Multimedia Đọc Báo in

Học cách thua để trưởng thành

14:57, 21/11/2021

Việc chưa có được điểm nào tại vòng loại thứ ba World Cup 2022 đã phản ánh được khoảng cách khá xa về trình độ giữa đội tuyển Việt Nam với các đội bóng hàng đầu châu lục. Song, thất bại cũng là cách để nhìn nhận lại vị trí của bóng đá Việt Nam trên bản đồ quốc tế, để trưởng thành hơn.

Đội tuyển Việt Nam đang có thành tích kém nhất bảng B khi đã nhận 6 trận thua liên tiếp. Mọi thứ có lẽ đã được dự báo từ trước khi đây là một sân chơi hoàn toàn khác biệt so với những gì chúng ta đã trải nghiệm. Huấn luyện viên (HLV) Park Hang-seo cũng thừa nhận: “Tôi cho rằng nếu Việt Nam tham vọng ở vòng loại này thì đó là quá sức”.

Tuy chưa thể giành chiến thắng nhưng màn trình diễn của toàn đội đều cho thấy sự quyết tâm cho đến phút giây cuối cùng. Vấn đề cốt lõi là chúng ta vẫn chưa thể vươn tầm châu lục.

Quang Hải và đồng đội đã có hai trận đấu rất hay trước Nhật Bản và Ảrập Xêút. Ảnh: Hoàng Linh

Bóng đá Việt Nam đã có những khoảng thời gian thăng hoa với những chiến tích lịch sử. Tuy nhiên, men say chiến thắng đôi khi đã khiến chúng ta quên đi vị trí vốn có của mình hiện tại. So sánh với chính Thái Lan cách đây 4 năm khi họ cũng lọt vào vòng loại thứ ba World Cup, thành tích của Việt Nam còn tệ hơn khi Thái Lan đã giành được 2 điểm còn chúng ta vẫn chưa thể có điểm số đầu tiên.

Có thể thấy trong hai trận gần đây (trước Nhật Bản và Ả Rập Xê Út), các cầu thủ đã cởi bỏ được gánh nặng tâm lý. Họ đá bóng với sự tự tin cùng cầu thị học hỏi, chỉ để thua 0-1 trong thế trận đáng nể. Đấy là điều các cầu thủ trẻ U23 cần suy ngẫm, bởi lứa đàn em vẫn còn rất non trong tác phong chơi bóng. Họ cần hạn chế những phản ứng thiếu kiềm chế trên sân.

Nên nhớ, Trung Quốc đã vật lộn gần 20 năm vẫn chưa thể trở lại sân chơi World Cup. Iraq, Qatar, UAE… cũng cạnh tranh rất gay gắt để khẳng định vị trí của mình tại châu lục. Vậy nên, hành trình lần đầu tham dự vòng loại World Cup của đội tuyển Việt Nam mới chỉ là bước khởi đầu để trải nghiệm sức mạnh đích thực của đẳng cấp châu Á.

“Để đội tuyển Việt Nam tiến lên thì không gì khác, chúng ta phải tiến vào vòng loại cuối cùng trong những giải đấu tiếp theo một cách thường xuyên hơn nữa. Đó là mục tiêu lớn mà bóng đá Việt Nam cần có những phương án cụ thể” - HLV Park Hang-seo trải lòng.

Để làm được điều này, cần phải xây dựng từ gốc rễ mà cụ thể ở đây là công tác đào tạo trẻ. Bóng đá Việt Nam đã thành công với lứa cầu thủ sinh năm 1995 - 1998, nhưng từ đó về sau vẫn chưa thể trình làng thêm những cầu thủ tiềm năng nào khác. Trên hàng công, thiếu hẳn  các chân sút “chân tiền”. Những chấn thương liên tiếp của Đình Trọng, Văn Hậu và nghiêm trọng nhất là Hùng Dũng đã khiến sức mạnh của đội tuyển Việt Nam giảm đi trông thấy. Đó còn chưa kể sự sa sút của những Văn Thanh, Phan Văn Đức, Hồng Duy…

Nhìn vào cấp độ trẻ khi U23 Việt Nam thi đấu tại vòng loại U23 châu Á, "cái bóng" quá lớn tại Thường Châu năm nào đang để lại những áp lực lên vai các cầu thủ trẻ. Tuy giành chiến thắng sau 2 lượt trận nhưng cái cách mà U23 Việt Nam thể hiện vẫn chưa thực sự đem lại sự an tâm cho người hâm mộ, nhất là khi đây chính là tương lai của bóng đá nước nhà.

Vấn đề của bóng đá Việt Nam còn nằm ở V-League, nơi cần ươm chồi cho các vị trí cốt tử như tiền đạo. Rất ít khi thấy các cầu thủ trẻ Việt Nam được thi đấu tại V-League và hạng Nhất. Và không thể trông chờ chỉ trong một thời gian ngắn mà trình độ của các cầu thủ có thể nhảy vọt lên được. Cơ hội cần được tạo ra nhưng những áp lực về thành tích đôi khi lại khiến các câu lạc bộ cân nhắc.

Bóng đá Việt Nam sắp tới sẽ hướng đến những mục tiêu như U23 châu Á, ASIAD và quan trọng nhất là bảo vệ hai chức vô địch tại SEA Games và AFF Cup. Tấm gương của bóng đá Thái Lan vẫn còn đó, VFF cần thận trọng và phát triển có kế hoạch, bền vững. Bởi đạt đến đỉnh vinh quang đã khó, giữ vững trên đỉnh vinh quang ấy thậm chí còn khó hơn.

Mong sao thầy trò HLV Park Hang-seo sớm củng cố chuyên môn, tinh thần để bước vào cuộc chiến bảo vệ ngai vàng AFF Cup vào tháng 12 này.

Phong Uyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.