Nghĩa tình với buôn làng
Kể từ khi thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy về công tác kết nghĩa với các buôn đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) vào năm 2004, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế, giữ vững an ninh chính trị ở cơ sở.
Nhiều hoạt động ý nghĩa
Năm nay gia đình anh Y Kéo Niê ở buôn Cuôr Đăng B, xã Cuôr Đăng (huyện Cư M’gar) sẽ được đón một cái Tết ấm áp đúng nghĩa vì căn nhà dột nát, ẩm thấp nay đã được thay thế bằng ngôi nhà mới xây khang trang. Anh Y Kéo tâm sự: "Gia đình tôi không có đất sản xuất và không có nghề nghiệp ổn định, lại phải nuôi hai con nhỏ thường xuyên ốm đau nên cuộc sống vô cùng khó khăn. Dù căn nhà đã xuống cấp, không đủ che gió mưa nhưng không dám sửa chữa khi miếng ăn còn phải chật vật lo hằng ngày”.
Bà Vũ Thị Thanh Hiển, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Sư phạm Mầm non Đắk Lắk cho biết: “Buôn Cuôr Đăng B là buôn kết nghĩa của trường từ năm 2005. Qua việc thường xuyên thăm hỏi, nắm bắt tình hình, nhà trường biết được gia đình anh Y Kéo Niê thuộc diện đặc biệt khó khăn của buôn. Nhà trường đã vận động tập thể cán bộ giáo viên, nhân viên và học sinh đóng góp được số tiền 85,5 triệu đồng để xây dựng căn nhà Tình nghĩa với diện tích 50 m2 tặng cho gia đình anh.”
Đại diện Trường Trung cấp Sư phạm Mầm non Đắk Lắk bàn giao nhà cho gia đình anh Y Kéo Niê. |
Không chỉ làm tốt công tác tuyên truyền vận động và hỗ trợ vật chất, thời gian qua, các đơn vị kết nghĩa đều thường xuyên cử cán bộ xuống địa bàn nắm tình hình tư tưởng, nguyện vọng của bà con buôn kết nghĩa nhằm định hướng phát triển về cây trồng, vật nuôi, giúp người dân từng bước thay đổi cách nghĩ, cách làm trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Ông Ngô Nhân, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Đối với buôn kết nghĩa K’Mrơng Krông B, xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột), chúng tôi luôn xem như người nhà. Sau 13 năm kết nghĩa, đơn vị đã tổ chức gần 30 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hội thảo về trồng trọt, chăn nuôi cho đồng bào trong buôn. Nhiều mô hình trồng lúa lai, nuôi thỏ sinh sản, nuôi gà an toàn sinh học… được triển khai xây dựng, giúp đồng bào nâng cao năng suất, thu nhập. Đặc biệt, Trung tâm đã mở lớp dạy nghề và cấp chứng chỉ sơ cấp nghề chăn nuôi heo cho 24 học viên là bà con trong buôn…
Là một trong những hộ gia đình thành công với mô hình nuôi thỏ do Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ giống và kỹ thuật chăm sóc, ông Y Tullul Niê ở buôn K’Mrơng Krông B chia sẻ: Trước đây gia đình ông thuộc diện hộ nghèo, nhờ các cán bộ ở Trung tâm Khuyến nông tỉnh hướng dẫn cách nuôi thỏ mà gia đình có thu nhập ổn định, năm 2014 đã thoát được nghèo.
Thêm gắn bó với buôn làng
Có thể nói các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ buôn kết nghĩa đã góp phần thắt chặt thêm tình nghĩa của các cơ quan, đơn vị với đồng bào DTTS, thể hiện những giá trị nhân văn, đạo lý tốt đẹp của dân tộc. Chính sự quan tâm của các đơn vị kết nghĩa đã giúp các gia đình người DTTS có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.
Trưởng buôn K’Mrơng Krông B Y Wih Êban phấn khởi: Không chỉ giúp người dân làm kinh tế, ổn định chính trị - xã hội, từng bước thay đổi bộ mặt buôn làng mà sự quan tâm của Trung tâm Khuyến nông tỉnh với bà con còn thể hiện khi mỗi độ Tết đến Xuân về, các cán bộ mang quà, mang nếp xuống tặng bà con, cùng bà con gói và nấu bánh chưng. Trong ánh lửa bập bùng, mùi thơm nồi bánh chưng tỏa lên hòa quyện với hương rượu cần ngây ngất, bà con trong buôn cùng ngồi chuyện trò với các cán bộ ở đơn vị kết nghĩa, cái tình thêm thắm đượm hơn...
Gia đình ông Y Tullul Niê ở buôn K’Mrơng Krông B thoát nghèo nhờ được hỗ trợ giống và kỹ thuật nuôi thỏ. |
Đồng chí Trần Hồng Tiến, Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết: Trong năm 2017, các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh và huyện đã cử 19.800 lượt cán bộ xuống buôn kết nghĩa làm công tác vận động quần chúng; phối hợp tổ chức hàng trăm buổi tuyên truyền với hơn 5.000 lượt người tham dự; giúp 2.291 ngày công lao động; hỗ trợ vật chất với tổng trị giá trên 14,5 tỷ đồng… Có thể nói, công tác kết nghĩa với các buôn đã góp phần nâng cao nhận thức, phát huy tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa cán bộ, công chức, viên chức với đồng bào DTTS. Đặc biệt, thông qua các hoạt động kết nghĩa, đồng bào DTTS hiểu hơn về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tăng cường cảnh giác đấu tranh chống lại mọi âm mưu chia rẽ của các thế lực thù địch; tích cực phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Theo thống kê của Ban Dân vận Tỉnh ủy, hiện toàn tỉnh có hơn 164 cơ quan, đơn vị doanh nghiệp cấp tỉnh kết nghĩa với 151 buôn; 1.262 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học kết nghĩa với 607 buôn đồng bào DTTS; có 741 xã, phường, tổ dân phố vùng người Kinh kết nghĩa với 607 buôn đồng bào DTTS... |
Khả Lê
Ý kiến bạn đọc