Multimedia Đọc Báo in

Thận trọng khi nhổ răng sữa cho trẻ

09:03, 09/07/2017

Thay răng sữa là thời điểm quan trọng trong quá trình mọc răng của trẻ. Quan niệm cho rằng răng sữa không quan trọng bởi sẽ được thay thế bằng răng vĩnh viễn khi trẻ lớn là suy nghĩ sai lầm của nhiều bậc cha mẹ bởi trên thực tế, răng sữa góp phần hình thành một hàm răng đẹp sau này. Vì vậy việc lựa chọn phương pháp nhổ răng sữa an toàn cho bé cũng cần được quan tâm.

Răng sữa sẽ có cơ chế tự rụng riêng biệt, đến thời điểm thích hợp răng sữa sẽ tự rụng mà không cần tác động lực từ bên ngoài. Khi thấy răng sữa của trẻ bị lung lay, rất nhiều cha mẹ thường dùng tay hoặc dùng chỉ để nhổ răng cho trẻ. Việc nhổ răng tại nhà không đúng cách sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ và biến chứng nguy hiểm đối với trẻ. Theo bác sĩ Đặng Đức Lộc, khoa Răng Hàm Mặt (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), trẻ nhổ răng sữa tại nhà thường tiềm ẩn những nguy cơ như: không nhổ hết toàn bộ răng, chảy máu tại vùng nhổ răng kéo dài, nhiễm trùng do không sát khuẩn dụng cụ hay không vệ sinh tay sạch trước khi nhổ răng, nuốt phải chiếc răng vừa nhổ do thao tác nhổ không phù hợp, trẻ  bị đau và ám ảnh, sợ việc khám chữa răng sau này.

Khám răng định kỳ là biện pháp giúp trẻ có một hàm răng chắc khỏe.
Khám răng định kỳ là biện pháp giúp trẻ có một hàm răng chắc khỏe.

Ngoài ra, thời điểm trẻ thay răng sữa cũng là lúc các răng vĩnh viễn bắt đầu mọc lên, nếu trẻ được đưa tới phòng khám để nhổ răng thì bác sĩ có thể đồng thời thăm khám việc mọc lên của những răng vĩnh viễn (mọc có đúng trình tự, có đủ chỗ trên xương hàm cho răng phát triển, những răng mới mọc có dấu hiệu bệnh lý, có bất thường gì không…). Nếu trẻ tự nhổ răng sữa tại nhà thì bố mẹ có thể bỏ qua thời điểm vàng để can thiệp nắn chỉnh, sửa chữa những lệch lạc răng vĩnh viễn ở giai đoạn sớm. Trong một số trường hợp khi răng sữa trẻ chưa rụng mà răng vĩnh viễn đã mọc, răng sữa trẻ bị sâu lâu ngày, vi khuẩn tấn công vào cấu trúc răng khiến ống tủy bị viêm nhiễm nặng gây ê buốt, đau nhức, cha mẹ cần chủ động đưa trẻ tới cơ sở y tế để bác sĩ nha khoa thăm khám và xử lý kịp thời để răng vĩnh viễn không bị mọc lệch và nhiễm khuẩn mầm răng vĩnh viễn nằm bên dưới.

Cũng theo bác sĩ Lộc, tuyệt đối không nên nhổ răng tại nhà đối với trẻ em mắc các bệnh lý như đái tháo đường tuýp 1 bởi sẽ không kiểm soát được khả năng cầm máu sau khi nhổ răng, có nguy cơ nhiễm trùng cao; những trẻ mắc bệnh tim mạch có nguy cơ viêm nội tâm mạc, các bệnh về máu, bệnh gan thận, thấp khớp hay truyền nhiễm… thì việc nhổ răng phải có sự đồng ý của các bác sĩ chuyên khoa nhi, tim mạch, răng hàm mặt; phải tuân thủ phác đồ kháng sinh nghiêm ngặt trước và sau khi nhổ răng. Trước khi nhổ răng cũng phải khai thác kỹ lưỡng tiền sử của trẻ, bệnh sử nha khoa và bệnh lý toàn thân để có phương pháp nhổ răng phù hợp cho từng trường hợp riêng biệt. Trẻ đang sốt cao, đang có viêm lợi cấp... thì không nhổ răng cho đến khi hết các triệu chứng toàn thân và tại chỗ.

Việc khám răng định kỳ chính là cách để theo dõi quá trình mọc răng, thay răng, sự phát triển của xương hàm ở trẻ giúp cho nha sĩ và gia đình có thể kiểm soát sớm được những dấu hiệu bất thường, sửa chữa đơn giản và hạn chế những rối loạn thay mọc răng ở trẻ cho đến khi trưởng thành.

        Võ Quỳnh – Nguyệt Ánh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Chủ động kết nối, giải quyết việc làm cho người lao động
Tỉnh Đắk Lắk luôn tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, đẩy mạnh đào tạo nghề để người dân có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm, có thu nhập ổn định, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội địa phương.