Multimedia Đọc Báo in

Huyện M'Drắk: Hướng tới phát triển kinh tế rừng bền vững

08:44, 20/02/2022

Huyện M’Drắk có tổng diện tích tự nhiên là 133.748 ha; trong đó diện tích có rừng 72.276 ha, đất lâm nghiệp chưa có rừng là 30.223 ha.

Với đặc điểm tự nhiên nhiều diện tích đồi núi trọc, đất đai cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt, thường xuyên thiếu nước tưới nên khó canh tác các loại cây lương thực, cây công nghiệp..., chính quyền huyện M’Drắk xác định lâm nghiệp là một lĩnh vực quan trọng trong cơ cấu kinh tế của địa phương.

Khoảng 10 năm trở lại đây, nhiều vùng đất trống, đồi núi trọc, khu vực thiếu nước của huyện M’Drắk vốn trồng những loại cây ngắn ngày, hiệu quả kinh tế thấp đã được người dân, các doanh nghiệp chuyển sang trồng keo lai. Theo đánh giá của người dân, đất ở đây tuy bạc màu nhưng đặc biệt thích hợp với cây keo lai. Năm đầu xuống giống chỉ làm vài đợt cỏ, còn từ năm thứ hai cho đến khi thu hoạch thì chỉ cần chú ý phòng, chống cháy rừng vào mùa khô chứ không phải tốn thêm công gì cho rừng trồng nữa. Về hiệu quả kinh tế cũng hiếm có loại cây nào được như keo lai. Với chi phí đầu tư mỗi héc ta rừng khoảng 20 triệu đồng cho một chu kỳ 5 năm, khi thu hoạch sẽ thu về khoảng 100 triệu đồng, trừ chi phí lãi khoảng 50 - 70 triệu đồng/ha. Đến nay, huyện M’Drắk đã có khoảng 15.000 ha rừng trồng, mỗi năm khai thác khoảng 1.000 ha với sản lượng gỗ hơn 100.000 m3.

Người dân Cư Króa, huyện M'Drắk vào mùa trồng rừng.

Nhờ trồng rừng, đời sống của nhân dân trên địa bàn huyện được cải thiện rõ rệt. Hướng đi lên từ rừng là một bước ngoặt trong phát triển kinh tế địa phương, nhất là đối với người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đơn cử như ở xã Cư Króa, những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn khuyến khích, tạo điều kiện để người dân phát triển kinh tế rừng, qua đó tạo công ăn, việc làm cho nhiều lao động trên địa bàn. Theo thống kê, hiện có đến 75% số hộ trên địa bàn xã Cư Króa trồng rừng, chủ yếu là cây keo lai; tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn xã đạt khoảng 77,3%. Vào mùa cao điểm, xã Cư Króa thu hút, giải quyết việc làm cho rất nhiều lao động ở địa phương khác đến làm thuê với mức thu nhập từ 150.000 - 300.000 đồng/ngày. Nhờ kinh tế rừng, thu nhập của người dân trên địa bàn xã được nâng lên, nhiều gia đình đã thoát nghèo. Thu nhập bình quân toàn xã đạt 26 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo bình quân hằng năm giảm từ 3- 4% và hơn 10% số hộ trong xã đã có cuộc sống trung bình khá trở lên.

Tương tự, Ea Trang là xã vùng 3 của huyện M’Drắk với 98% dân số là người dân tộc thiểu số sinh sống tại 13 thôn, buôn. Những năm gần đây, cuộc sống của người dân xã Ea Trang đã có phần sung túc hơn, nhiều ngôi nhà khang trang dần mọc lên. Từ một xã có trên 80% hộ nghèo (trước năm 2000), đến nay tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 18,34%. Đó một phần là nhờ hiệu quả của việc phát triển nghề trồng rừng. Hiện nay, xã Ea Trang có trên 3.000 ha rừng trồng với trên 80% số hộ dân gắn với kinh tế rừng, trong đó có 1.380 ha đất rừng của người dân và 1.720 ha đất rừng nhận khoán của các dự án, công ty lâm nghiệp.

Từ hiệu quả kinh tế rừng nhiều hộ dân tại xã Ea H'mlay đã đầu tư chuyển đổi sang kinh tế rừng

Để phát triển kinh tế rừng bền vững, giúp người dân yên tâm gắn bó với trồng rừng, huyện M’Drắk cũng đang chú trọng công tác thu hút, khuyến khích đầu tư phát triển chế biến lâm sản. Hiện nay, địa phương đã hình thành được các chuỗi trồng rừng gắn liền với chế biến, xuất khẩu gỗ. Các doanh nghiệp đóng trên địa bàn huyện như Hợp tác xã Tiến Nam, Công ty Cổ phần trồng rừng Trường Thành M’Drắk, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp M’Drắk… đã hợp đồng liên kết trồng rừng với người dân bao tiêu sản phẩm gỗ nguyên liệu ổn định trong vùng. Riêng nhà máy gỗ dăm của Hợp tác xã Tiến Nam bình quân thu mua mỗi tháng trên 6.000 tấn keo nguyên liệu để chế biến gỗ dăm. 

Huyện M’Drắk còn tạo điều kiện cho các chủ rừng tiếp cận vốn tín dụng; lồng ghép các chương trình, dự án về phát triển kinh tế - xã hội để ưu tiên đầu tư cho trồng rừng nguyên liệu. Định hướng trong thời gian tới, huyện tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng, UBND các xã đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức tập huấn cho người trồng rừng về các giải pháp kỹ thuật nâng cao chất lượng, năng suất rừng trồng; khuyến khích người dân đẩy mạnh trồng rừng sản xuất quy mô lớn; liên kết với các doanh nghiệp chế biến trong và ngoài tỉnh để tạo vùng nguyên liệu tập trung và có đầu ra ổn định, giá cả cạnh tranh cho gỗ nguyên liệu…

Mỹ Sự

 


Ý kiến bạn đọc