Multimedia Đọc Báo in

Vùng sâu và những "món nợ"...

09:00, 15/01/2023

Là phóng viên, trách nhiệm và cũng là diễm phúc của chúng tôi là được đi, trải nghiệm ở nhiều nơi. Trên hành trình của đam mê ấy, tôi có ấn tượng đặc biệt, trăn trở, day dứt và cả những "món nợ ân tình" với những địa bàn vùng sâu, vùng xa.

Khách quý ở Đắk Sa

Buôn Đắk Sa, xã Đắk Nuê là một trong những địa bàn xa xôi, cách trở và khó khăn nhất của huyện Lắk, nơi tập trung hàng trăm hộ dân di cư từ các tỉnh miền núi phía Bắc vào. Khi chúng tôi liên hệ với chính quyền địa phương để làm việc, các anh tỏ ra phấn khởi vì “lâu lắm mới có nhà báo về đây”. Tuy nhiên, đồng chí Bí thư Đảng ủy cũng như Chủ tịch UBND xã bày tỏ lo lắng và ái ngại vì đang là mùa mưa, đường vào buôn trơn trượt; hơn nữa, bà con ở đây đa phần đều khó khăn, đêm ở lại sẽ rất bất tiện… Các anh lãnh đạo địa phương đưa chúng tôi vào đến đầu buôn lúc quá trưa và chờ xe máy ra "tăng bo" vào. Lúc này trời xám xịt, có vẻ sắp mưa. Trưởng buôn Ma A Páo lo lắng: “Nhà báo vào buôn mà đêm nay mưa thì kẹt lại luôn trong đó”. Thấy chúng tôi không do dự, mọi người cùng lên đường.

Buôn Đắk Sa có chừng vài trăm ngôi nhà nằm giữa lưng chừng những quả đồi. Có lẽ lâu rồi chẳng có khách lạ vào đây, nên chúng tôi được đón tiếp bằng những ánh mắt dò xét. Mấy người dẫn đường đưa phóng viên vào căn nhà gỗ làm theo kiểu của người Tày đã được dọn dẹp sạch sẽ, tinh tươm. Sau màn chào hỏi, anh bạn đồng nghiệp đi dạo quanh buôn cùng những bịch bánh kẹo làm quà cho các em nhỏ ở đây. Tôi cùng mấy anh người bản địa đi mua ít thịt, rau về chuẩn bị bữa tối đơn giản. Xong xuôi, chúng tôi xách máy đi tác nghiệp với nhiệm vụ ghi lại chuyện học của trẻ con ở buôn. Mới 6 giờ chiều mà ở đây đã tối mịt. Bên ánh đèn leo lét hay bếp lửa đang đỏ, những em nhỏ vùng sâu vẫn say sưa cùng trang sách. Tiếng ê a học bài vang lên trong những căn nhà nhỏ giữa không gian tĩnh mịch. Ở đó có ông bố trong cảnh “gà trống nuôi con” đang vui sướng khi nhìn con học bài, có cô chị tuổi mới lên 10 uốn nắn từng nét chữ cho các em…

Phóng viên Báo Đắk Lắk tác nghiệp tại buôn Đắk Sa, xã Đắk Nuê (huyện Lắk).

Tác nghiệp xong, chúng tôi về lại nhà. Khi ấy, chủ nhà là chị Triệu Thị Hiền vừa đi rẫy về. Xởi lởi chào khách xong, chị tất tả ra bắt con gà làm thịt, rồi lại vào nhà chuẩn bị chăn gối cho ba phóng viên nghỉ lại. Bữa tối hôm ấy ở nơi hẻo lánh, đầy thiếu thốn này lại rất đủ đầy. Sự chân thành, cởi mở cùng lòng hiếu khách của bà con ở đây khiến chúng tôi có cảm giác như đã quen nhau từ lâu rồi. Mỗi người mỗi quê, mỗi hoàn cảnh, ấy vậy mà những câu chuyện cứ liên tục không dứt bên ly rượu cho đến quá nửa đêm. Đó là chuyện học của con trẻ, chuyện sản xuất của người dân, là ước mơ có cái sổ hộ khẩu, ánh sáng điện. Và rồi như quên hết những khó khăn, thiếu thốn, thẳm sâu trong lòng của bà con là niềm mong nhớ quê nhà với tuổi thơ nghèo khó bên núi đá và cái lạnh tê buốt vùng Tây Bắc...

