Để cán bộ là gốc của công việc (kỳ 1)
“Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, muôn việc thành công hay thất bại, đều do cán bộ tốt hay kém”. Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đắk Lắk đã và đang tập trung thực hiện đổi mới công tác cán bộ, từng bước xây dựng, sàng lọc, khuyến khích để đội ngũ cán bộ ngày càng phát huy phẩm chất, năng lực, uy tín, đưa quyết sách của Đảng vào cuộc sống.
Kỳ 1: Chọn mặt gửi vàng
Công tác cán bộ là "then chốt của then chốt". Soi chiếu vào thực tế, các cấp ủy đảng, địa phương, đơn vị đã lựa chọn, bố trí, sử dụng, trao cơ hội cho những cán bộ đáp ứng được yêu cầu công việc. Mỗi cán bộ ở từng vị trí công tác đã nỗ lực không ngừng để hoàn thiện, nâng cao phẩm chất, năng lực.
Dựa vào việc để tìm người
Xã Hòa Đông (huyện Krông Pắc) là địa bàn có hai công trình giao thông trọng điểm đi qua gồm Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột (gọi tắt là Dự án đường tránh Đông), Dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột. Đây cũng là địa bàn có nhiều công ty nông nghiệp với những tồn tại cần giải quyết. Giữa năm 2022, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Hòa Đông xin nghỉ việc vì lý do sức khỏe, hệ thống chính trị của xã cũng khuyết đến 10 vị trí cán bộ, công chức.
Tình trạng “khuyết cán bộ” tại xã Hòa Đông đã đặt ra yêu cầu đối với Ban Thường vụ Huyện ủy Krông Pắc là phải tìm cán bộ đủ năng lực, phẩm chất, có bản lĩnh, sáng tạo, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách để đảm nhiệm “hai vai”. Sau khi cân nhắc, lựa chọn, Ban Thường vụ Huyện ủy Krông Pắc đã quyết định điều động Chủ tịch UBND xã Ea Knuếc Nguyễn Xuân Hưng về làm Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Hòa Đông.
Cán bộ huyện Krông Pắc kiểm tra tình hình trồng cây sầu riêng của các hộ người dân tộc thiểu số xã Ea Yiêng. Ảnh: Đ. Nga |
Sau khi nhận công tác, đồng chí Hưng đã tiến hành ngay việc tiếp xúc, nắm bắt tâm tư và vận động thành công hơn 20 hộ dân có đất nằm trong phạm vi Dự án đường tránh Đông nhận tiền bồi thường, hỗ trợ và bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Mặt khác, xác định nhiệm vụ cấp bách là phải củng cố hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, buôn, đồng chí nhanh chóng rà soát lại toàn bộ đội ngũ cán bộ, đưa ra khỏi hệ thống những người không còn tâm huyết, động viên các nhân tố tích cực tham gia công tác tại địa phương. Người đứng đầu xã cũng triển khai nhiều buổi đối thoại, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và cùng bàn bạc với người dân để có giải pháp cụ thể giải quyết những vấn đề thuộc phạm vi trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương như công tác cải cách hành chính, xây dựng nông thôn mới…
“Công tác cán bộ phải bảo đảm công tâm, khách quan, lấy công việc để chọn cán bộ, lấy hiệu quả công tác và sản phẩm công việc cụ thể làm thước đo trong đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ. Kịp thời luân chuyển, thay thế cán bộ năng lực hạn chế, không chờ hết nhiệm kỳ” - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung. |
Chỉ hơn 6 tháng đảm nhiệm vị trí công tác mới, đồng chí Hưng đã kiện toàn được đội ngũ cán bộ, lấp đầy những vị trí khuyết thiếu trước đây. Công tác cải cách hành chính cũng được người dân ghi nhận với mô hình: “Trang Zalo kết nối nhân dân với cán bộ xã”, “Phục vụ người dân, doanh nghiệp ngoài giờ hành chính”… Mối quan hệ của cấp ủy, chính quyền với người dân đã chuyển biến tích cực qua việc khơi dậy lại phong trào giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao giữa cán bộ xã với cấp ủy, ban tự quản, đoàn thể và nhân dân các thôn, buôn.
Sự hài lòng của người dân là thước đo công vụ
Ngay sau khi được tín nhiệm bầu giữ chức Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Ea Đar (huyện Ea Kar) nhiệm kỳ 2020 - 2025, việc làm đầu tiên của đồng chí Trần Văn Hải là cùng tập thể Đảng ủy, UBND xã xây dựng bộ máy chính quyền “Liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân”. Hiện thực hóa mục tiêu này, người đứng đầu địa phương đã quyết liệt chỉ đạo sắp xếp lại tổ chức bộ máy, bố trí cán bộ phù hợp với từng vị trí công tác. Quy chế làm việc được sửa đổi, bổ sung, tập trung đề cao đạo đức công vụ, hướng đến sự hài lòng của nhân dân. Những vị trí công việc thường xuyên tiếp xúc với dân được bố trí những cán bộ trẻ, đủ năng lực, giao tiếp nhã nhặn, gần gũi, cởi mở. Đảng ủy xã cũng sắp xếp lại những vị trí công việc có tính chất tương đồng, phát huy sở trường, sự năng động của cán bộ nhằm giảm bớt các chức danh không chuyên trách theo Nghị quyết số 16 của HĐND tỉnh. Cấp thôn, buôn cũng tổ chức lại bộ máy nhân sự theo hướng tinh gọn, kiêm nhiệm. Nhờ vậy, các công việc được triển khai đồng bộ, tránh tình trạng “tam sao thất bản”.
Cán bộ Ban Tổ chức Huyện ủy Ea Súp khảo sát tình hình đời sống, việc làm của người dân xã Cư Kbang. Ảnh: M.Quyền |
Cán bộ phải sát cơ sở, gần dân, quan điểm này của người đứng đầu địa phương đã được cụ thể hóa bằng những việc làm thiết thực. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã tiếp công dân 1 - 2 tuần/lần, tổ chức đối thoại với nhân dân, cán bộ, hội viên các đoàn thể. Công an xã tổ chức diễn đàn lắng nghe ý kiến nhân dân. Qua đó, nắm bắt kịp thời những vấn đề vướng mắc tại cơ sở, lắng nghe ý kiến góp ý của nhân dân về phong cách lãnh đạo, điều hành, thái độ ứng xử của cán bộ khi tiếp xúc với dân để điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp. 5 tổ cấp ủy đều được phân công tham dự sinh hoạt định kỳ với các chi bộ trực thuộc. Bên cạnh đó, khi các thôn, buôn tổ chức họp dân, bàn bạc vấn đề xây dựng các công trình trên địa bàn, Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND xã đều tham dự, động viên, đóng góp ý kiến. Nhờ vậy, xã Ea Đar đã trở thành một trong những địa phương đi đầu trong thực hiện cải cách hành chính, xây dựng nông thôn mới của huyện Ea Kar.
Đổi mới trong chọn và “rèn” cán bộ
Mốc đánh dấu sự thay đổi trong cách thức tuyển chọn và “rèn” cán bộ là năm 2020 khi lần đầu tiên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thực hiện thí điểm việc báo cáo chương trình hành động và cam kết thực thi để các ứng viên có cơ hội thể hiện mình trước khi làm quy trình giới thiệu ứng cử, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp huyện. Qua đó, đã chọn được nhân sự cho chức danh Bí thư Huyện ủy Lắk và Buôn Đôn. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo cấp sở, phòng; tổ chức tuyển dụng công chức khối Đảng, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp thông qua hình thức kiểm tra, sát hạch nhằm bổ nhiệm, đề bạt, tuyển dụng cán bộ một cách công khai, minh bạch, có cạnh tranh.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung cùng đoàn công tác của tỉnh kiểm tra tiến độ xây dựng Khu tái định cư số 2 (xã Cư Bông, huyện Ea Kar) thuộc Dự án Công trình Hồ chứa nước Krông Pách thượng. Ảnh: M.Quyền |
Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng chú trọng xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số; ban hành và triển khai thực hiện các quy định, kế hoạch, đề án về luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác lãnh đạo, quản lý và cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị tỉnh; quy định về việc bố trí công tác đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp sau khi bị kỷ luật trong hệ thống chính trị tỉnh… Tính đến năm 2022, toàn tỉnh có 7.474 cán bộ, công chức, trong đó cán bộ nữ có 2.556 đồng chí (chiếm 34,1%), cán bộ người dân tộc thiểu số có 1.166 đồng chí (chiếm 15,6%). Đội ngũ cán bộ, công chức của tỉnh ngày càng nâng cao, hoàn thiện về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Chỉ tính trong nửa nhiệm kỳ 2020 - 2025, toàn tỉnh đã điều động, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại và giới thiệu cán bộ ứng cử thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đối với 111 trường hợp; hiệp y điều động, bổ nhiệm, quy hoạch 59 trường hợp; kiện toàn, củng cố cấp ủy, ban thường vụ và các chức danh chủ chốt của các đảng bộ trực thuộc, các sở, ban, ngành của tỉnh 18 trường hợp; thực hiện chủ trương bố trí bí thư cấp ủy không phải là người địa phương tại 15 huyện, thị xã, thành phố; kết luận tiêu chuẩn chính trị đối với 353 cán bộ, đảng viên theo quy định.
(Còn nữa)
Kỳ 2: Sàng lọc để đội ngũ cán bộ mạnh và tinh
Mạnh Quyền - Đinh Nga
Ý kiến bạn đọc