Multimedia Đọc Báo in

Các sở, ngành trả lời kiến nghị của cử tri trong tỉnh

06:01, 11/12/2012

(Tiếp theo và hết)

Cử tri huyện Cư M’gar

* Cử tri phản ánh, nhà máy chế biến mủ cao su trên địa bàn xử lý mủ và nước thải làm ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến nguồn nước, mặc dù đã nhiều lần kiến nghị với cơ quan chức năng nhưng chưa được giải quyết dứt điểm

Ngày 20-9-2012, Sở TNMT đã thành lập Đoàn kiểm tra, tiến hành kiểm tra công tác bảo vệ môi trường đối với Xí nghiệp Chế biến và Dịch vụ Cao su do Công ty TNHH MTV Cao su Dak Lak làm chủ đầu tư. Qua kiểm tra cho thấy: Công ty đã được Sở TNMT phê duyệt đề án bảo vệ môi trường của Xí nghiệp này và đã kiểm tra, xác nhận hoàn thành các nội dung của đề án bảo vệ môi trường. Công ty đã xây dựng và vận hành hệ thống xử lý khí thải, nước thải theo phương án đề xuất tại đề án bảo vệ môi trường đã được phê duyệt. Ngoài ra công ty còn sử dụng các chế phẩm sinh học để hạn chế mùi hôi phát sinh trong hoạt động sản xuất. Nước thải sau khi xử lý được chuyển về hồ chứa, một phần tái sử dụng vào dây chuyền sản xuất mủ phụ, lượng nước thừa chuyển sang hồ sinh học và xả ra nguồn tiếp nhận là suối Ea Hưu. Công ty đã thực hiện chương trình giám sát môi trường định kỳ theo quy định, đã có biện pháp khắc phục kịp thời khi có thời điểm hàm lượng P tổng số trong nước thải không đạt quy chuẩn cho phép. Kết quả quan trắc chất lượng nước thải trước khi xả vào nguồn tiếp nhận (do Công ty cổ phần Tư vấn Tài nguyên môi trường và Trắc địa thực hiện ngày 22-8-2012) so sánh với QCVN 01:2008/BTNMT (quy chuẩn quốc gia về nước thải công nghiệp chế biến cao su thiên nhiên) và QCVN 40:2011/BTNMT cho thấy các thông số đều đạt quy chuẩn cho phép.

Sở TNMT đã yêu cầu công ty phải vận hành thường xuyên, liên tục hệ thống xử lý chất thải; thực hiện chương trình giám sát môi trường theo đúng yêu cầu tại quyết định phê duyệt đề án bảo vệ môi trường của Xí nghiệp; bảo đảm khí thải, nước thải đạt QCVN khi thải ra môi trường.

* Cử tri phản ánh: Cụm Công nghiệp (CCN) Tân An, TP. Buôn Ma Thuột xả nước thải vào hồ Ea Trum, buôn Sút M’grư, xã Cư Suê làm ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của một bộ phận dân cư

Ngày 16-8-2012, Sở TNMT đã chủ trì, phối hợp với Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Phòng TNMT TP. Buôn Ma Thuột và huyện Cư M’gar, UBND xã Cư Suê, Ban Quản lý CCN Tân An kiểm tra thực tế tại khu vực trên. Qua kiểm tra cho thấy, CCN Tân An không có hệ thống xử lý nước thải tập trung, nước thải của CCN xả ra môi trường bằng đường ống thoát nước mưa; có hiện tượng nước thải từ CCN gây sạt lở, bồi lấp hồ Ea Trum và làm thiệt hại hoa màu của người dân xã Cư Suê. Trong quá trình xây dựng và hoạt động, Ban Quản lý CCN Tân An chưa thực hiện chương trình quan trắc môi trường và báo cáo kết quả giám sát môi trường theo quy định. Sở TNMT đã có báo cáo đề nghị UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo.

Ngày 10-10-2012, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo thực hiện việc khắc phục tình trạng sạt lở, gây bồi lấp tại hồ Ea Trum. Hiện nay, Sở TNMT đang xem xét, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với  Ban Quản lý khu tiểu thủ công nghiệp TP. Buôn Ma Thuột. Sở TNMT sẽ phối hợp với UBND thành phố và huyện Cư M’gar tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường tại CCN này.

