Multimedia Đọc Báo in

HĐND huyện M'Drắk: Dấu ấn một nhiệm kỳ hoạt động

16:28, 21/05/2021

Nhiệm kỳ 2016 - 2021, HĐND huyện M’Drắk khóa XI đã có nhiều đổi mới, phát huy tốt vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân. Các đại biểu HĐND huyện đã thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng ở địa phương...

Trong nhiệm kỳ 2016 - 2021, Thường trực, các ban của HĐND, đại biểu HĐND huyện đã phát huy tốt vai trò của mình, không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, hiệu quả công tác giám sát; thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan bám sát địa bàn, nắm bắt, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, những vấn đề mà cử tri và nhân dân quan tâm để có giải pháp thực hiện.

Trong nhiệm kỳ, HĐND huyện đã tổ chức 18 kỳ họp (11 kỳ họp thường lệ và 7 kỳ họp chuyên đề); xem xét, thông qua, ban hành 123 nghị quyết (trong đó có 9 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, 7 nghị quyết về đầu tư phát triển, 26 nghị quyết về tài chính, ngân sách, 3 nghị quyết về các vấn đề an sinh xã hội và 78 nghị quyết chuyên đề) có tầm ảnh hưởng sâu rộng, lâu dài đến đời sống của nhân dân trong huyện.

Tất cả các nghị quyết của HĐND đề ra đều bám sát chủ trương lãnh đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy và được UBND huyện, các cơ quan liên quan triển khai thực hiện tích cực, đặc biệt là Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội mang tính động lực nhằm thúc đẩy khai thác tốt tiềm năng lợi thế của địa phương, góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

 

Lãnh đạo huyện M'Drắk và xã Ea Pil tham quan một mô hình trồng nhãn Hương Chi tại thôn 4, xã Ea Pil.
Lãnh đạo huyện M'Drắk và xã Ea Pil tham quan một mô hình trồng nhãn Hương Chi tại thôn 4, xã Ea Pil.

 

Một trong những dấu ấn của HĐND huyện trong nhiệm kỳ vừa qua là hằng năm, HĐND huyện đều căn cứ vào tình hình thực tế để ban hành các nghị quyết về mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh với các chỉ tiêu, giải pháp cụ thể.

Điển hình là việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sản phẩm phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương và nhu cầu của thị trường. Trên cơ sở Chương trình số 22-CTr/HU, ngày 19-4-2017 của Huyện ủy M’Drắk, HĐND huyện đã cùng với các cấp, các ngành xác định phát triển cây ăn trái là một trong những bước đột phá. Nếu như năm 2015, diện tích cây ăn trái trên địa bàn huyện mới có 227 ha thì đến nay đã tăng lên 1.301 ha (tăng 1.074 ha); bước đầu hình thành các vùng trồng cây ăn trái tập trung tại các xã như: Ea Pil có 443 ha nhãn và 115 ha vải; Cư Prao có 104 ha nhãn, 45 ha vải; các xã Ea Riêng, Ea Lai, Ea H’mlay có khoảng 130 ha trồng sầu riêng, bơ…

Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng đúng hướng đã giúp nhiều gia đình có thu nhập ổn định, kinh tế ngày càng khá giả, bộ mặt nông thôn trên địa bàn huyện ngày càng khởi sắc.

Điển hình, xã Ea Pil có khoảng 600 ha cây ăn trái các loại (đạt 118% kế hoạch), có hơn 30 trang trại tổng hợp với diện tích hơn 274 ha, 3 hợp tác xã, 2 tổ hợp tác đầu tư cung ứng cây giống, thu mua tiêu thụ sản phẩm, cây trồng, hơn 70 mô hình gia trại theo hướng tổng hợp nông lâm nghiệp, trồng trọt chăn nuôi… mang lại thu nhập bình quân đạt từ 50 - 70 triệu đồng/người/năm.

Từ trồng cây ăn trái, nhiều gia đình có mức thu nhập ổn định, kinh tế ngày càng khá giả, như gia đình ông Phạm Đăng Tân (thôn 10) với gần 20 ha vải và nhãn, mỗi năm cho thu nhập khoảng 3 tỷ đồng; gia đình ông Huỳnh Ngọc Thanh (thôn 4), ông Nguyễn Hữu Thạch (thôn 9), anh Lê Văn Lương (thôn 3)… có thu nhập hàng trăm triệu đồng. Đến nay, toàn xã  chỉ còn 3,5% hộ nghèo, 4,7% hộ cận nghèo; thu nhập bình quân đầu người đạt 41 triệu đồng/năm; xã Ea Pil là địa phương đầu tiên của huyện về đích nông thôn mới.

 

Người dân xã Ea Pil phấn khởi vì việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã mang lại thu nhập kinh tế cao.
Người dân xã Ea Pil phấn khởi vì việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã mang lại thu nhập kinh tế cao.

 

Có thể nói, nhiệm kỳ 2016 - 2021, HĐND huyện M’Drắk đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng địa phương.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Ngọc Bình, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện  M’Drắk, việc phát huy có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của HĐND các cấp trên địa bàn huyện, trong đó tạo cơ chế, chính sách để người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, dần hình thành các vùng chuyên canh cây ăn trái tập trung đã góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.


Duy Tiến


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.