Từ lời hiệu triệu lịch sử
Ngày 2/9/1945, giữa Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố trước toàn thể thế giới sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – Nhà nước công nông đầu tiên tại Đông Nam Á.
Nhưng rồi ngay sau đó, nhà nước cách mạng non trẻ của chúng ta đã phải trực tiếp đương đầu với đội quân hùng hậu của thực dân Pháp, khi chúng dã tâm cướp nước ta một lần nữa.
Đó là khi giặc Pháp liên tiếp gây ra biết bao vụ tàn sát, cướp bóc, bắn giết, hãm hại đồng bào, chiến sĩ ta ở Hải Phòng, Lạng Sơn, Hà Nội. Khắp nơi máu chảy, nhà cửa tan hoang... Chúng ta càng nhân nhượng địch càng lấn tới, tình thế càng lúc càng căng như dây đàn. Trong cuốn hồi ký “Hà Nội 60 ngày khói lửa”, Trung tướng Vương Thừa Vũ – Chỉ huy trưởng mặt trận Hà Nội thời điểm đó kể: “Đến 21 giờ 15 phút ngày 18/12/1946, quân Pháp gửi tối hậu thư cho Chính phủ ta đòi tước vũ khí Vệ quốc đoàn, tự vệ, công an và đòi kiểm soát trật tự an ninh trong thành phố. Nếu sáng ngày 20/12/1946 những điều kiện đó không được chấp thuận thì quân đội Pháp chuyển sang hành động”.
![]() |
Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Nguồn: Tư liệu TTXVN) |
Trước tình thế ấy, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp hội nghị tại Vạn Phúc (Hà Đông), khẳng định: Nhân dân Việt Nam không có con đường nào khác là cầm súng chiến đấu để bảo vệ nền độc lập, tự do vừa giành được. Đồng thời ra quyết định: Phát động toàn quốc kháng chiến! Và ngay trong đêm 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ ra “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”. Một bản hiệu triệu lịch sử, mở ra bước chuyển lớn của cách mạng Việt Nam.
Bản hiệu triệu chỉ có 199 chữ như lời hịch cứu nước mạnh mẽ và đanh thép: “...Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ... Giờ cứu nước đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước. Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta!...”.
Cũng ngay trong đêm đó, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Chỉ huy Quân đội Võ Nguyên Giáp đã phát Mệnh lệnh toàn quốc kháng chiến: “...Tổ quốc lâm nguy! Giờ chiến đấu đã đến!...”.
“Lời kêu gọi lịch sử của Hồ Chủ tịch và bản mệnh lệnh của đồng chí Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp được nhanh chóng truyền đi khắp mặt trận... Pháo của ta ở pháo đài Láng và Xuân Tảo gầm thét trút căm hờn bắn vào đầu giặc trong thành Hà Nội. Tiếng súng lớn, súng nhỏ ầm vang. Từng đám lửa bùng cháy đỏ rực thành phố. Các tổ tuyên truyền sục sôi phát đi những lời kêu gọi cứu nước...” (trích “Hà Nội 60 ngày khói lửa”). Khắp các con phố, ngõ ngách của Hà Nội diễn ra những trận kịch chiến quyết liệt giằng co gìn giữ từng tấc đất; lấy súng trường, bom ba càng, chai xăng, giáo mác, gậy gộc đấu với súng đại liên, xe bọc thép. “Tại đình làng Mọc Quan Nhân, các chiến sĩ quyết tử đứng trước bàn thờ Tổ quốc, trước cờ đỏ sao vàng chói lọi, trước chân dung Bác Hồ, nắm chắc tay giơ lên xin thề “Quyết sống chết với thủ đô”, “Quyết tử để bảo vệ Tổ quốc!”. Tiếng hát Quốc ca hùng tráng và lời thề đanh thép của những chiến sĩ quyết tử trẻ tuổi đã vang mãi trong tâm trí mọi người và đã củng cố quyết tâm, tăng thêm niềm tin sắt đá cho Bộ chỉ huy mặt trận”. Có chiến sĩ làm thơ ngay tại trận tuyến: “Ầm súng nổ/ Ầm vang nổ!/ Bốn phương trời máu sắt!/ Trai thủ đô, vùng dậy tới sa trường/ Ầm súng nổ! Giục hy sinh chiến đấu/ Đây hiện thân của trai trẻ thời Trần...”, bài thơ được in ngay trên Báo Tin tức số ra thứ Bảy ngày 28/12/1946.
