguyễn Trọng Luật.
Dù không tương quan lực lượng, địch quân số đông, vũ khí tối tân, hiện đại, nhưng nhờ sự chỉ đạo tài tình của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương cùng ý chí chiến đấu sắt đá, dũng cảm của quân và dân ta đã làm nên chiến thắng lịch sử Buôn Ma Thuột.
Quỳnh Anh
Ý kiến bạn đọc