Kiến nghị chung của cử tri các huyện

* Cử tri các huyện Cư M’gar, Krông Bông, Krông Pak, Ea H’leo… kiến nghị xây dựng một số đập thủy lợi vừa và nhỏ trên địa bàn

Theo Quyết định số 3473/QĐ-UBND, ngày 30-12-2010 của UBND tỉnh về việc phê duyệt quy hoạch thủy lợi giai đoạn 2010-2015 và định hướng đến năm 2020 thì sau khi nâng cấp, sửa chữa và xây dựng mới hết các công trình như trong quy hoạch cũng chỉ tưới được 75% diện tích hiện có của cây trồng có nhu cầu tưới đến năm 2015. Hiện nay, việc nâng diện tích tưới từ 73% lên 75% cây trồng có nhu cầu tưới cần phải đầu tư hàng năm từ 250 – 305 tỷ đồng (không kể các công trình lớn của Trung ương) nhưng công việc đầu tư hàng năm cho các công trình thủy lợi chỉ đạt khoảng 10% nhu cầu đầu tư. Vì vậy, việc thiếu nước phục vụ nông nghiệp là không tránh khỏi. Đề nghị UBND các huyện nêu rõ tên, địa điểm các công trình mà cử tri yêu cầu để từ đó có cơ sở rà soát, đối chiếu với quy hoạch. Nếu công trình có trong quy hoạch thì các địa phương làm tờ trình xin UBND tỉnh cho chủ trương đầu tư và bố trị vốn đầu tư các năm tới. Nếu công trình không có trong quy hoạch thì đề nghị cần làm thủ tục xin điều chỉnh bổ sung quy hoạch và thực hiện các bước đầu tư tiếp theo.

* Đa số cử tri phản ánh tình trạng chạy trường, chạy điểm, học thêm, dạy thêm

Đối với tuyển sinh vào lớp 1 và lớp 6: Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) giao cho các phòng GD&ĐT lập phương án tuyển sinh với yêu cầu: bảo đảm huy động tối đa học sinh (HS) vào lớp 1 và HS tiểu học hoàn thành chương trình tiểu học còn trong độ tuổi vào học lớp 6

Đối với tuyển sinh vào lớp 10 THPT: căn cứ chỉ tiêu được giao và điểm xét tuyển, các trường THPT tổ chức xét tuyển HS vào lớp 10 từ điểm cao xuống thấp đến khi đủ chỉ tiêu. Sau khi trúng tuyển, HS không được thay đổi nguyện vọng đã đăng ký hoặc chuyển trường. Trường hợp chuyển trường phải có lý do chính đáng và đạt điểm tuyển sinh bằng hoặc cao hơn điểm chuẩn của trường chuyển đến. HS không trúng tuyển vào các trường THPT trên địa bàn đăng ký dự tuyển vào học bổ túc THPT, học nghề, học trung cấp chuyên nghiệp hoặc Trường THPT dân lập Phú Xuân

Đối với việc cho điểm, xét lên lớp, ở lại: hiện nay, tất cả các trường đều sử dụng phần mềm để quản lý điểm và kết quả học tập của HS. Vì vậy, việc cho điểm, xét lên lớp, ở lại được thực hiện rất nghiêm. Cho đến nay, chưa có trường hợp cụ thể nào bị phản ánh là tiêu cực về việc chạy trường, chạy điểm. Việc phản ánh của cử tri chỉ nói chung chung, không nêu rõ trường hợp nào, ở đâu nên UBND tỉnh không có cơ sở để chỉ đạo xử lý

Về tình trạng dạy thêm, học thêm: Sở GD&ĐT đã chỉ đạo công tác dạy thêm, học thêm bằng nhiều biện pháp như: thành lập ban chỉ đạo dạy thêm, học thêm do giám đốc sở làm trưởng ban; kiểm tra định kỳ và đột xuất các trường, cơ sở dạy thêm, học thêm và cá nhân; phối hợp liên ngành thanh kiểm tra các cơ sở dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường; cấp giấy phép cho các trường và các cơ sở học thêm, dạy thêm có đủ điều kiện; khuyến khích các trường có đủ điều kiện thực hiện dạy học 2 buổi/ngày… Hiện nay, UBND tỉnh đang xem xét ban hành quy định về việc dạy thêm, học thêm theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Nếu phát hiện có sai phạm, tiêu cực trong việc chạy trường, chạy điểm, dạy thêm, học thêm, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo xử lý nghiêm khắc, đúng quy định.

