Multimedia Đọc Báo in

Tuyên truyền pháp luật tại địa phương miền núi: Cần phát huy vai trò của “Tủ sách pháp luật” ở cơ sở

09:33, 09/08/2013

Mục đích của việc xây dựng tủ sách pháp luật là nhằm trang bị kiến thức pháp luật cho cán bộ, công chức và nhân dân, là một công cụ hữu ích hỗ trợ cho việc tìm hiểu pháp luật, áp dụng pháp luật trong quản lý, điều hành của Nhà nước cũng như nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật cho nhân dân. Đây là chủ trương đúng để đưa pháp luật vào cuộc sống. nhưng để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hình thức khai thác “Tủ sách pháp luật” ở các địa phương miền núi vẫn còn nhiều việc phải làm để phát huy hết hiệu quả của nó.

Thứ nhất, về công tác quản lý các tủ sách, hầu hết các tủ sách được đặt ở những vị trí không bảo đảm để cho nhân dân dễ thấy mặc dù số lượt người dân đến liên hệ với UBND cấp xã hằng ngày không phải là một con số nhỏ. Do diện tích trụ sở ở UBND cấp xã có hạn nên nhiều tủ sách được bố trí ở những vị trí tận dụng khoảng không gian, điều này trái với quy định nhưng nó vẫn là một tồn tại thực tế và không thể đáp ứng nhu cầu mượn đọc tại chỗ của nhân dân.

Thứ hai, các tủ sách pháp luật không đủ sức thu hút người dân quan tâm và tìm đọc do cách bố trí, sắp xếp sách không khoa học, không có sức lôi cuốn người dân đến với tủ sách. Thực tế người dân khi đến UBND cấp xã liên hệ công việc và chờ hoàn thành thì có thể tranh thủ mượn sách để đọc, nhưng điều này rất hiếm khi xảy ra. Tình trạng mạng nhện giăng, bụi phủ mờ là điều có thật ở một số “Tủ sách pháp luật”.

Thứ ba, một nguyên nhân tác động đến hiệu quả khai thác các tủ sách pháp luật đó là việc bố trí cán bộ quản lý tủ sách không ổn định. Thường xuyên thay đổi cán bộ xã là một tình trạng chung hiện nay, trong khi tủ sách pháp luật lại cần phải có người có khả năng, có kiến thức pháp luật quản lý để giúp định hướng và hướng dẫn cho nhân dân tham khảo cũng như giải thích những nội dung mà người đọc không hiểu rõ. Đấy chính là một yếu tố tác động đến tinh thần ham học hỏi, tìm tòi cũng như thói quen đọc sách của bạn đọc. Nếu không thường xuyên bị thay đổi thì cán bộ quản lý tủ sách hầu hết là cán bộ tư pháp chuyên trách nhưng vì gánh trên vai quá nhiều công việc như hộ tịch, chứng thực, thi hành án, phổ biến, giáo dục pháp luật, giải quyết khiếu kiện… đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc quản lý, hướng dẫn khai thác tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn.

Thứ tư, quản lý không tốt làm cho các tủ sách có ít bạn đọc. Đó là những trường hợp như: một bạn đọc đến hỏi muợn một loại sách nào đó nhưng cán bộ quản lý không có mặt để đáp ứng hoặc do quản lý không tốt nên không biết rằng tủ sách có loại sách đó hay không, hoặc không thể tìm ra sách... Nhiều lần như vậy sẽ gây cho bạn đọc cách nghĩ không tích cực về tủ sách, dẫn đến không quan tâm đến tủ sách pháp luật. Cũng cần nói thêm rằng, tủ sách pháp luật còn thiếu những loại văn bản liên quan trực tiếp đến đời sống hằng ngày của người dân như: chính sách đền bù đất đai, giải phóng mặt bằng của Nhà nước hay quy định giá đất đai. Khi người dân cần ở tủ sách pháp luật thì không có, trong khi đó họ có thể đi tìm ở các hiệu sách bên ngoài một cách dễ dàng hơn. Tâm lý của người dân là đến một lần không có, lần sau sẽ không đến nữa.

Thứ năm, một số tủ sách pháp luật ở các xã vùng sâu, vùng xa chưa xây dựng được nội quy, quy chế quản lý, khai thác và sử dụng tủ sách; sắp xếp, bố trí sách báo còn nhiều lộn xộn, chưa làm tốt việc kiểm kê, rà soát nên để xảy ra tình trạng mất sách và chưa bổ sung, trang bị kịp thời tài liệu, sách báo cho tủ sách. Về chất lượng tủ sách pháp luật hiện nay còn chưa cao, chưa sát với thực tế. Trong các tủ sách pháp luật hiện nay chủ yếu là những loại sách luật mà thiếu các văn bản hướng dẫn thi hành. Trong khi đó, một số xã, phường, thị trấn cũng chưa quan tâm đến việc xây dựng tủ sách pháp luật cho địa phương mình. Kinh phí dành cho mua sách mới ở nhiều địa phương bị hạn chế, thậm chí có nơi không cấp kinh phí cho việc này.

 Đây là những bất cập đang tồn tại cần có biện pháp tháo gỡ nhằm phát huy hơn nữa vai trò của tủ sách pháp luật trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đối với cán bộ và nhân dân cư trú trên tại các địa phương miền núi hiện nay.

Đỗ Văn Nhân 

 


Ý kiến bạn đọc