![]() |
Các chiến sĩ Thủ đô đào giao thông hào (trong Bắc Bộ phủ), xây dựng chiến lũy quyết tâm đánh đuổi giặc Pháp. (Nguồn: Tư liệu TTXVN) |
Giao thừa Tết Đinh Hợi (21/1/1947), từ phòng thu thanh Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam đặt ở chùa Trầm (Hà Tây), Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc thơ chúc Tết gửi nhân dân cả nước: “Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió/ Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông/... Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi!/ Thống nhất độc lập, nhất định thành công!”. Mùng Một Tết đầu tiên của cuộc kháng chiến lâu dài, ở các căn nhà sụp đổ, trong hầm hố, chiến hào, các chiến sĩ cảm tử của Trung đoàn Thủ đô trang hoàng bàn thờ Tổ quốc, một lá cờ đỏ sao vàng nho nhỏ và bức chân dung Hồ Chủ tịch và quây quần bên nhau lắng nghe thư của Bác. Bức thư có đoạn: “Các em là đội cảm tử. Các em quyết tử để cho Tổ quốc quyết sinh. Các em là đại biểu cái tinh thần tự tôn, tự lập của dân tộc ta mấy nghìn năm để lại, cái tinh thần quật cường đó đã kinh qua Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám truyền lại cho các em. Nay các em gan góc tiếp tục cái tinh thần bất diệt đó, để truyền lại cho nòi giống Việt Nam muôn đời về sau... Các em hăng hái tiến lên, lòng Già Hồ, lòng Chính phủ và lòng toàn thể đồng bào luôn luôn bên cạnh các em”.
Bước sang tháng 2/1947, khi quân Pháp quyết định tăng viện dốc toàn lực quyết tâm đánh chiếm thủ đô thì cũng là lúc cuộc chiến đấu trong lòng Hà Nội của chúng ta đã hoàn thành xuất sắc gấp đôi yêu cầu đề ra ban đầu về thời gian, để chuyển sang giai đoạn mới của kháng chiến. Với lực lượng ít ỏi, vũ khí thô sơ, nhưng quân và dân Hà Nội trong gần 2 tháng đã liên tục chiến đấu gần 200 trận, tiêu hao và tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, làm thất bại kế hoạch “đánh nhanh, thắng nhanh” của chúng, đem lại thời gian quý báu để chúng ta di chuyển toàn bộ các cơ quan, kho tàng, vật chất với gần 40.000 tấn máy móc, nguyên liệu ra vùng căn cứ, tổ chức tản cư cho hàng chục vạn đồng bào về căn cứ xây dựng thế trận kháng chiến lâu dài.
78 năm qua, nhìn lại non sông cơ đồ và vận hội mới của chúng ta hôm nay, càng tự hào xúc động với những gì mà Đảng, Bác Hồ và quân dân ta đã kiên định đặt niềm tin sắt đá từ giữa những ngày chính quyền cách mạng non trẻ còn trong vòng vây ngặt nghèo của kẻ thù hùng mạnh hàng đầu thế giới. Niềm tin đó là “Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi!/ Thống nhất độc lập, nhất định thành công!”. Niềm tin ấy chính là hiện thân của bản lĩnh sáng tạo, trí tuệ cũng như làn sóng yêu nước, đoàn kết mạnh mẽ của toàn thể dân tộc Việt Nam. Đó cũng trở thành bài học lớn về phát huy sức mạnh đại đoàn kết trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì một Việt Nam độc lập, hùng cường, vững bước vào kỷ nguyên mới của dân tộc.
Trần Tuấn
Ý kiến bạn đọc