* Cử tri đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng cho rà soát lại diện tích đất cho một số doanh nghiệp thuê làm trụ sở, kinh doanh… với diện tích lớn nhưng chưa được triển khai xây dựng hoặc chỉ triển khai được một phần, thực hiện không đúng mục đích, xử lý thu hồi phục vụ mục đích khác, tránh lãng phí, thất thoát

Trong những năm qua, UBND tỉnh đã tích cực chỉ đạo các sở, ngành hàng tháng tiến hành rà soát, báo cáo tình hình triển khai các dự án thuộc lĩnh vực xây dựng cơ bản để UBND tỉnh xem xét. Sở Xây dựng đã phối hợp với các sở, ngành liên quan rà soát, báo cáo và đề xuất hướng giải quyết cụ thể từng dự án để UBND tỉnh xem xét, quyết định chấm dứt chủ trương, thu hồi dự án, gia hạn thời gian triển khai; thực hiện việc ký quỹ cam kết đầu tư; đôn đốc chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện… Kết quả tính đến cuối tháng 10-2012 như sau: Tổng số dự án thu hút đầu tư thuộc lĩnh vực xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh là 239 dự án. Trong đó: đã thu hồi chủ trương đầu tư 61 dự án; 63 dự án đã xây dựng hoàn thành, đưa vào sử dụng; 45 dự án đang xây dựng; 70 dự án đang thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư.

* Cử tri các huyện Cư M’gar, Ea H’leo, Krông Năng, thị xã Buôn Hồ… tiếp tục phản ánh việc các đại lý thu mua nông sản trên địa bàn đã chiếm đoạt hàng trăm tấn cà phê của dân, sau đó tuyên bố phá sản (có dấu hiệu lừa đảo) nhưng chưa thấy cơ quan chức năng can thiệp, giải quyết. Đề nghị các cơ quan bảo vệ pháp luật có biện pháp xử lý đối với các trường hợp này.

Qua nắm tình hình, trên địa bàn tỉnh có 4 doanh nghiệp, đại lý, hộ kinh doanh cá thể kinh doanh bị thua lỗ, vỡ nợ, trong đó nợ 57 hộ dân với số tiền 17,5 tỷ đồng và 23,8 tấn cà phê nhân. Các trường hợp này đang được cơ quan công an điều tra, xác minh hoặc tòa án nhân dân thụ lý vụ việc. Ngoài ra còn có một số doanh nghiệp, đại lý vỡ nợ từ năm 2011 trở về trước đến nay chưa được giải quyết dứt điểm vì đa số người gửi cà phê đều không làm hợp đồng một cách chặt chẽ. Vì vậy, khi xảy ra sự việc thì không đủ căn cứ, tài liệu chứng minh doanh nghiệp, đại lý vi phạm pháp luật hình sự nên không thể khởi tố vụ án hình sự, phải chuyển sang xử lý dân sự.

UBND tỉnh đã lãnh đạo Công an tỉnh chỉ đạo Công an các huyện, thị xã, thành phố chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các ngành phối hợp tuyên truyền, nâng cao cảnh giác cho người dân trong việc trao đổi, mua bán cà phê; tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, nắm tình hình các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh cà phê trên địa bàn, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật. Hiện nay Công an tỉnh đang theo dõi chặt chẽ tình hình, kịp thời xử lý theo pháp luật khi có vi phạm.

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Lan tỏa phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát
Nhờ sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương và chung tay ủng hộ của nhân dân, ước mơ về căn nhà khang trang của rất nhiều hộ nghèo tại tỉnh Đắk Lắk đã trở thành hiện thực.