“Nhà báo nhớ lời bà con nhé…”

Khi nhắc đến cái tên Bình Lợi – ngôi làng nằm lọt thỏm giữa rừng, thuộc xã Cư Mlan, huyện biên giới Ea Súp, hẳn nhiều người sẽ có cảm xúc đặc biệt. Có người thì ám ảnh không muốn quay trở lại. Người thì háo hức muốn đi. Khi chúng tôi có ý định vào thôn, hai người đàn ông địa phương dẫn đường ái ngại: “Mùa này đường kinh khủng lắm. Nhà báo mà đi thì chưa chắc đã vào được, có khi đến nơi thì kẹt luôn ở đó!”.

Tác giả trong chuyến đi thực tế ở thôn Bình Lợi (xã Cư M'lan, huyện Ea Súp). Ảnh: Đức Hạnh

Đường vào Bình Lợi mùa mưa quả là gian khổ. Con đường đất lầy lội nhiều chỗ bị xói tạo nên những vũng lớn. Có đoạn dốc, bùn đất ngập đến lốc máy. Chiếc xe máy cài số 1 nhưng phải người điều khiển, người đẩy mới qua được. Đoạn đường đỡ lầy hơn thì lởm chởm đá, chỗ thì trơn trượt khiến xe liên tục quay ngang. Từ trung tâm xã Cư Mlan vào đây chỉ tầm 20 km, nhưng chúng tôi vật lộn hết một tiếng rưỡi mới đến nơi. Bình Lợi bây giờ mang diện mạo khác hẳn. Những ngôi nhà mái Thái khang trang mọc lên nhiều, quán xá dịch vụ cũng sầm uất. Quanh làng là những rẫy cà phê, tiêu, cao su hay bắp, sắn xanh mướt.

Theo người dân ở đây, "hành trình" của thôn nhỏ này cũng lắm ly kỳ. Khoảng 20 năm trước, vùng đất thuộc Tiểu khu 265, Công ty Lâm nghiệp Chư Ma Lanh còn là rừng rậm rạp. Vài chục bà con người Dao, Tày, Nùng, Mông ở các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh dắt díu vào đây dựng lều tranh vách nứa sinh sống. Cuộc sống ở đây thiếu thốn trăm bề, hạ tầng điện, đường, trường trạm chẳng có gì. Có khi mấy tháng trời mới ra huyện, xã mua ít mắm, muối, cá khô, vì mấy con suối quanh làng bị ngập, chia cắt với bên ngoài. Người đầu tiên “khai thiên lập địa” vùng này là bà Bàn Diệu An Kỳ - người phụ nữ dân tộc Dao quê ở huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh. Bà là người mạnh mẽ, biết tiếng phổ thông, rành rẽ tiếng các dân tộc phía Bắc, tính lại quảng đại, hay giúp người nên được bà con ở đây tôn trọng coi là “trưởng làng”. Có thời điểm, huyện Ea Súp đã tuyên truyền, vận động người dân về xã Cư Kbang có giao thông thuận lợi hơn và cũng để dễ quản lý về hành chính. Chỉ được một thời gian, người dân lại quay về làng cũ vì không thích nghi được chỗ mới. Năm 2011, UBND huyện Ea Súp quyết định thành lập thôn Bình Lợi, trên cơ sở làng cũ với 96 hộ ban đầu.

Trưởng thôn Bình Lợi là anh Lý Tòn Chuống, một người dân di cư tự do gắn bó với vùng đất này chừng 10 năm. Anh bảo rằng, cuộc sống ở đây khá hơn trước nhiều, có điện lưới quốc gia, trẻ con có trường học… “Nhưng thật ra, đất ở đây vẫn là đất rừng. Khổ nhất là hộ khẩu không có, đất ở chưa hợp pháp nên muốn làm giấy kết hôn, khai sinh, mua xe hay thủ tục vay vốn cũng khó. Nhà báo nhớ lời này để viết bài cho bà con được nhờ nhé”, anh Chuống gửi gắm tâm sự.

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.