Multimedia Đọc Báo in

Chuyển biến trong quản lý, bảo vệ rừng ở Ea Súp

11:14, 30/11/2021

Huyện Ea Súp có hơn 146.290 ha diện tích đất rừng và đất quy hoạch phát triển rừng (chiếm 20% đất lâm nghiệp toàn tỉnh), trong đó đất có rừng gần 74.315 ha, còn lại là đất chưa có rừng, độ che phủ đạt 42%.

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR), Huyện ủy Ea Súp đã có Nghị quyết số 09-NQ/HU, ngày 4/4/2017 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong triển khai các giải pháp cấp bách QLBVR và đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện.

Thực hiện chủ trương này, huyện Ea Súp đã yêu cầu các cấp ngành, đơn vị chủ rừng, doanh nghiệp tăng cường trách nhiệm quản lý rừng và đất lâm nghiệp; kiên quyết xử lý các đơn vị chủ rừng còn để xảy ra vi phạm mà không có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu. Cùng với đó, các xã, cơ quan chức năng và tổ chức, cá nhân liên quan kiểm điểm làm rõ trách nhiệm để xảy ra mất rừng; kiểm tra, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm lâm luật. Nhờ đó, diện tích rừng bị suy giảm, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái pháp luật giảm nhiều so với thời điểm năm 2015 trở về trước.

Đoàn công tác của Huyện ủy Ea Súp kiểm tra hiện trạng rừng tại xã Ea Bung.

UBND huyện Ea Súp cũng đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp với các xã và chủ rừng kiểm tra, ngăn chặn tình trạng khai thác, tập kết lâm sản trái phép tại khu vực giáp ranh giữa huyện Ea Súp với huyện Ea H’leo và một số địa bàn thuộc tỉnh Gia Lai; phá bỏ hàng rào, lều, lán trại, nhổ bỏ cây trồng trái phép trên đất lâm nghiệp. Đồng thời, kiểm tra các xưởng chế biến gỗ trên địa bàn, kiên quyết xử lý những xưởng hoạt động bất hợp pháp và sử dụng nguồn nguyên liệu không rõ nguồn gốc, tiếp tay cho các đối tượng phá rừng.

Từ năm 2017 đến nay, cơ quan chức năng huyện Ea Súp đã phát hiện, xử lý 526 vụ vi phạm, tổng số tiền xử phạt hơn 3,4 tỷ đồng, tịch thu hơn 1.056 m3 lâm sản, 181 phương tiện máy móc các loại... Bên cạnh đó, 55 vụ phá rừng chưa xác định đối tượng vi phạm hành chính, Hạt Kiểm lâm huyện đang phối hợp với UBND các xã, đơn vị chủ rừng kiểm tra toàn bộ tang vật vi phạm của từng vụ việc để xử lý theo quy định.

Với những diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng địa phương thống kê, rà soát phân loại đối tượng để thu hồi 380 ha. Từ đầu năm 2021 đến nay, huyện Ea Súp đã xử lý 63 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, trong đó có 40 vụ vận chuyển gỗ, lâm sản trái phép, 15 vụ mua bán, tàng trữ lâm sản trái phép, 4 vụ phá rừng...

Một khoảnh rừng tại huyện Ea Súp bị chặt phá.

Thời gian qua, Huyện ủy Ea Súp cũng đã chỉ đạo các ngành chức năng, cấp ủy, chính quyền thường xuyên phối hợp các xã kiểm tra công tác QLBVR của các dự án nông, lâm nghiệp. Cụ thể, trên địa bàn huyện hiện có 26 dự án được thuê đất, thuê rừng, với tổng diện tích hơn 16.830 ha. Các dự án này đa phần không hiệu quả, một số doanh nghiệp buông lỏng quản lý nên để mất rừng và đất rừng bị lấn chiếm, do đó, huyện đã kiến nghị tỉnh xem xét, xử lý, thu hồi dự án không thực hiện đúng tiến độ và các quy định của pháp luật.

Theo Phó Bí thư Huyện ủy Ea Súp Y Sáo Byă, địa phương gặp nhiều khó khăn trong công tác QLBVR, do diện tích rừng lớn, địa bàn rất rộng, trong khi tổ chức hoạt động của lực lượng bảo vệ rừng, nhất là kiểm lâm còn mỏng. Tình trạng dân di cư tự do liên tục tăng đã gây áp lực rất lớn lên rừng.

Bên cạnh đó, một số địa phương chưa làm tốt nhiệm vụ QLBVR và đất lâm nghiệp; việc giao khoán quản lý, bảo vệ rừng cho các nhóm hộ và các doanh nghiệp chưa hiệu quả; nhiều chủ rừng thiếu quyết liệt trong công tác giữ rừng. Thời gian tới, huyện sẽ tăng cường thanh kiểm tra, giám sát về QLBVR và đất lâm nghiệp; chú trọng công tác phối hợp giữa chính quyền các xã, thị trấn và đơn vị chủ rừng, không để xuất hiện các "điểm nóng" về phá rừng và lấn chiếm đất lâm nghiệp.

Minh Chi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.