Multimedia Đọc Báo in

Học và làm theo Bác: Tự lực vươn lên khẳng định mình

08:51, 19/05/2022

Thực hiện lời dạy của Bác về phát huy ý chí tự lực, tự cường, các đơn vị, tập thể trên địa bàn huyện Ea Kar đã nỗ lực dựa vào sức mình để phấn đấu, vươn lên, đạt những kết quả đáng ghi nhận.

Khoán việc, giao việc gắn với kiểm tra, giám sát

Xuất thân từ những người lính, từng nằm gai nếm mật, vào sinh ra tử, vì vậy, trên mặt trận kinh tế trong thời bình, mỗi cán bộ, đảng viên, người lao động của Hợp tác xã Nông nghiệp 714 (xã Ea Păl) tiếp tục phát huy tinh thần vượt khó, tự lực vươn lên trở thành đơn vị tiên phong trong phát triển kinh tế tập thể của địa phương.

Khi mới thành lập (năm 2010), Hợp tác xã gần như bắt đầu từ con số 0, khó khăn chồng chất. Chi bộ, Ban giám đốc họp bàn, củng cố lại cơ cấu tổ chức, kiện toàn các đoàn thể, thống nhất mượn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của xã viên để thế chấp vay vốn đầu tư sản xuất kinh doanh.

12 đảng viên trong Chi bộ được phân công phụ trách các đội sản xuất và những khâu trọng yếu như sản xuất giống, thủy lợi, điều tiết nước tưới, chế biến sản phẩm, liên kết chuỗi, tìm kiếm thị trường. Trên cơ sở nghị quyết từng tháng, năm và các nghị quyết chuyên đề, Chi bộ, ban giám đốc phân công cá nhân chịu trách nhiệm cụ thể, đồng thời tiến hành kiểm tra, giám sát, kịp thời gỡ từng khâu vướng, việc khó.

Xã viên Hợp tác xã Nông nghiệp 714 (xã Ea Păl, huyện Ea Kar) ứng dụng rộng rãi cơ giới hóa trong các khâu sản xuất lúa.

Nhận thấy các giống lúa truyền thống chất lượng không cao, hiệu quả thấp, Chi bộ ban hành nghị quyết chuyển đổi cơ cấu giống và cây trồng. Những diện tích trồng lúa lâu năm được chuyển sang trồng khoai lang Nhật với chu kỳ “2 vụ lúa, 1 vụ khoai” nhằm luân canh cây trồng, cắt mầm mống sâu bệnh, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Cùng với đó, Hợp tác xã đã chú trọng liên kết với các đơn vị sản xuất giống để phát triển và đưa các giống lúa xác nhận có chất lượng cao như: ST24, ST25, Đài thơm 8, RVT... vào sản xuất, tiến tới hình thành cánh đồng mẫu lớn theo tiêu chuẩn VietGAP; chủ động tìm kiếm, ký kết hợp đồng tiêu thụ với các thương lái ở tỉnh Bến Tre, Long An.

Trên cơ sở nghị quyết về xây dựng cơ bản, cấp ủy chi bộ đã cụ thể hóa thành chiến lược cơ giới hóa, hiện đại hóa sản xuất. Các xã viên và hộ liên kết được hỗ trợ và khuyến khích đầu tư máy móc, áp dụng cơ giới hóa trong các khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế biến lúa gạo.

Cùng với nguồn kinh phí được hỗ trợ, Hợp tác xã đầu tư sửa chữa công trình đập dâng, hoàn thiện hệ thống kênh tưới tiêu, xây dựng sân kho, khu nhà sấy, lắp đặt máy xay xát liên hoàn, máy sấy không đảo công nghệ cao với công suất sấy 25 tấn lúa/mẻ, giúp tiết kiệm nhân công, chi phí và giải quyết được bài toán bảo quản sau thu hoạch.

Bí thư Chi bộ, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp 714 Vũ Xuân Thu cho biết: Phát huy tinh thần tự lực cánh sinh, vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên theo phương châm “giao việc đến đâu, kiểm tra, giám sát đến đó” đã giúp đơn vị phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả, tạo tiền đề tiến tới xây dựng nhãn hiệu tập thể “Gạo 714”.

 Tự đổi mới và làm mới mình

Để phát huy tinh thần tự lực, tự cường trong cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, Đảng ủy Trường THPT Ngô Gia Tự (thị trấn Ea Kar) xác định không bắt đầu từ những điều lớn lao, phức tạp, ôm đồm nhiều nội dung mà cần tập trung vào hai mũi nhọn: phát huy trí tuệ, rèn luyện đạo đức gắn với nhiệm vụ dạy và học.

Thầy Nguyễn Thanh Du, Bí thư Chi bộ 2, Tổ trưởng Tổ tư vấn, Trường THPT Ngô Gia tự cho biết: Trên cơ sở chỉ đạo chung, từng cán bộ, giáo viên, học sinh có bản đăng ký và cam kết rèn luyện, tu dưỡng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phù hợp. Cán bộ, giáo viên tập trung thi đua dạy tốt, chủ nhiệm lớp tốt, tập trung nghiên cứu khoa học, tự trau dồi, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ.

Chi đoàn các lớp đăng ký thực hiện Tuần học tốt, Tiết học tốt bằng những hoạt động cụ thể như: thảo luận nhóm, giúp nhau cùng tiến bộ, lao động, dọn vệ sinh môi trường. Học sinh tích cực tham gia các câu lạc bộ kỹ năng và sở thích. Việc giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, cách ứng xử cho học sinh được nhà trường triển khai lồng ghép trong các môn khoa học xã hội, trong giờ sinh hoạt lớp, chào cờ đầu tuần...

Học sinh Trường THPT Ngô Gia Tự (huyện Ea Kar) tham gia thảo luận nhóm trong giờ học.

Không chỉ tham gia viết sáng kiến kinh nghiệm, thi viết, thuyết trình về việc “Học và làm theo lời Bác”, cán bộ, giáo viên nhà trường đã nghiên cứu, hiến kế để cùng Đảng ủy, Ban giám hiệu chuyển đổi mô hình quản lý, thực hiện “Trường học thông minh” nhằm thích ứng với việc dạy và học trong thời gian dịch bệnh COVID-19.

Bên cạnh đó, để thay đổi phương pháp dạy học truyền thống, trong mỗi học kỳ, từng tổ chuyên môn chọn hai chuyên đề cụ thể cho giáo viên đăng ký thực hiện tiết học mẫu. Trong tiết học này, học sinh là chủ thể. Từ định hướng của giáo viên, các em chủ động thu thập kiến thức, tự soạn, thiết kế các nội dung trình bày theo nhóm và thuyết trình trước lớp. Các em có quyền tự do đặt câu hỏi, tranh luận, bày tỏ quan điểm, sau đó giáo viên xâu chuỗi, điều chỉnh, bổ sung, khái quát thành kiến thức chung cho cả lớp.

Em Nguyễn Bình Minh, học sinh lớp 12C8 Trường THPT Ngô Gia Tự bày tỏ: “Học tập tinh thần tự học của Bác, chúng em tự nguyện đăng ký tham gia các câu lạc bộ Tiếng Anh, Ngữ Văn, Toán, bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn... đồng thời, hào hứng tham gia các tiết học mẫu. Tại những “sân chơi” này, học sinh có cơ hội thể hiện cá tính, bản lĩnh, sự sáng tạo, giao lưu, học hỏi lẫn nhau. Qua đó, rèn luyện cho học sinh khả năng tự học, tự nghiên cứu, chủ động trong học tập.

Với tinh thần thích ứng linh hoạt, luôn tự đổi mới và làm mới mình, Đảng bộ Trường THPT Ngô Gia Tự nhiều năm liền được công nhận trong sạch, vững mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.