Multimedia Đọc Báo in

Thức tỉnh sau những lầm lỡ...

06:29, 11/12/2022

Những năm qua, trên địa bàn huyện M’Drắk có nhiều người dân vì nghe lời kẻ xấu dụ dỗ đã vượt biên trái phép ra nước ngoài. Nếm trải thực tế phũ phàng nơi đất khách, họ tỉnh ngộ, tìm cách hồi hương và được chính quyền, bà con buôn làng, thôn xóm bao dung đón nhận…

Tan mộng về "miền đất hứa"

Ngôi nhà nhỏ của gia đình anh Thào Seo Mùa nằm giữa những cánh rừng keo xanh ngút ngàn ở xã Cư Króa. Giữa căn nhà nhỏ ấm áp và đầy ắp tiếng cười của trẻ thơ, anh Mùa vẫn còn bàng hoàng khi nhớ lại những chuỗi ngày cùng cực nơi đất khách.

Anh kể: Cuối năm 2011, vì nhẹ dạ, cả tin nghe theo kẻ xấu dụ dỗ, lôi kéo, vợ chồng anh đã lén bán hết tài sản và một số đất đai, vườn tược vượt biên trái phép sang Lào với ảo tưởng về cuộc sống sung túc nơi xứ người.

Tuy nhiên, sau khi sang nước bạn mới thấy cuộc sống khác xa với những viễn cảnh mà bọn xấu thêu dệt nên. Cả nhà anh phải thuê phòng trọ để ở. Không biết tiếng Lào, không có việc làm, đói khát, khổ cực rồi số tiền dành dụm từ việc bán tài sản ở quê nhà dần cạn kiệt, cả gia đình anh phải sống chui lủi trong các khu tạm cư. Do nhập cư trái phép, anh phải lén lút làm thuê, bị chủ lao động bóc lột, chiếm đoạt thù lao; các con anh không được đến trường, thất học.

Qua công tác nắm tình hình, lực lượng công an đã nắm được hoàn cảnh của gia đình anh Mùa, thông qua người thân liên lạc, tuyên truyền, vận động, hỗ trợ kinh phí để gia đình anh được hồi hương. Năm 2013, khi về nước, do trước đó đã bán hết tài sản nên đời sống gặp nhiều khó khăn, lại tự ti, mặc cảm, nhiều lúc gia đình anh Mùa tưởng chừng không thể vượt qua. Nhưng cán bộ công an và chính quyền địa phương luôn quan tâm, động viên vợ chồng anh, đồng thời tuyên truyền, giải thích để bà con làng xóm đón nhận, cảm thông cho hoàn cảnh của gia đình anh. Nhờ vậy, anh Thào Seo Mùa và gia đình dần xóa bỏ mặc cảm, tự ti, chăm chỉ, chí thú làm ăn. Từ tay trắng trở về, đến nay vợ chồng anh đã mua được đất canh tác, làm lại nhà, đầu tư trồng rừng, các con cũng đã được đến trường. Nếm trải những ngày tháng cơ cực, đói khát nên vợ chồng anh Mùa luôn trân trọng cuộc sống hiện tại. “Không đâu bằng nhà mình, làng mình hết” - anh Mùa đúc kết.

Niềm vui của anh Thào Seo Mùa (bìa phải) khi được trở về quê nhà.

Cũng may mắn trở về sau khi "mộng vàng" tan trong chuỗi ngày cùng cực nơi đất khách, ông Y Brik Ksơr (xã Cư Mta) vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại hành trình của mình. Đầu năm 2019, được người em họ rủ rỉ nói về "miền đất hứa" xứ Chùa Vàng (Thái Lan) với những công việc nhẹ nhàng mà kiếm được rất nhiều tiền, ông vượt biên trái phép sang xứ người. Đến đất Thái Lan, do không biết tiếng bản địa và đường đi lối lại nên Brik Ksơr phải làm đủ thứ việc để đổi lấy chén cơm qua ngày. Ông làm quần quật từ sáng tới tối, với hàng tá công việc từ khuân vác đồ nặng đến xúc rác, dọn nhà vệ sinh… và phải làm lén lút, vì vậy tiền công kiếm được cũng chẳng đáng là bao. Sau những ngày lang thang vô nghĩa, ông Brik Ksơr được nhận vào "trại tị nạn", nhưng cuộc sống cũng chẳng khá hơn là bao. Được sự giúp đỡ của Đại sứ quán Việt Nam và Cao ủy Liên hiệp quốc về người tị nạn tại Thái Lan, tháng 2/2021 ông Y Brik Ksơr đăng ký tự nguyện hồi hương sau 3 năm vượt biên.

Thức tỉnh những người ảo vọng

Trở về đoàn tụ với gia đình, Y Brik Ksơr được chính quyền địa phương và bà con buôn làng tạo điều kiện giúp đỡ, nhanh chóng ổn định cuộc sống. Nhận ra sai lầm của mình, ông Y Brik tích cực tham gia cùng các ban, ngành, đoàn thể địa phương tuyên truyền để bà con hiểu hơn về âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch và không vướng vào sai lầm giống mình. “Tôi kể lại hành trình của bản thân, những ngày tháng bị bỏ đói nơi đất khách để bà con hiểu rõ. Tôi cũng khuyên bà con nên cố gắng lao động, đừng nghe theo lời kẻ xấu xúi giục, lôi kéo, chỉ rước khổ vào thân”, ông Y Brik trải lòng.

Công an huyện phối hợp tổ chức tuyên truyền pháp luật cho người dân thôn 9, xã Cư Króa.

Theo thống kê, những năm qua trên địa bàn huyện M’Drắk có gần 100 trường hợp là người dân tộc thiểu số vượt biên sang các nước như: Campuchia, Thái Lan hiện đã hồi hương. Trung tá Hồ Phi Nam, Phó Trưởng Công an huyện M’Drắk cho biết: Đối với những công dân hồi hương trở về địa phương, Công an huyện đã chủ động triển khai cho các đội nghiệp vụ có liên quan và Công an các xã, thị trấn, địa bàn nơi công dân hồi hương về cư trú, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho bà con sớm ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng. Đồng thời, Công an huyện M’Drắk chủ động, thường xuyên phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể của huyện, chính quyền cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho người dân trên địa bàn huyện. Lựa chọn nội dung tuyên truyền phù hợp với đặc thù từng thôn, buôn, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền gắn với các cuộc vận động, phong trào, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời củng cố và phát huy vai trò của lực lượng làm công tác giữ gìn an ninh trật tự tại cơ sở và các đoàn thể trong công tác quản lý, giáo dục các đối tượng vi phạm pháp luật…

Có thể nói, với các chính sách nhất quán của Đảng và Chính phủ Việt Nam, sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị từ địa phương đến cơ sở đã góp phần nâng cao nhận thức cho người dân, giảm thiểu tình trạng vượt biên trái phép sang nước ngoài. Minh chứng, từ năm 2017 trở lại đây, số người vượt biên tại huyện M’Drắk đã giảm rõ rệt. Trong năm 2022, Công an huyện M’Drắk chỉ tiếp nhận hồ sơ 1 hộ, 3 khẩu vượt biên sang Thái Lan, sau đó hồi hương về Việt Nam. Điều đáng ghi nhận là các đối tượng lầm lỡ sau khi trở về địa phương, với sự khoan hồng của pháp luật, sự đùm bọc của buôn làng, sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương, họ đã sớm hòa nhập với cộng đồng, chí thú làm ăn, phát triển kinh tế gia đình.

Mỹ Sự


Ý kiến bạn đọc