Multimedia Đọc Báo in

Kinh tế HTX - Những chuyển biến tích cực

08:10, 17/10/2012

Hàng năm đóng góp khoảng 12% vào GDP của tỉnh, kinh tế hợp tác xã (HTX) ở Dak Lak ngày càng được quan tâm đầu tư nhiều hơn, góp phần không nhỏ vào việc tăng trưởng kinh tế - xã hội của địa phương. Đặc biệt khối kinh tế này còn tạo ra động lực thúc đẩy nhiều ngành nghề phi nông nghiệp phát triển, từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động tại khu vực nông thôn theo hướng tích cực hơn.

Đổi mới mô hình hoạt động

Theo đánh giá của Liên minh HTX Dak Lak, đến nay hầu hết các HTX trên địa bàn tỉnh đã từng bước đổi mới mô hình hoạt động theo hướng kinh doanh tổng hợp, kết hợp giữa dịch vụ với sản xuất, chế biến… nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân và xã hội. Theo đó, các HTX dần tiếp cận với tiến bộ khoa học - kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng hàng hóa có hiệu quả kinh tế cao, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho xã viên.

HTX dệt thổ cẩm Tơng Bông (xã Ea Kao - BMT) đã hoạt động có hiệu quả hơn khi được tiếp cận với các nguồn vốn của Trung ương và địa phương.
HTX dệt thổ cẩm Tơng Bông (xã Ea Kao - BMT) đã hoạt động có hiệu quả hơn khi được tiếp cận với các nguồn vốn của Trung ương và địa phương.

Ông Nguyễn Thiên Văn-Phó chủ tịch Liên minh HTX Dak Lak cho biết: hiện nay, các HTX nông nghiệp có doanh thu bình quân gần 1,7 tỷ đồng/năm và lợi nhuận đạt khoảng 95 triệu đồng/HTX. Các HTX công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp có doanh thu cao hơn-gần 2,2 tỷ đồng và lợi nhuận mỗi năm gần 120 triệu đồng/HTX. Đặc biệt trong lĩnh vực vận tải, doanh thu của các HTX này đạt gần 3,5 tỷ đồng/năm và lợi nhuận bình quân hơn 160 triệu đồng/HTX. Đây được xem là tín hiệu đáng mừng đối với khối kinh tế HTX ở Dak Lak, bởi so với ba năm về trước thì doanh thu và lợi nhuận sau thuế của các đơn vị trên đã tăng gần gấp đôi, nhờ vậy đời sống của người lao động cũng từng bước được cải thiện.

Tiêu biểu như các HTX mây tre đan Ea Kao, Phú Thịnh, Tiến Nam… không những giải quyết việc làm cho người lao động tại địa phương, duy trì và phát triển các ngành nghề truyền thống, mà còn góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế. Ông Lê Văn Tiến - thành viên HTX Tiến Nam (huyện M’Drak) cho rằng: đổi mới mô hình hoạt động trong sản xuất, kinh doanh cũng như các quan hệ khác là một trong những yêu cầu bức thiết đặt ra. Chẳng hạn như giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm… nhất thiết phải có mối liên kết gắn bó chặt chẽ. Trước đây, khâu sản xuất của HTX mây tre đan chỉ cứng nhắc và bó hẹp trong phạm vi tập trung (người lao động chỉ đến xưởng làm việc), thì nay đã kết hợp linh hoạt thêm với các hộ sản xuất phân tán trên địa bàn. Khâu tiêu thụ sản phẩm cũng được ban quản trị HTX chủ động quảng bá tìm kiếm và mở rộng thị trường rộng hơn thông qua nhiều hình thức: tham gia hội chợ, triển lãm ngành nghề trong và ngoài tỉnh. Hình thành chuỗi phân phối, chào mời hàng hóa tại  nhiều tỉnh, thành khu vực miền Trung-Tây Nguyên và Nam Bộ. Theo ông Tiến, để giành lấy thị trường thì vấn đề chất lượng và mẫu mã sản phẩm phải được đặt lên hàng đầu. Thời gian gần đây, HTX Tiến Nam cũng như các đơn vị sản xuất mặt hàng mây tre đan khác đã chú trọng công tác đào tạo tay nghề cho xã viên thông qua nhiều hình thức như mở lớp tại chỗ kết hợp với các cơ sở dạy nghề trong và ngoài tỉnh… Nhờ thế, chất lượng và đầu ra của sản phẩm thủ công mỹ nghệ Dak Lak ngày càng được người tiêu dùng chấp nhận.

Các HTX mây tre đan đã chủ động tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh Dak Lak bằng cách  xây dựng hệ thống giới thiệu, quảng bá và phân phối sản phẩm rộng khắp ở  các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Ảnh: Đ.Đ
Các HTX mây tre đan đã chủ động tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh Dak Lak bằng cách xây dựng hệ thống giới thiệu, quảng bá và phân phối sản phẩm rộng khắp ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. 

