Multimedia Đọc Báo in

Ký ức đi vào tâm dịch “cái chết đen” ở Tây Nguyên

08:18, 27/02/2023

Địa bàn Tây Nguyên được biết đến là nơi căn bệnh dịch hạch hoành hành, cướp đi hàng nghìn sinh mệnh và cũng là nơi ổ dịch hạch cuối cùng được khống chế.

Đối với GS. TS. Đặng Tuấn Đạt, nguyên Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên, cuộc chiến đẩy lùi căn bệnh được xem là “cái chết đen” – từng gây nên nỗi ám ảnh trên toàn cầu là những ký ức không bao giờ quên.

Năm 1975, chàng trai Đặng Tuấn Đạt là một trong những trí thức trẻ miền Bắc được tăng cường vào Nam ngay từ khi Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên vừa được thành lập. Dân trí thấp, nghèo đói, lạc hậu, nhiều dịch bệnh nguy hiểm đã bùng phát. Trong đó, bệnh sốt rét và dịch hạch đã cướp đi hàng nghìn sinh mệnh đồng bào nơi đây. Xác định tinh thần “chống dịch như chống giặc”, những người làm công tác y tế lúc bấy giờ phải đối diện với khó khăn, gian nan chồng chất và kể cả những lần cận kề với tử thần khi đương đầu với căn bệnh dịch hạch.

Một trong những lần đi vào tâm dịch khủng khiếp nhất của Đoàn cán bộ Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên là đến địa bàn Ea Súp vào cuối năm 1979. Theo hồi ức của GS. TS. Đặng Tuấn Đạt, vùng trung tâm Ea Súp bấy giờ được gọi là buôn A và chỉ có con đường độc đạo băng rừng, băng suối qua vùng Quảng Nhiêu (nay là thị trấn Quảng Phú) và buôn Ja Wầm (huyện Cư M’gar). Trước khi đoàn công tác của Viện khởi hành chỉ độ một tuần, xe chở đội chiếu bóng lưu động của tỉnh đi vào Ea Súp phục vụ đồng bào đã bị FULRO phục kích, bắn chết 3 người, đốt xe, cướp sạch tài sản, thiết bị trên chính con đường này. Vì lẽ đó, tất cả thành viên đoàn công tác lẫn những cán bộ thường trực tại Viện đều vô cùng bồn chồn, lo lắng.

Cán bộ Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên cùng các chuyên gia Liên Xô điều tra dịch hạch tại buôn Ea Jông (huyện Krông Pắc) năm 1983.

Trùng hợp thay, trong hành trình đi vào vùng dịch, chiếc xe chở đoàn cán bộ y tế bị sa lầy ngay khu vực xe của đoàn chiếu bóng bị phục kích. Những thành viên nữ của đoàn bật khóc, ai nấy đều căng thẳng tột độ. Người lái xe lăm lăm khẩu AK được trang bị cho đoàn, trong tư thế sẵn sàng “giáp lá cà” với FULRO. Với vai trò là trưởng đoàn, một mặt, ông Đạt yêu cầu người lái xe gác ngay vũ khí, tập trung cho nhiệm vụ giải cứu chiếc xe. Mặt khác, ông cũng trấn an các thành viên: “Chúng ta phải xốc lại tinh thần vì trọng trách đến cứu chữa cho bà con vùng dịch!” Dưới sự chỉ huy của ông, các thành viên nhanh chóng dỡ đồ đạc, vật dụng khỏi xe, đào bới, chặt cây lót đường, đẩy xe vượt qua chỗ lầy. Sau nhiều nỗ lực, chiếc xe đã vượt qua được đoạn đường nguy hiểm, tất cả mọi người mới tạm thở phào nhẹ nhõm.

Sau hàng chục giờ vật lộn với những cung đường đèo dốc, lầy lội, đoàn đến buôn A khi trời đã tối. Không kịp ăn uống, các thành viên triển khai ngay việc thăm khám, điều trị và điều tra dịch tễ. Hơn một tuần làm việc tích cực, bệnh dịch hạch đã được kiểm soát, không còn trường hợp tử vong, đoàn công tác bàn giao công việc cho trạm y tế địa phương và trở về trên cung đường cũ. Tiếp tục vượt qua bằng ấy con suối, bằng ấy điểm lầy, về tới thị xã Buôn Ma Thuột, những giọt nước mắt lần nữa lại rơi, vỡ òa vì biết chắc mình còn sống và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Một chuyến công tác đáng nhớ khác đó là đến tâm dịch ở huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai vào cuối năm 1982. Khi đoàn cán bộ y tế tiếp cận, bà con Gia Rai tại đây, kể cả cán bộ ủy ban, y tế xã đều đã bỏ buôn vào rừng trốn dịch vì khu vực này đã ghi nhận hơn 70 người mắc và 10 trường hợp tử vong. “Đây là điều mà chúng tôi chưa từng gặp trong suốt thời gian nghiên cứu, phòng, chống dịch bệnh” – GS. TS. Đặng Tuấn Đạt kể. Một mặt, đoàn công tác mở ngay trạm y tế dã chiến điều trị cho những người mắc bệnh, triển khai phun hóa chất diệt bọ chét, thu mẫu nghiên cứu. Mặt khác, các thành viên chia nhau lần theo triền sông Krông Pa để điều trị dự phòng và vận động bà con trở lại buôn làng. Cán bộ, bác sĩ đoàn công tác cũng chọn chính những căn nhà sàn từng có người chết vì dịch hạch ở tạm.

Đoàn cán bộ của Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên đi khảo sát, nghiên cứu về bệnh dịch hạch.

Bằng sự tận tâm của cán bộ y tế, những trường hợp mắc dịch hạch đều được điều trị khỏi. Bà con cũng dần yên tâm trở lại căn nhà của mình. Sau 10 ngày cùng ăn, cùng ở để hướng dẫn bà con phòng, chống dịch bệnh, đoàn công tác đã hoàn thành nhiệm vụ đẩy lùi “cái chết đen”. Giây phút chia tay, bà con vây lấy đoàn công tác, những cánh tay dang rộng đan vào nhau như không muốn cho cán bộ về. Tình cảm ấy khiến tất cả thành viên thật sự xúc động về tình cảm của bà con cũng như sứ mệnh thiêng liêng của nền y tế cách mạng nước nhà.

Với những khó khăn đặc thù, cuộc chiến với căn bệnh dịch hạch ở Tây Nguyên cứ dai dẳng mãi tới hai mươi năm sau. Năm 2002, ổ dịch hạch cuối cùng ở xã Ea Wy, huyện Ea H’leo mới được xóa bỏ, chấm dứt nỗi ám ảnh của bà con về những vùng “rừng thiêng, nước độc”. Đây cũng là chiến công thầm lặng của đội ngũ y, bác sĩ, cán bộ nghiên cứu ngành y trong sự nghiệp bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.