Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng Đảng về đạo đức: “Cái gốc” làm cho Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh

06:58, 01/12/2021

Xây dựng Đảng về đạo đức trong giai đoạn hiện nay là vấn đề bức thiết, được Đảng ta đặc biệt quan tâm, chú trọng.

Đại hội XII của Đảng đã đặt nhiệm vụ xây dựng Đảng về đạo đức ngang với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức. Quan điểm đó tiếp tục được Đại hội XIII của Đảng kế thừa, bổ sung, hoàn thiện với nhiều nội dung, giải pháp đồng bộ.

Trong phương hướng, nhiệm vụ đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng văn hóa Đảng, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xác định: “Trong những năm tới phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”.

Trong đó, xây dựng Đảng về đạo đức là nền tảng, là “cái gốc” cho Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Việc giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên được xem là khâu then chốt, một mục tiêu mà Đảng ta cần phấn đấu, làm cho Đảng luôn xứng đáng với mong mỏi của toàn dân, thực sự tiêu biểu cho “trí tuệ, danh dự và lương tâm của thời đại”.

Phải tập trung xây dựng Đảng về đạo đức, tích cực đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phát huy thật tốt trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên theo phương châm chức vụ càng cao càng phải gương mẫu.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: Đảng cũng ở trong xã hội mà ra và Đảng là do mỗi một đảng viên, do nhiều đảng viên kết lại mà thành. Vì vậy, mỗi một đảng viên trước hết phải là một công dân có đạo đức đồng thời phải thấm nhuần đạo đức cách mạng.

Từ quỹ tiết kiệm của đảng viên, Đảng bộ TP. Buôn Ma Thuột đã thực hiện được nhiều hoạt động xã hội, thiện nguyện. Ảnh: Nguyễn Xuân

Đạo đức của Đảng Cộng sản Việt Nam là đạo đức cách mạng, là hệ thống các mối quan hệ cơ bản và nội dung của các mối quan hệ đó mà người đảng viên phải nhận thức và rèn luyện để ứng xử với bản thân, với tổ chức, với Nhà nước, với nhân dân và với đồng chí, đồng bào.

Muốn có đạo đức cách mạng, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn, mọi người từ cán bộ đảng viên cấp cao xuống đến cơ sở đều phải kiên quyết chống kẻ thù bên trong là chủ nghĩa cá nhân, đồng thời phải nghiêm khắc với bản thân mà suốt đời tu dưỡng rèn luyện để xứng đáng với tư cách là đảng viên của một đảng chân chính cách mạng.

Tất cả mọi cán bộ, đảng viên dù ở bất cứ cương vị nào đều do yêu cầu của cách mạng mà tổ chức phân công, dù là chủ tịch nước, ủy viên các cấp bộ Đảng hay bộ trưởng cho đến nhân viên lái xe, quét rác... đều phải rèn luyện đạo đức cách mạng, đều phải toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân.

Trước yêu cầu công cuộc đổi mới ngày càng gay gắt, phức tạp, khi những cám dỗ vật chất, lợi dụng quyền lực ngày càng tinh vi, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhắc nhở cán bộ, đảng viên, đặc biệt là những người lãnh đạo nếu không vượt qua được chính mình, không giữ được danh dự, liêm sỉ thì không chỉ cá nhân đó mất hết mà sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến lòng tin của nhân dân đối với Đảng.

Cán bộ, đảng viên giữ chức vụ to hay nhỏ, dù ở Trung ương hay cơ sở, trước hết phải là người thật sự "cần, kiệm, liêm, chính", "chí công vô tư"; thật sự tâm huyết vì nước, vì dân, như thế mới xứng đáng là người lãnh đạo, mới thay mặt Đảng để làm công việc quản trị quốc gia, quản trị xã hội.

Đảng Cộng sản Việt Nam luôn được nhân dân tin yêu, quý trọng không chỉ vì những thành tựu vĩ đại chưa từng có trong lịch sử Đảng đã mang lại cho dân tộc, mà còn vì Đảng, tiêu biểu nhất là Hồ Chí Minh, đã là một biểu tượng cao đẹp nhất của đạo đức vì dân, trung với nước, hiếu với dân. Đảng Cộng sản Việt Nam được suy tôn là Đảng của nhân dân trước hết là vì Đảng ta là Đảng có đạo đức, tiêu biểu cho truyền thống văn hóa - đạo đức cao đẹp của dân tộc và của thời đại.

Đinh Duy Linh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.