Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc: “Chìa khóa” huy động nguồn lực ở huyện Lắk

06:20, 30/04/2023

Sau 20 năm (2003 - 2023) thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 12/2/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, khối đại đoàn kết trên địa bàn huyện Lắk từng bước được củng cố và ngày càng vững chắc, quyền làm chủ của nhân dân càng được khẳng định, phát huy. Đây là “chìa khóa” để địa phương huy động mọi nguồn lực thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, mục tiêu hằng năm.

Hằng năm, căn cứ vào kế hoạch và hướng dẫn của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và sự chỉ đạo của Thường trực Huyện ủy, Ban Thường trực MTTQ Việt Nam huyện đã chủ động xây dựng các chương trình, hình thức cụ thể trong việc tổ chức sự kiện Ngày hội Đại đoàn kết trên địa bàn. Qua đó góp phần phát huy vai trò tự quản của các khu dân cư, từng cá nhân, gia đình trong thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, xây dựng quê hương. Với phương châm lấy hiệu quả và chất lượng cuộc sống của nhân dân làm mục đích, các phong trào, cuộc vận động đã được triển khai sâu rộng, tạo sự lan tỏa, góp phần khơi gợi tính sáng tạo, tinh thần tự nguyện tham gia trong từng khu dân cư.

Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy H'Kim Hoa Byă tham quan gian hàng mây tre đan của người dân địa phương được trưng bày trong hoạt động Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc tại xã Bông Krang.

Điển hình như Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, trong 20 năm, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức, đoàn thể đã vận động nhân dân hiến trên 16 ha đất, đóng góp trên 22,6 tỷ đồng, hiến 190.000 ngày công để làm đường giao thông, công trình phúc lợi xã hội tại các xã, thị trấn.

Là địa phương đầu tiên của huyện Lắk đạt chuẩn nông thôn mới, khi bắt tay vào thực hiện chương trình này, ngoài việc huy động các nguồn lực xã hội, xã Buôn Tría xác định dựa vào sức dân là chính. Những năm đầu triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, đời sống kinh tế của người dân còn thấp, việc tuyên truyền, vận động vì thế cũng gặp nhiều khó khăn. Song với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng” được triển khai sâu rộng ở mọi hoạt động, phong trào, nhờ đó người người, nhà nhà tham gia. Tính từ năm 2011 đến nay, người dân toàn xã đã đóng góp hơn 1,6 tỷ đồng, hiến gần 40.000 m2 đất, tham gia 2.000 ngày công làm đường giao thông, công trình phúc lợi. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, các công trình hạ tầng trên địa bàn được đầu tư đồng bộ, đáp ứng nhu cầu đi lại, phục vụ hoạt động sản xuất của người dân. Đây cũng là tiền đề quan trọng để xã Buôn Tría phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2025.

Một tuyến đường giao thông nội đồng tại xã Buôn Tría (huyện Lắk) do Nhà nước và nhân dân cùng làm.

Cùng với vai trò của các tổ chức, đoàn thể, phải kể đến vai trò của các cá nhân – là Trưởng Ban công tác Mặt trận ở các thôn, buôn, tổ dân phố. Họ chính là “cầu nối” giữa Đảng và nhân dân, là người đưa các chủ trương, đường lối của Đảng đến với người dân. Điển hình như ông Y San, Trưởng Ban công tác Mặt trận buôn Liêng Krắk, xã Krông Nô – một trong những cá nhân vừa được Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Lắk tôn vinh, tặng Giấy khen trong tổ chức các phong trào, hoạt động Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Ông Y San chia sẻ, buôn Liêng Krắk hiện có 97 hộ, với 315 nhân khẩu, trong đó phần lớn là người M’nông. Đây là buôn đặc biệt khó khăn của xã, đời sống kinh tế của người dân trong buôn chủ yếu là sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi. Buôn Liêng Krắk cách trung tâm xã khoảng 15 km, địa hình đi lại khó khăn, việc tiếp cận các thông tin của bà con trong buôn còn nhiều hạn chế. Với vai trò là Trưởng Ban công tác Mặt trận, ông luôn tích cực tuyên truyền, vận động bà con xóa bỏ các tập tục lạc hậu, chung sức xây dựng nông thôn mới, chung tay bảo vệ môi trường, không phá rừng làm rẫy… Bên cạnh đó, ông cũng tuyên truyền, vận động bà con tích cực chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ vậy, đời sống người dân trong buôn ngày càng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 20 hộ (giảm 10 hộ so với đầu năm 2021).

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, kiêm Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Lắk Đào Thị Thanh An nhấn mạnh: Sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc luôn là một trong những nguồn lực quan trọng nhất, mạnh mẽ nhất để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân vượt qua mọi khó khăn, thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước. Thông qua việc tổ chức các hoạt động Ngày hội Đại đoàn kết hằng năm với những giá trị về chính trị, xã hội, văn hóa đã tạo cầu nối giữa tổ chức đảng, chính quyền với các tầng lớp nhân dân. Qua 20 năm thực hiện Nghị quyết 23 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX, khối đại đoàn kết dân tộc trên địa bàn huyện không ngừng được phát huy, sự đồng thuận trong xã hội ngày càng tăng lên, các giá trị văn hóa, thuần phong, mỹ tục ở cộng đồng dân cư được gìn giữ.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc