Multimedia Đọc Báo in

Xã hội hóa phong trào "Đền ơn đáp nghĩa"

13:11, 09/09/2015

Bên cạnh việc thực hiện đầy đủ các chính sách ưu đãi đối với người có công, những năm qua, tỉnh Đắk Lắk còn đẩy mạnh công tác xã hội hóa phong trào Đền ơn đáp nghĩa, góp phần chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các gia đình chính sách và người có công trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Xuân Thành (thương binh hạng 4/4) ở thôn 10, xã Ea Tiêu (huyện Cư Kuin) có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Bản thân ông thường xuyên ốm đau, bệnh tật nên không làm được việc nặng, kinh tế gia đình phần lớn phụ thuộc vào mấy sào cà phê do vợ ông chăm sóc. Căn nhà ván gỗ tạm bợ làm cách đây hơn 30 năm đã xuống cấp trầm trọng nhưng vợ chồng ông không có tiền sửa chữa. Đầu năm 2015, huyện Cư Kuin đã hỗ trợ gia đình ông 30 triệu đồng từ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, cộng với việc vay mượn thêm của người thân và sự giúp đỡ của bà con trong xã ông Thành đã dựng được căn nhà mới khang trang sạch đẹp với diện tích khoảng 100 m2. Ngày bước vào ngôi nhà mới, ông Thành rưng rưng xúc động: “Nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước và bà con trong xã thì không biết đến bao giờ gia đình tôi mới có được căn nhà khang trang như thế này. Sau khi xây xong, chính quyền địa phương, các ngành, đoàn thể của huyện còn đến tặng quà, hỗ trợ tiền mua thêm các vật dụng sinh hoạt trong gia đình, tôi cảm thấy rất hạnh phúc”.

Ông Nguyễn Xuân Thành, trú tại thôn 10, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin (bên trái) vui mừng trước  căn nhà mới xây của  gia đình.
Ông Nguyễn Xuân Thành, trú tại thôn 10, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin (bên trái) vui mừng trước căn nhà mới xây của gia đình.

Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh hiện có 48.000 đối tượng chính sách, người có công, trong đó có gần 13.000 đối tượng được hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng; 35.000 đối tượng đã được chi trả trợ cấp 1 lần. Những năm qua, công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công trên địa bàn tỉnh luôn được quan tâm đặc biệt bằng nhiều hình thức. Trong đó, việc hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở, tặng sổ tiết kiệm từ nguồn Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” đã thể hiện tấm lòng tri ân của cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đối với các gia đình chính sách, người có công, giúp họ vơi bớt khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Ông Lê Hải Lý, Trưởng phòng Người có công, Sở Lao động -  Thương binh và Xã hội cho biết, để nguồn quỹ được triển khai hiệu quả, hằng năm, Ban quản lý Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” các huyện, thị xã, thành phố đã xây dựng, triển khai kế hoạch thu chi chuyển cho từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn để thực hiện vận động đóng góp. Bên cạnh đó, các địa phương cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kêu gọi sự ủng hộ của các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân tham gia quỹ, qua đó nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trên địa bàn. Chỉ tính từ năm 2014 đến nay, toàn tỉnh đã vận động đóng góp quỹ được gần 10 tỷ đồng.

Chủ trương xã hội hóa công tác đền ơn đáp nghĩa đã thu hút được sự quan tâm ủng hộ của đông đảo các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp coi việc quan tâm, chăm sóc các đối tượng chính sách là hoạt động truyền thống của đơn vị. Điển hình như Công ty Thương mại-Dịch vụ sản xuất, xuất nhập khẩu Đăng Phong, hằng năm vào các dịp lễ, Tết đã dành nhiều phần quà có ý nghĩa thăm hỏi, động viên các Mẹ Việt Nam Anh hùng và thân nhân gia đình thương binh liệt sĩ trên địa bàn tỉnh. Riêng năm 2014, Công ty còn tặng thêm 10 bồn nước inox cho các gia đình chính sách trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột và huyện Cư Kuin với tổng trị giá trên 30 triệu đồng. Hay như Siêu thị Co.op Mart TP. Buôn Ma Thuột đã tổ chức các phong trào đền ơn đáp nghĩa thành hoạt động thường niên. Mỗi năm, Siêu thị đã dành hàng trăm suất quà tặng các đối tượng chính sách trên địa bàn phường Tân An (nơi doanh nghiệp đóng chân), mỗi suất trị giá trung bình 500 nghìn đồng….

Từ phong trào xã hội hóa công tác đền ơn đáp nghĩa, nhiều tổ chức hội, đoàn thể trong tỉnh đã tích cực tham gia đóng góp như: phong trào chăm sóc phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng, chăm sóc thân nhân liệt sỹ già yếu neo đơn và con liệt sĩ mồ côi của Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, hay phong trào giúp gia đình liệt sĩ và thương bệnh binh vay vốn sản xuất của Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh tỉnh đã giúp không ít gia đình chính sách, người có công với cách mạng có cuộc sống no đủ, thể hiện tình cảm và trách nhiệm của thế hệ hôm nay.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc