Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh: Nâng tầm trí tuệ (kỳ 2)

08:00, 16/08/2023

Kỳ 2: Phát triển nguồn nhân lực: Còn những “điểm nghẽn”

Gần 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, vị trí, vai trò đội ngũ trí thức tỉnh Đắk Lắk đã được nâng cao, tăng về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, việc xây dựng đội ngũ trí thức ở Đắk Lắk còn nhiều khó khăn, thách thức.

Còn “khoảng trống” giữa học hàm, học vị và thực tiễn

Trước yêu cầu của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, đội ngũ trí thức tỉnh Đắk Lắk đã tăng nhiều về số lượng; tuy nhiên, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bên cạnh đó, công tác thu hút nhân tài, phát triển nhân lực trình độ cao trong một số lĩnh vực còn hạn chế, thiếu cán bộ đầu ngành, chuyên gia giỏi trong nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, xây dựng, kinh tế, môi trường…

Những năm qua, huyện Krông Bông đã thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; trong đó, đặc biệt quan tâm tạo nguồn cán bộ trẻ. Tuy nhiên, theo đánh giá của Phòng Nội vụ huyện, hiện nay về cơ bản số lượng cán bộ bảo đảm nhiệm vụ được phân công nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn nhận là chưa có sự đột phá, đóng góp nổi bật trong việc thúc đẩy phát triển địa phương.

Như Ea Trul là xã vùng 3, có trên 60% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số nên việc thu hút trí thức, người có trình độ chuyên môn cao về công tác tại địa phương không dễ. Đa phần cán bộ công chức của xã cơ bản bảo đảm bằng cấp, số lượng nhưng chất lượng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn dẫn đến hiệu quả công việc chưa đạt như mong muốn.

Phó Chủ tịch UBND xã Trần Hoài Chính bày tỏ, để phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương thì đòi hỏi phải thu hút được những trí thức có trình độ, nhiệt huyết và sẵn sàng cống hiến. Muốn vậy, trước hết  phải bảo đảm môi trường làm việc, đời sống, thu nhập; đồng thời, chính quyền các cấp phải có chiến lược để phát triển, thu hút nhân tài đến với những địa bàn đặc biệt khó khăn như Ea Trul.

Công nhân lao động tại một doanh nghiệp chế biến nông sản trong Cụm công nghiệp Tân An.

Không chỉ ở cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp cũng thiếu hụt trầm trọng nhân lực trình độ cao. Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cơ khí, Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ - Xuất nhập khẩu Đăng Phong (Cụm công nghiệp Tân An) rất cần công nhân có tay nghề cao. Tuy nhiên, việc tuyển dụng gặp rất nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Đăng Phong, Giám đốc Công ty cho biết, hằng năm Công ty đều thông báo tuyển dụng công nhân có trình độ tay nghề cao vào các vị trí quan trọng trong dây chuyền sản xuất của đơn vị, song việc tìm kiếm rất khó khăn, trong những năm gần đây, số lượng tuyển dụng được chỉ đếm trên đầu ngón tay. Do vậy, hằng năm, Công ty đều phải thuê giáo viên về đào tạo nâng cao trình độ tay nghề cho công nhân.

 

“Xét về mặt số lượng đội ngũ trí thức ở tỉnh Đắk Lắk là không thiếu, nhưng về chất lượng thì chưa đáp ứng. Thực tế, đội ngũ trí thức được đào tạo ra có học hàm, học vị rất cao, nhưng khả năng đáp ứng thực tiễn đối với đời sống xã hội còn khoảng cách rất xa” - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lê Đình Hoan.

Có một thực tế là số lượng đề tài khoa học được nghiên cứu và áp dụng vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân trên địa bàn tỉnh còn ít, chất lượng chưa cao; việc tham gia các hoạt động tư vấn, phản biện, giám định các chủ trương, chính sách, dự án phát triển kinh tế - xã hội của đội ngũ trí thức còn hạn chế.