Đối với các HTX nông nghiệp, khó khăn lớn nhất lâu nay là thiếu vốn, thiếu sự chủ động trong việc tổ chức và xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, đến nay những khó khăn trên đã từng bước được một số HTX nông nghiệp chủ động tìm cách giải quyết bằng cách bắt tay, liên kết với các doanh nghiệp (DN) đứng chân trên địa bàn. Điển hình như HTX nông nghiệp Công Bằng (xã Ea Kiết và Cư Mlei M’nông-huyện Cư M’gar) đã đứng ra nhận cung cấp nguồn cà phê nguyên liệu cho Công ty Dak Man với mức giá thỏa thuận cao hơn giá thị trường từ 8000-9000 đồng/kg. Số tiền chênh lệch này (khoảng 800 triệu đến 1 tỷ đồng/niên vụ) mà Công ty Dak Man trả cho HTX Công Bằng được ban quản trị trích 5% chi cho hoạt động thường xuyên, còn lại dùng vào việc đầu tư, xây dựng các công trình dân sinh như đường giao thông, thủy lợi, sân bãi…nhằm nâng cao năng lực sản xuất và thụ hưởng cho các hộ xã viên HTX. Ông Y Nun Mthul- thành viên Ban quản trị HTX nông nghiệp Công Bằng cho rằng: mối liên kết này đem lại lợi ích cho cả đôi bên. Người làm cà phê ở đây được DN đầu tư, hỗ trợ vật tư và kỹ thuật, thâm canh cà phê; ngược lại đối tác cũng được cung cấp nguồn nguyên liệu có chất lượng cao, ổn định và bền vững nhằm phát triển chuỗi giá trị của ngành hàng kinh doanh, xuất khẩu. Hơn thế, từ sự bắt tay và hợp tác này đã mở ra hướng đi mới cho các HTX nông nghiệp khác trên địa bàn Dak Lak.

Chính sách về kinh tế HTX được quan tâm hơn

Từ năm 2011 đến nay, thành phần kinh tế HTX ở Dak Lak đã được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm hơn. Hàng năm, từ nguồn kinh phí của Trung ương và địa phương cũng như từ các Dự án hỗ trợ phát triển khác, tỉnh đã thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn cho cán bộ quản lý HTX tại các Trường nghiệp vụ của Liên minh HTX Việt Nam. Từ đó nâng số cán bộ quản lý đã qua đào tạo cho khối kinh tế này lên gần 58%.

Về chính sách tài chính và tín dụng, các HTX cũng đã được tiếp cận với nhiều nguồn vốn đa dạng hơn từ các quỹ, chương trình, dự án của Trung ương và địa phương. Ông Nguyễn Thiên Văn-Phó chủ tịch Liên minh HTX Dak Lak cho biết: trong ba năm qua (2009-2012) có 25 HTX được vay từ Quỹ hỗ trợ phát triển của tỉnh gần 3 tỷ đồng. Ngoài ra một số HTX còn được vay vốn lãi suất ưu đãi từ Quỹ quốc gia về việc làm, Quỹ đầu tư và phát triển Dak Lak hơn 20 tỷ đồng để đầu tư sản xuất, kinh doanh. Với những nguồn vốn được tiếp cận này đã giúp cho các HTX giảm bớt khó khăn về vốn, tạo việc làm và tăng doanh thu cũng như lợi nhuận cho xã viên, góp phần cải thiện đời sống cho hàng vạn hộ gia đình ở khu vực nông thôn.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đã có quyết định xóa nợ đọng và miễn, giảm thuế cho các HTX nông nghiệp trên địa bàn. Từ năm 2007 đến nay, toàn bộ số nợ đọng nông nghiệp, thủy lợi phí gần 3 tỷ đồng của các HTX, tập đoàn sản xuất, tổ hợp tác nông nghiệp…đã được xóa bỏ. Và cũng nhờ sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời, thiết thực ấy đã giúp khối kinh tế này từng bước ổn định và phát triển, đóng góp một phần không nhỏ vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội và an ninh quốc phòng của địa phương.

Dak Lak hiện có 319 HTX và 1 Liên hiệp HTX. Trong đó có 142 HTX nông nghiệp; 80 HTX công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp; 32 HTX xây dựng; 31 HTX vận tải, 23 HTX thương mại và 11 Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở… với tổng số xã viên 65.252 người, bình quân 202 xã viên/HTX.

Đến nay, các HTX hoạt động yếu kém đã từng bước được củng cố, số HTX khá giỏi tăng dần. Số HTX yếu kém chỉ còn chiếm tỷ lệ khoảng 14%. Vốn điều lệ bình quân của các HTX tăng lên qua các năm, trong đó các HTX thành lập mới trong 2 năm gần đây có vốn điều lệ khá cao, trung bình 1,2 tỷ đồng/HTX. Có hơn 2/3 số HTX đã mở rộng ngành nghề và nâng cao chất lượng dịch vụ theo định hướng phát triển của từng ngành, lĩnh vực. Đặt biệt trong các ngành nghề mới, có tiềm năng như quản lý, kinh doanh chợ, sản xuất cà phê bền vững, chế biến nông sản…đang được các HTX quan tâm và hướng tới. 

Phương Đình


Ý kiến bạn đọc