Multimedia Đọc Báo in

Hết lòng vì sức khỏe nhân dân

08:13, 27/02/2023

Khối lượng công việc nhiều, áp lực công việc cao, môi trường làm việc tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, nhưng lực lượng cán bộ y, bác sĩ, nhân viên y tế trên địa bàn tỉnh luôn sẵn đảm nhận nhiệm vụ, nỗ lực vượt khó hoàn thành tốt sứ mệnh bảo vệ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Nữ tuyên truyền viên khoác áo blouse trắng

Kể từ khi bén duyên với ngành y, hơn 16 năm qua, chị Đặng Thị Mỹ Hạnh (Trạm phó Trạm Y tế xã Đắk Nuê, huyện Lắk) đã không ngại khó, ngại khổ bám buôn, bám bản, nắm rõ từng đường làng, ngõ xóm, đặc điểm của từng hộ gia đình để có giải pháp tuyên truyền phù hợp.

Đắk Nuê là xã vùng III của huyện Lắk, có gần 70% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Ở một số thôn, buôn, nhiều chị em phụ nữ mới mười tám, đôi mươi nhưng đã có mấy mặt con. Với tâm lý “trời sinh voi, trời sinh cỏ”, người dân không mấy mặn mà với các biện pháp kế hoạch hóa gia đình. Trước thực trạng đó, chị Hạnh cùng các nhân viên Trạm Y tế xã Đắk Nuê, cộng tác viên dân số tích cực “đi từng ngõ, gõ từng nhà” nắm bắt hoàn cảnh gia đình, tư tưởng, môi trường sống để đưa ra cách tuyên truyền, vận động cho phù hợp.

Chị Đặng Thị Mỹ Hạnh (bìa phải) tuyên truyền người dân phòng, chống dịch sốt xuất huyết.

Nói thì dễ nhưng đi vào thực tế mới thấm cái vất vả của chị Hạnh cùng đồng nghiệp. Với những địa bàn xa trung tâm xã, đường sá gập ghềnh, xác định mỗi lần đi là một lần khó nên trong những lần thực hiện công tác tiêm chủng mở rộng, chị cũng lên kế hoạch để lồng ghép tuyên truyền với chị em khi mang thai phải đến trạm y tế khám thai và khi sinh con phải đến cơ sở y tế để sinh cho an toàn; giải thích vận động các bà mẹ, chị em có con nhỏ đưa con đi tiêm chủng đầy đủ, đúng thời gian; tuyên truyền giải thích lợi ích của việc kế hoạch hóa gia đình, khi ốm đau nên đến trạm y tế để khám chữa bệnh...

Những chuyến đi này, chị Hạnh phải đi từ rất sớm, khi đến tuyến đường lầy thì gửi xe tại nhà dân rồi mang ủng, tay lỉnh kỉnh xách dụng cụ y tế đi bộ đến điểm tập trung; hôm nào may mắn hơn thì đi nhờ xe máy cày của người dân. Thời gian tiếp xúc với người dân ở những buôn làng có tính chất đặc thù thường không nhiều vì bà con mải việc đồng áng, nên có những khi chị Hạnh cùng đồng nghiệp phải đến tận nương rẫy để tuyên truyền.

Trước những việc làm bình thường nhưng đầy ý nghĩa ấy, chị em phụ nữ cũng như người dân trong xã đã dần nhận thức được trách nhiệm của mình về công tác y tế đối với gia đình và cộng đồng. Nhờ đó các bà mẹ đã đưa con đến tiêm chủng mở rộng đầy đủ hơn. Hầu hết phụ nữ có thai đã đến khám thai và sinh con tại cơ sở y tế. Năm 2022, trạm tiếp nhận 26 trường hợp sinh con tại trạm, tăng gấp 4 - 5 lần so với trước đây. Sức khỏe nhân dân ngày càng được nâng lên, tỷ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm được kiềm giảm, không để phát sinh các ổ dịch.

Nữ bác sĩ của buôn làng

Trong vô vàn những điều đáng nhớ ở thời điểm dịch bệnh COVID-19 bùng phát, người dân (xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin) ắt hẳn không thể quên hình ảnh bác sĩ H'Jăn Niê (Trạm trưởng Trạm Y tế xã Ea Tiêu) nhanh nhẹn, linh hoạt, bất chấp nguy hiểm luôn sẵn sàng đi vào tâm dịch để thực hiện nhiệm vụ.

Từ năm 2004, khi về công tác tại Trạm Y tế xã Ea Tiêu, chị H'Jăn Niê đã phát huy vai trò, trách nhiệm trong công việc và luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ, kế hoạch đề ra. Đóng trên địa bàn xã có 24 thôn, buôn, dân số trên 24.000 người, toàn trạm chỉ có 9 cán bộ, nhân viên, song với trách nhiệm đứng đầu, chị H’Jăn luôn chủ động xây dựng kế hoạch, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng cán bộ để thực hiện có hiệu quả. Bản thân chị cũng luôn cố gắng nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, đồng thời kề vai sát cánh cùng đồng nghiệp trong công việc. Khi "làn sóng" dịch COVID-19 bùng phát và Ea Tiêu nhiều lần rơi vào “vùng đỏ” với nhiều ca dương tính không rõ nguồn lây, chị và đồng nghiệp đã làm việc quên ăn, quên ngủ, xuyên đêm để truy vết tại cộng đồng, khoanh vùng phân loại đối tượng. Chị H’Jăn tâm sự: “Khi dịch bùng phát, tất cả các anh chị em trong trạm đều không được về nhà, phải cách ly với người thân. Là một người mẹ, người vợ, đôi khi nhớ gia đình tủi thân bật khóc nhưng đành nén lại để hoàn thành nhiệm vụ. Tuy nhiên, mỗi lần thấy người bệnh nhận kết quả xét nghiệm âm tính, sức khỏe ổn định, anh chị em trong trạm lại động viên nhau, lấy đó là niềm vui, động lực để tiếp tục cố gắng”.

Chị H'Jăn Niê (bìa phải) tuyên truyền phòng, chống các loại dịch bệnh cho người dân trên địa bàn

Thời điểm này, toàn trạm đang tích cực triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người dân, nhất là trẻ em từ 5 đến 11 tuổi. Một lần nữa, chị H’Jăn cùng đồng nghiệp lại tiếp tục khẳng định vai trò nòng cốt của y tế cơ sở, “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, vận động người dân đủ điều kiện về tuổi, sức khỏe tiêm vắc xin phòng COVID-19. Các trường hợp người già, người khuyết tật, người có bệnh nền cũng được cập nhật kịp thời để cử cán bộ y tế đến tiêm tại nhà.

Vất vả là vậy nhưng lúc nào trên gương mặt chị H’Jăn cũng rạng rỡ nụ cười, bởi với chị, được khoác lên mình chiếc áo blouse trắng, được đảm nhiệm trọng trách chăm lo cho sức khỏe của người dân chính là niềm vui, niềm vinh dự lớn nhất.

Hồng Nga


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.