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lê Đình Hoan cho biết, Đắk Lắk hiện có Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, Phân viện Học viện Hành chính quốc gia khu vực Tây Nguyên, Trường Đại học Tây Nguyên đều có các đề tài nghiên cứu khoa học, trong đó một số đề tài cấp quốc gia, song vấn đề ứng dụng vào thực tế rất ít, chưa được như mong muốn. Đội ngũ trí thức có trình độ ở nước ta nói chung, tỉnh Đắk Lắk nói riêng phần lớn làm việc trong cơ quan hành chính, sự nghiệp, giáo dục, y tế và công tác quản lý, ít tham gia trực tiếp vào nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

Vùng “trũng” nhân lực

Xây dựng đội ngũ trí thức nói chung, trí thức dân tộc thiểu số (DTTS) nói riêng để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội là một trong những nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Giữ vai trò, vị trí quan trọng để đẩy nhanh tiến trình phát triển ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, song hiện nay đội ngũ trí thức DTTS chiếm tỷ lệ không cao.

Tỉnh Đắk Lắk có gần 2 triệu dân, trong đó người DTTS tại chỗ chiếm khoảng 32% dân số toàn tỉnh, DTTS từ nơi khác đến khoảng 12%. Hiện nay, số lượng công chức, viên chức người DTTS chiếm khoảng 13,2% tổng số công chức, viên chức toàn tỉnh. Dù chiếm số lượng khá đông, song số trí thức người DTTS có trình độ cao còn khiêm tốn, đây cũng là đặc điểm chung của cả vùng Tây Nguyên. Theo thống kê, năm 2021, số người có trình độ đại học trở lên ở Tây Nguyên là 322.056 người (chiếm 5,3% dân số), riêng đội ngũ trí thức DTTS là 9.078 người. Trong đó, tỉnh Đắk Lắk có 3.651 trí thức có trình độ đại học trở lên (chiếm 11,02% dân số), tỉnh Đắk Nông thấp nhất vùng với 147 người (chỉ chiếm 2,7% dân số).

Anh Trần Trung Kiên (bên trái) là lao động có tay nghề tại Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ - Xuất nhập khẩu Đăng Phong.

TS. Trần Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp tỉnh Đắk Lắk chia sẻ, đội ngũ trí thức DTTS ở Tây Nguyên vẫn còn thiếu về số lượng. Đồng bào các DTTS Tây Nguyên chiếm khoảng 38% dân số của toàn vùng, nhưng đội ngũ trí thức DTTS chỉ chiếm 2,73%. Hiện nay, vùng Tây Nguyên có 4 trường đại học, song chỉ có 2 trường có giảng viên là người DTTS. Cụ thể, Trường Đại học Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) có 330 giảng viên, nhưng chỉ có 1 giảng viên người DTTS (chiếm 0,03%), Trường Đại học Tây Nguyên có 473 giảng viên, nhưng chỉ có 15 giảng viên người DTTS (chiếm 3,2%).

Theo đánh giá của Ủy ban Dân tộc, nguồn nhân lực của các tỉnh Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng, đặc biệt là vùng DTTS vẫn là “vùng trũng”. Do vậy, kết quả thực hiện các mục tiêu của toàn vùng rất khiêm tốn. Đơn cử như năm 2020, năng suất lao động của vùng chỉ đạt 84,3 triệu đồng/lao động (bằng 0,93 lần vùng trung du miền núi phía Bắc; 0,4 lần vùng đồng bằng sông Hồng). Tương tự, năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của vùng chỉ đạt 33,8 triệu đồng/năm, xếp thứ 5/6 vùng của cả nước…

Có thể khẳng định, những thực trạng trên chính là hạn chế, "điểm nghẽn" của Tây Nguyên nói chung, tỉnh Đắk Lắk nói riêng trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội. Bài toán đặt hàng cho các nhà khoa học, nhà nghiên cứu về việc hiến kế giải pháp phát triển cho vùng thời gian tới là hết sức cần thiết. Trong đó, cần xác định việc xây dựng, phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ người DTTS của tỉnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách.

(Còn nữa)

Kỳ cuối: Xây dựng đội ngũ trí thức lớn về lượng - mạnh về chất

Thúy Hồng - Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.